Wednesday, November 19, 2014

Schumann (1810-1856)


Robert Schumann, hay Robert Alexander Schumann, (8 tháng 6 năm 1810 - 29 tháng 7 năm 1856) tại thành phố Zwickau trong một gia đình làm nghề xuất bản sách. Là một nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức. Ông là một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19. Cha ông là một người trí thức và rất khuyến khích sự phát triển năng khiếu âm nhạc từ rất sớm của con trai. Chính ông đã đến Dresden gặp Veber và đề nghị nhạc sĩ nhận lời dạy dỗ cho con trai của mình. Nhưng vì Veber phải đi London do đó những giờ học âm nhạc không thực hiện được. Chính vì vậy mà người thầy của Schumann khi đó là nghệ sĩ đàn organ I.G. Kunts.

Robert Schumann là con út trong số năm người con của gia đình. Cha ông, một nhà xuất bản và buôn bán sách, rất yêu âm nhạc và văn chương. Mẹ ông, là một nhạc sĩ nghiệp dư có tài, đã dạy cho ông những bài cơ bản về piano, vậy nên khi 11 tuổi, ông đã cố gắng để biến giấc mơ thời niên thiếu thành một tác phẩm nhỏ dành cho giọng hát và nhạc cụ dựa trên bài thánh ca thứ 150.

Ngay từ nhỏ Schumann đã bộc lộ tư chất của một "thần đồng" âm nhạc: lên 7 tuổi đã biết chơi đàn và soạn nhạc, lên 10 tuổi đã có thể tổ chức một đội nhạc thiếu nhi, các nhạc hội tại các trường học hoặc các làng quê. Tư chất "thần đồng" âm nhạc ấy được người cha dốc lòng bồi dưỡng, ươm trồng. Tuy Schumann bắt đầu sáng tác âm nhạc từ năm lên 7 tuổi, nhưng cậu bé cũng sớm thể hiện một tài năng đặc biệt qua các buổi biểu diễn đàn piano. Bên cạnh đó, tình yêu đối với văn học luôn chiếm một vị trí to lớn trong sự phát triển tâm hồn của nhà soạn nhạc tương lai. Tác phẩm của nhiều nhà thơ, nhà văn nổi tiếng thế giới như W. Goethe (Wolfgang von Goethe, 1749-1832), F. Siller (Friedrich Schiller, 1759-1805), L. Bairơn (Lord Byron, 1788-1824) đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời cậu.
Nhưng chẳng may, năm Schumann 16 tuổi thì người cha đột ngột qua đời. Do kinh tế gia đình sa sút, bà mẹ bắt Schumann phải chọn một nghề nghiệp vững chắc. Với bà, nghề luật sư vừa cao thượng lại vừa dễ kiếm tiền. Thương mẹ, Schumann đã ép lòng, đến Leipzig để học Luật. Nhưng Leipzig khi đó là một trung tâm văn hóa và hoạt động âm nhạc rất sôi nổi, khiến giấc mơ âm nhạc lại trỗi dậy trong tâm hồn chàng trai mới lớn. Đặc biệt, sau lần nghe cô bé Clara mới lên 9 tuổi biểu diễn đàn piano tại nhà một người đồng hương, số phận cuộc đời Schumann đã được quyết định. Anh quyết tâm bỏ học luật, thi vào Học viện âm nhạc và trở thành học trò của giáo sư Wieck - cha của Clara.
Đầu đời, Schumann theo đuổi ước mơ trở thành một nghệ sĩ piano bậc thầy và mong muốn này bắt nguồn từ sự động viên của thầy giáo ông là Friedrich Wieck, người đã khuyên Schumann rằng ông có thể trở thành nghệ sĩ piano bậc nhất châu Âu. Tuy vậy thì một chấn thương tay đã cản trở ước muốn này của Schumann và ông đã quyết định dồn sức lực cho việc soạn nhạc. Các tác phẩm đầu tiên của ông là các bản piano và lieder; sau đó ông soạn nhạc cho piano và dàn nhạc, thêm vào đó các tác phẩm lieder (những bài hát cho giọng ca và piano), bốn bản giao hưởng, một bản opera và các bản concerto, thánh ca và nhạc thính phòng. Các bài viết của ông về âm nhạc xuất hiện chủ yếu trên Die neue Zeitschrift für Musik (Tạp chí mới cho âm nhạc), một tạp chí ở Leipzig mà Schumann đồng sáng lập.
