Francisco de Asís Tárrega y Eixea, thường gọi tắt là Francisco Tárrega, (21 tháng 11 năm 1852 - 15 tháng 12 năm1909) là một nhà soạn nhạc, một tay chơi đàn guitar nổi tiếng người Tây Ban Nha. Ông được xem như là người đặt nền móng cho vị trí của cây đàn guitar là nhạc cụ dành cho độc tấu. Ngoài các bản nhạc do ông sáng tác cho đàn guitar ông còn chuyển soạn một số tác phẩm của các nhà soạn nhạc khác sang trình tấu với đàn guitar.
Tiểu sử
Francisco Tárrega sinh tại Villarreal, xứ Castellón, Tây Ban Nha. Cha ông là Francisco Tárrega Tirado, một nhân viên nhà hát; mẹ ông là Antonia Eixea, mất khi ông còn nhỏ. Thuở nhỏ Tárrega có lần bị té vào kênh dẫn nước, tai nạn này làm ông giảm thị lực rất nhiều. Có lẽ một phần do việc này mà ông được gia đình khuyến khích và cho đi học nhạc và hai người thầy nhạc đầu tiên của ông là Eugeni Ruiz và Manuel Gonzalez đều bị mù.
Năm 1862, nhạc sĩ guitar Julián Arcas gặp Tárrega ở Castellón, sau khi nghe Francisco chơi nhạc đã khuyên bố ông cho ông đến Barcelona học với mình. Cha ông đồng ý nhưng nhất quyết rằng Francisco phải được học chơi thêm piano bởi thời đó guitar chỉ được xem như nhạc cụ đệm cho ca sĩ hát mà thôi, trong khi piano là nhạc cụ phổ biến và được tôn sùng trên khắp Châu Âu. Thế nhưng sau đó Julián Arcas lại đi lưu diễn, bỏ lại Tárrega lúc đó mới 10 tuổi phải ngừng học. Ông bỏ đi lang thang, tự mình kiếm sống bằng nghề chơi nhạc ở các quán cà phê và các nhà hàng ở Barcelona. Nhưng không lâu sau đó gia đình tìm được ông và mang ông trở về.
Ban năm sau, vào năm 1865 ông lại bỏ đi lần nữa, lần này đến Valencia gia nhập một băng digan, bố ông lại đến mang ông về nhưng sau đó ông lại bỏ đi lần thứ ba, cũng lại đến Valencia. Trong những chuyến bỏ đi này ông sống được bởi chính khả năng chơi guitar cũng như dương cầm của mình. Nhưng cuối cùng ông lại tự nguyện về nhà.
Năm 1874 Tárrega vào nhạc viện Madrid, nhờ một nhà buôn giàu có là Antonio Canesa giúp đỡ về tài chính. Ông theo học với Emilio Arrieta, người thuyết phục ông tập trung vào chuyên ngành guitar.
Cuối thập kỉ 1870, Tárrega nhận dạy guitar và tham gia các buổi trình diễn thường xuyên, ông bắt đầu được công nhận và bắt đầu đi diễn vòng quanh Tây Ban Nha, ông cũng sáng tác tác phẩm đầu tiên dành cho guitar.
Năm 1880, ông diễn thay cho một người bạn là Luis de Soria tại một buổi hòa nhạc ở Novelda, Alicante. Sau buổi diễn có một người quyền thế nhờ ông lắng nghe khả năng của con gái ông ta, María José Rizo. Francisco và Maria nhanh chóng yêu nhau và đính hôn. Giáng sinh năm 1882, Tárrega cưới María José Rizo ở Novelda.
Năm 1881, Tárrega là người diễn chính ở nhà hát opera Lyon rồi sau đó là nhà hát Odeon ở Paris nhân lễ kỉ niệm 200 năm ngày mất của Pedro Calderón de la Barca. Ông cũng có đến London biểu diễn nhưng ông không hợp với thời tiết cũng như con người ở đây, có câu chuyện rằng ông viết nên tác phẩm lừng danh Lágrima là do nỗi buồn trong một lần đi diễn ở London. Ông bắt đầu chuyển soạn cho guitar các tác phẩm của Beethoven, Chopin, Mendelssohn và những người khác để làm phong phú các tiết mục của mình.
Gia đình ông chuyển đến Madrid, họ sống bằng nghề dạy tư và biểu diễn, sau cái chết của con gái mới sinh Maria Josefa, gia đình ông chuyển hẳn đến Barcelona năm 1885. Tại Barcelona ông kết bạn với Isaac Albéniz, Enrique Granados, Joaquín Turina, Pablo Casals. Trong một chuyến lưu diễn ở Valencia ông gặp một góa phụ là Conxa Martinez, bà này nhận bảo trợ cho ông, cho gia đình ông đến ở một căn nhà ở Barcelona, nơi ông viết các tác phẩm quan trọng của mình. Trong chuyến đi đếnGranada, vẻ đẹp của vùng này gợi cho ông cảm hứng cho tác phẩm nổi tiếng nhất mà ông viết ra sau khi trở về,Recuerdos de la Alhambra. Năm 1900, Tárrega đến Argel, bị mê hoặc bởi điệu trống Ả Rập ông viết Danza Mora.