Ông đọc rất nhiều, và nhà văn khiến cho ông có cảm giác ngây ngất là Friedrich Richter, nhà văn người Đức mới quá cố (1825), người lấy bút danh bằng một cái tên Pháp là Jean Paul Richter. Mặc dù rất mê âm nhạc, Schumann lại được ghi danh vào khoa Luật của trường Đại học Leipzig năm 1828. Ông đã không phản đối nhưng lại bị rơi vào một tình trạng lãnh đạm sâu sắc. Để vượt qua cú sốc đầu tiên, ông đã phải rất nỗ lực để thích nghi với nó. Ông tới các sàn đấu kiếm, thám hiểm các vùng quê xung quanh Leipzig, du lịch tới Munich và Bayreuth với bạn mình là Rosen, bắt đầu nghiên cứu về triết học của Kant, Fichte, Schelling và Hegel, học đấu kiếm, chơi piano và viết những lá thư tinh tế quen thuộc kiểu Proust.
Sau cái chết của người cha vào năm 1826, theo lời khuyên của mẹ và người thân, Schumann đã đến học ở Trường đại học tổng hợp Leipzig. Tuy nhiên, những năm tháng học tại Trường đại học tổng hợp Leipzig cũng là khoảng thời gian ông trau dồi kiến thức và khẳng định tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Trong thời gian ở đây Schumann bắt đầu học nhạc với Fridrich Vik (Friedrich Wiek) – một nhạc sĩ và đồng thời là một nhà sư phạm piano tài năng.
Chuyến đi đến Leipzig của bác sĩ Carus, một người quen cũ ở Zwickau đã giúp kết thúc thời kì băn khoăn, không phương hướng này trong cuộc đời ông. Được đón chào tại ngôi nhà thân thiện, Schumann rốt cuộc cũng có thể nghỉ ngơi và nói chuyện thẳng thắn, không còn bị hạn chế bởi sự e ngại mà ông luôn cảm thấy khi có mặt của những người xa lạ. Bạn bè của Carus gồm cả hai con người rất tuyệt vời là giáo sư Wieck và con gái của ông, họ đồng thời là thầy và trò. Clara Wieck, người mà Schumann sẽ gắn bó trong phần đời còn lại mình, là một cô gái rất thông minh và có tài năng âm nhạc bẩm sinh (cô đã có một buổi biểu diễn piano rất thành công khi chưa đến 10 tuổi). Schumann và Wieck ngay lập tức đã rất hiểu nhau và mối quan hệ thầy trò giữa họ không thể mặn nồng hơn thế. Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của Wieck, ông đã được củng cố thêm về kỹ thuật piano mà cho đến tận lúc đó vẫn chỉ là những mảng chắp vá, và mặc dầu nghiên cứu âm nhạc chiếm gần trọn thời giờ của ông, ông vẫn tiếp tục học luật để làm vui lòng mẹ mình.
Đến cuối tháng 8/1829 Schumann khởi hành tới Italy và trở về sau hai tháng đi thăm Brescia, Milan và Venice. Rồi ông chuyển từ Leipzig tới Heidelberg, ông lại cảm thấy sự căng thẳng trước đó. Sự mặc cảm, bản năng dịch chuyển của ông không ngừng khao khát tình yêu, cái đẹp và âm nhạc và sự khủng hoảng mà đôi khi xảy ra trong ông đã đột ngột bắt đầu tại một buổi hoà nhạc ngoài trời Easter ở Frankfurt ngày 11/4/1830, khi ông nghe Paganini chơi lần đầu tiên. Buổi biểu diễn đó đã làm ông loá mắt, như thể Paganini đã lột bỏ lớp mạng che của một sự thật cổ xưa, bị che giấu trong con người ông. Cho đến mùa hè năm 1830 đó, lần đầu tiên ông đã hiểu được sức mạnh ma thuật của âm nhạc.
Năm 1830, lần đầu tiên Robert Schumann được nghe Niccolo Paganini biểu diễn. Những ấn tượng mạnh mẽ được tạo bởi tiếng đàn của người nghệ sĩ thiên tài Niccolo Paganini đã làm thức tỉnh những tư duy mới lạ của Schumann về nghệ thuật biểu diễn piano. Ngay lập tức Schumann bắt tay vào sáng tạo nghệ thuật trong niềm cảm hứng từ sự khâm phục tài nghệ tuyệt vời của Paganini. Đó là những tác phẩm có tiêu đề: “Các etude theo capris của Paganini” và “Các etude hoà nhạc theo capris của Paganini”.
Với sự khuyến khích của mẹ và sự tán thành của Wieck, Schumann đã dùng phần tài sản trong gia đình mà mình được hưởng để đầu tư đầy đủ vào việc học nhạc. 1831 là một năm quan trọng trong cuộc đời âm nhạc của ông. Khi ông làm khiếu thẩm mỹ phê bình của mình tinh tế hơn trong một bầu không khí âm nhạc luôn được trau dồi của Leipzig, một cách vô thức, ông đã tự trang bị thứ rồi đây sẽ trở thành nghề nghiệp nghệ thuật lớn thứ hai và mang tính chuyên nghiệp trong cuộc đời mình, nghề phê bình âm nhạc. Với các hiệp hội âm nhạc, các buổi hoà nhạc Gewandhaus, viện hàn lâm, và rất nhiều buổi hoà nhạc thính phòng bậc thầy của nó, Leipzig là một trong những kinh đô âm nhạc vào thời Schumann.
Thông tin âm nhạc tại đó đến từ sự trải nghiệm âm nhạc trực tiếp , các bản nhạc mới liên tục được chơi và được bàn luận. Bài báo đầu tiên của Schumann được xuất bản trong số tháng 12 của một tạp chí phê bình âm nhạc mới có tên là Allêgmeine musikalische zeitung (universal musical gazette - Báo âm nhạc đại chúng).
Một trong những bài báo được xem là quan trọng đối với sự nghiệp cầm bút của Schumann sau này, một bài bình luận sắc sảo, thấu hiểu và rất xuất sắc, giới thiệu cho giới âm nhạc của Leipzig một nhạc sĩ mà cho đến tận lúc đó vẫn hoàn toàn chưa được biết tới, Frédric Chopin, với một câu nói đầy ấn tượng: "hãy ngả mũ thưa quý bà quý ông, con người này là một thiên tài!".
Ây vậy mà Schumann cũng có thể nói về chính mình như thế. Khả năng sáng tạo mà ông có chỉ được nhận biết một cách mơ hồ trước đó, giờ đây đã bắt đầu thành hình cụ thể, các bản phác thảo ngắn của ông trở nên mạch lạc hơn, thanh nhã hơn, và một Piano concerto, những chương giao hưởng riêng lẻ, và hơn hết là các bản nhạc cho Piano đã bắt đầu hình thành. Cuối cùng, vào năm 1831, tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản Theme and variations on the name Abegg, op.1 cho piano.
Ông cũng viết Papillons, op.2 cho piano vào thời gian này, nhưng đến năm 1832 nó mới được xuất bản. Kết cấu bởi 2 hồi vũ khúc, 12 tiểu khúc tạo thành Papillons đã khẳng định tài năng của ông với tư cách một nhà soạn nhạc. Một loạt các bản nhạc ngắn vẫn còn dở dang cho chúng ta thấy sự sáng tạo tuyệt vời của ông trong việc tạo ra một bầu không khí hay một miêu tả một trạng thái cảm xúc mà lại sử dụng những chất liệu âm nhạc ngắn gọn nhất có thể.