Năm 1902, ông cắt móng tay để tạo hiệu quả âm thanh mới, đặc trưng cho trường phái theo ông sau này. Năm1903, ông sang Ý biểu diễn rất thành công tại Roma, Napoli và Milano. Tháng 1 năm 1906 ông bị bại liệt nửa người bên phải, không bao giờ ông hồi phục hoàn toàn nhưng vẫn còn tiếp tục lên sân khấu được.
Ông đã hoàn thành tác phẩm cuối cùng Oremus vào 2 tháng 12 năm 1909. Ông mất tại Barcelona 13 ngày sau đó, vào ngày 15 tháng 12 năm 1909, hưởng thọ 57 tuổi.
Phong cách âm nhạc, đóng góp cho kĩ thuật guitar
Về sáng tác thì Tárrega là một người theo trường phái bảo thủ, ông chỉ theo xu hướng của thời đại (nửa sau thế kỉ 19) chứ không phải là một nhà cách tân, không có đột phá về phong cách.
Về sử dụng nhạc cụ guitar ông được mệnh danh là "Sarasate của guitar".
Francisco Tárrega đã đặt nền móng cho guitar cổ điển thế kỉ 20, đã đưa vào guitar cổ điển các kĩ thuật trước đây chưa từng có và vẫn được dùng đến ngày nay, chẳng hạn ông sử dụng cả ngón đeo nhẫn để gảy đàn trong khi trước đó người ta chỉ dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa, kĩ thuật reo dây (tremolo) dành cho guitar cổ điển là phát minh của ông: dùng các ngón trỏ, giữa, đeo nhẫn gảy liên tục vào cùng một dây tạo nên cảm giác tiếng đàn ngân nga không dứt, một ví dụ điển hình cho kĩ thuật này chính là Recuedos de la Alhambra lừng danh.
Tác phẩm
Francisco Tárrega sáng tác không nhiều, chỉ viết 78 tác phẩm và 120 bản chuyển soạn của các nhạc sĩ như Beethoven, Chopin, Mendelssohn và các nhạc sĩ cùng thời như Albéniz
Tác phẩm sáng tác tiêu biểu: Recuedos de la Alhambra (Hoài niệm về Alhambra),Capricho Árabe, Danza Mora
Tác phẩm chuyển soạn tiêu biểu: Asturias (Leyenda) của Isaac Albéniz
Antonio de Torres, date?;Trong bộ sưu tập của Shel Urlik.
“Recuedos de la Alhambra”
“Recuedos de la Alhambra” với tên dịch ra tiếng Việt là “Tưởng nhớ thành Alhambra”, được sáng tác vào năm 1896, ở Granada. Nét tuyệt vời của bài này là giai điệu tremolo, cùng với tiếng bass ban đầu rất trầm ấm, nhưng sau đó lại lên rất cao, bồng bềnh như miền sông núi nước non Alhambra. Thành Alhambra (1238 – 1527) ở Tây Ban Nha là một di sản văn hoá thế giới, đã bị bỏ hoang cho tới cuối thế kỷ thứ 19. Trải qua bao biến động của lịch sử, cung điện Alhambra phần lớn vẫn giữ nguyên diện mạo thế kỷ 14 của mình, không có sự thay đổi nào đáng kể.
Cung điện Alhambra xây dựng trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố Granada. Tên cung điện lấy từ al-Qalat al Hamra, có nghĩa là “lâu đài đỏ”, vì màu gạch và đất lấy từ pháo đài trước kia. Điểm ấn tượng nhất của cung điện Alhambra là công trình trát vữa không xoa láng, trang trí bằng các mô típ thực vật và những câu đề khắc…Cung điện là nơi ở của các vị vua người Maure ở Grenade (thế kỷ XIII-XIV), rộng khoảng 4.000 m2, được tường kiên cố bao quanh với 13 tháp canh liên hoàn khiến nhìn từ bên ngoài vào, lâu đài có dáng dấp một pháo đài. Đây là một tập hợp kiến trúc gồm thành quách, dinh thự và các kiến trúc phụ cho gia nhân cùng nhiều khu vườn tráng lệ, lâu đài được đánh giá là tuyệt tác của đời sống dân sự, quân sự và nghệ thuật của Hồi giáo Bắc Phi. Có thể gọi Alhambra là một pháo đài lẫn dinh thự tiêu khiển. Đây là một cung điện mang quá nhiều sư tráng lệ trên nền mồ hôi nước mắt, sự đói khát và cả tính mạng những người dân Hồi giáo vương quốc Granada.
Cung điện Alhambra được xây dựng để nhằm mục đích quảng bá nền văn hóa, sở thích và chấn chỉnh nền văn minh của Hồi giáo. Sự khẳng định đặc điểm này liên kết mật thiết với nền nhận thức yếu kém của riêng mình trên vương quốc Granada và có lẽ vì lí do này, cung điện Alhambra đã bị bao trùm một tâm trạng luyến tiếc quá khứ, không tưởng và thi vị. Chủ đề hồi tưởng quá khứ cũng có thể nhìn thấy rõ ràng trong kết cấu kiến trúc của cung điện, ngoài sự ám chỉ đặc biệt về đạo hồi, cung điện còn mang tư tưởng và nền văn hóa của Hy Lạp, La mã cổ đại, vì thế cung điện Alhambra còn mang chứa những kiến thức cực kỳ uyên bác về Hy-La cổ điển.
Recuedos de la Alhambra
Capricho Arape
Gran vals
La Catagenera
La Paloma
Lagrima
Adelita
Tango
Sueno
No comments:
Post a Comment