Đầu năm 1832, ông bị cuốn theo một ám ảnh "tuyệt vọng và điên cuồng" đã giữ ông hàng giờ mỗi ngày bên phím đàn, đến mức Schumann đã làm cho ngón thứ tư của bàn tay phải bị căng cứng do làm việc quá độ, rồi sau này ảnh hưởng đến cả bàn tay. Mặc dù chữa theo phương pháp "vi lượng đồng căn", ông vẫn không bao giờ chữa khỏi hoàn toàn được bàn tay đó và buộc phải chấm dứt sự nghiệp pianist của mình.
Giờ đây, khi không còn khả năng chơi piano nữa, cảm xúc sáng tác của ông theo bản năng lại phát triển lên, và đến năm 1833 ông đã xuất bản một số lượng lớn các tác phẩm quan trọng. Studies on caprices by Paganini op.3 và six concer studies on caprices by Paganini op.10, là hai tác phẩm ông bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với violinist người Italy này, người đã mở rộng tầm mắt cho ông về sức mạnh huyền bí của âm nhạc, cũng như là một sự tái tạo bằng ngôn ngữ piano trình độ violin bậc thầy mà ông đã nghe được từ Paganini.
Virtuosity cũng là một điểm nổi bật đáng chú ý của một số bản nhạc khác ít quan trọng hơn của thời kỳ này như 6 intermezzi op.4 và Impromptu op.54, trên chủ đề của Clara Wieck, nhưng nó đã đạt được một ý nghĩa mới trong bản Toccata "Huy hoàng" op.7, một tác phẩm tuyệt vời không thể phủ nhận ngay cả khi Papillons vẫn là kiệt tác của ông thời kỳ này.
Những kỹ thuật khô khan nhất đã được Schumann biến đổi thành một dòng chảy tuyệt vời trong vắt như pha lê, "moto perpetuo", đầy màu sắc và giai điệu.
Tháng 10/1833 bị bóng đen bao phủ bởi cái chết trẻ đột ngột của hai người là Julian- anh trai ông và vợ của Carl - một người anh trai khác. Schumann thực sự bị sốc và rơi vào một sự phiền muộn sâu sắc, dấu hiệu đầu tiên của sự điên loạn huỷ hoại ông trong quãng đời sau này. Bệnh trầm cảm đã ngăn cản luồng sáng tạo trong sáng tác của ông, nhưng ông vẫn làm việc không ngừng nghỉ.
Năm 1834, cùng sự tham gia của nhiều người bạn (L. Sunke. Iu. Knopp, Friedrich Wiek) Schumann đã thành lập “Tạp chí Âm nhạc mới”. Mục đích của Tạp chí là đề cao những giá trị đích thực của nghệ thuật âm nhạc trong quá khứ và hiện tại. Các phân tích của Schumann trên Tạp chí là những khám phá có giá trị về nội dung các tác phẩm âm nhạc của những nhà soạn nhạc danh tiếng như: J.S.Bach, W.A. Mozart, L.V. Beethoven, F. Schubert. Bên cạnh đó, trong nhiều bài viết của mình, R. Schumann đã có những dự báo có giá trị cao về tài năng của các nhà soạn nhạc đương thời như: F. Chopin (1810-1849), H. Berlio (1803 - 1869), F. List (1811 - 1886) và J. Bramx (1833 - 1897).
Tác phẩm đòi hỏi nỗ lực tình cảm lớn nhất của ông, với ý nghĩa rằng nó được ông viết khi tâm trạng đang dao động giữa sự lạc quan hân hoan và sự bi quan sâu sắc nhất, là Grande sonata giọng Fa thăng thứ op.11, được ông hoàn thành năm 1835. Sau đó ít lâu cũng vào năm 1835 là tác phẩm dành cho piano được xem là vĩ đại nhất của ông Carnaval op.9, 1 tập hợp gồm 20 bản nhạc ngắn cho 4 nốt.
Cảm thấy cần phải sáng tác trên một hệ thống thang âm rộng lớn hơn, Schumann quay trở lại với thể loại sonata và viết ra Fantasie op.17, thực chất là một sonata không phải như tên của nó mặc dầu nó cũng có đầy đủ yếu tố "fantasy" của Schumann. Fantasie là một tác phẩm đầy chín chắn trong đó Schumann đã xử lý các cấu trúc kiến trúc lớn với một sự thuận lợi và dễ dàng mà ông hiếm khi đạt được trong các tác phẩm sau này.
Tem Liên Xô kỷ niệm 150 năm sinh Schumann (1960)
Tuy nhiên, ông cũng có những mối quan tâm khác ngoài sáng tác nhạc. Sự khởi đầu xuất sắc của ông với cương vị là một nhà phê bình âm nhạc đã được chú ý và triển vọng ban đầu này chỉ được khẳng định bằng những bài viết sau này của ông. Một nhóm những nhạc sỹ và nhà văn tiên phong dần dần hình thành xung quanh ông. Các cuộc gặp gỡ sôi nổi của họ tại quán rượu ở Fleichergasse là những dịp hâm nóng các tranh luận trong đó tác phẩm của Beethoven, Bach, Weber và Schubert được đề cao, và những nỗ lực của những nhạc sỹ mới, đặc biệt là Chopin và Mendelssohn, được nhìn nhận như sự đại diện của tính độc đáo âm nhạc đặc trưng Đức mà các nhà phê bình bàn giấy đã khá lâu không để ý.
Một liên minh mới được thành lập mà như Schumann nói: "Còn hơn cả điều bí mật vì nó chỉ tồn tại trong đầu của những nhà sáng lập", "League of the Brothers of David" (Liên minh những người anh em của David) chống lại những định kiến tư sản và chủ nghĩa tầm thường trong âm nhạc trên danh nghĩa tiến bộ và cảm hứng tự do của thời kỳ lãng mạn.
Với cái chết của người bạn thân nhất, Schunke, và sự thờ ơ của Hartmann, ông chủ của tạp chí mà Schumann đang viết bài cho, tờ Neue Zeitschrift fur Musik, những lý tưởng của Liên minh dường như tất bị thất bại, nhưng Schumann vẫn tự mình làm tất cả công việc xuất bản lẫn biên tập cho tờ tạp chí, và kết quả là nó đã trở thành một sự sáng tạo của riêng ông (tên của ông luôn đi cùng với nó trong giới phê bình âm nhạc từ đó).
Mặc dù giọng viết trẻ trung và nhiệt tình, tờ tạp chí cũng rất đáng chú ý bởi trình độ cao của tranh luận mà nó đưa ra và sự rõ ràng của các lập trường đầy tính trí tuệ và lý thuyết, và nó nhanh chóng trở thành một trong những tạp chí âm nhạc hàng đầu thời kỳ này.
Tem Monaco kỷ niệm 175 năm sinh Chopin và Schumann (1985)
Thời kỳ sáng tạo ban đầu mà piano chiếm ưu thế gần như hoàn toàn đã đi đến kết thúc vào khoảng những năm 1838 - 1839 với một loạt các tác phẩm quan trọng rất ấn tượng, cho dù là hầu hết các tác phẩm nguyên gốc cho piano của ông đã được viết ra đến thời điểm đó: Kriesleriana, op.16, một tập hợp những bản nhạc dựa trên những câu chuyện hư cấu của Hoffmann, Kapellmeister Kriesler đi từ những điều kỳ quái nhất cho đến những điều siêu phàm nhất; 8 Novelletten, op.2; sonata giọng Son thứ, op.22; Kinderszenen (Những hoạt cảnh từ thuở ấu thơ), op.15, một kiệt tác về sự thấu hiểu tâm lý; và Humoresque Op 20 đầy màu sắc biến ảo.
Sau bao khó khăn không thể kể hết, Schumann cũng cưới được Clara Wieck vào năm 1840 khi ông đã ở đỉnh cao của danh vọng. Khi còn trẻ, Clara luôn luôn có mặt trong các cuộc gặp gỡ sôi nổi của liên minh, và kết quả là, đã nhanh chóng trở nên có một ảnh hưởng lớn lao tới nó bằng sự quyến rũ và tính nhạy cảm đầy sắc bén của một nghệ sĩ, nhưng khi Schumann đặt vấn đề với cha cô năm 1836, ông đã không đồng ý cho họ lấy nhau với lý do cô còn trẻ, và trên hết, khả năng tài chính bấp bênh của một nhạc sĩ cộng với sức khoẻ vốn đã không lấy gì làm tốt của Schumann.
Ông còn làm mọi việc càng trở nên tệ hơn khi bắt Clara đi xa bằng những tour diễn kiệt sức tới các thủ đô của Châu Âu, với hy vọng rằng sự xa cách lâu ngày sẽ làm cho cô phai nhạt dần tình cảm với Schumann.
Tem CHLB Đức kỷ niệm 100 năm mất Schumann (1956)
Năm 1840, Clara đến tuổi được tự do kết hôn mà không cần có sự ưng thuận của cha mẹ, và mặc cho bao sự phản đối, đôi uyên ương vẫn quyết định tới toà án hoàng gia Leipzig ở Appeal để xin cưới được nhau, và đám cưới đã diễn ra vào 12/9/1840 mà không có sự tham dự của người cha nghiêm khắc của cô.
Đó là một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cả hai đều mang trong mình nghệ sĩ tính và đầy xúc cảm. Nhiều tháng trước đám cưới của mình, Schumann đã viết một loạt các bài hát thể hiện một cách rõ ràng đỉnh cao trong cuộc đời sáng tạo của ông. Với vai trò một người viết ca khúc, ông đã tiếp tục cái truyền thống tuyệt vời đã được thiết lập bởi Schubert, mặc dù ông không bao giờ đạt được hoàn toàn cái xúc cảm mãnh liệt đến sung sướng vô ngần của sức tưởng tượng như Schubert.
Điều này có thể là vì Schubert có thiên tài bẩm sinh hơn về giai điệu ca từ và khả năng của giọng hát, và có ít cách biểu đạt gián tiếp hơn, nhưng sức mạnh biểu đạt một cách khác thường của Schumann và sự phát triển tâm lý bên trong nó ít ra cũng sánh được và trong nhiều trường hợp còn trội hơn Schubert. Piano cũng được đưa vào những bài hát của Schumann với một niêm luật mới: có lẽ là đầy nghịch lý, có thể nói rằng những bản nhạc dành cho piano của ông đã đạt tới sự tinh tế nhất của nó và cái độc đáo trong các bản nhạc đệm cho các bài hát của ông, nơi mà tài năng piano bẩm sinh của ông được thử thách tới mức cực điểm bởi chất thơ trong lời của các bài hát.
Sau khi kết hôn cùng Clara, Schumann không bao giờ viết nên những khúc giao hưởng có tính chất chiến đấu nữa, mà dành toàn tâm, toàn ý cho mối tình của mình. Theo lời Clara, Schumann chỉ viết "Một số nhạc khúc yên lành dễ thương”. Chủ đề vĩnh hằng đối với sáng tác của Schumann chính là "người" và "người" đó không ai khác chính là tôi - người diễn tấu và truyền bá những nhạc khúc của anh khắp châu Âu"...Tình yêu của Clara đã trở thành "khối tình Clara" trong Schumann, giống như "khối tình Ba Lan" của Chopin hay "khối tình Hungary" của Liszt. "Khối tình Clara" đã thực sự trở nên một thứ chất xúc tác, một nguồn cảm hứng luôn tràn ngập trong tác phẩm của Schumann.
Ngay trong năm đầu chung sống với Clara, Schumann đã viết nên hơn 200 ca khúc, được giới âm nhạc gọi là "Năm ca khúc của Schumann". Được công chúng biết đến nhiều hơn cả là ca khúc "Myrthen", "Bản độc tấu F thăng Minor", "Khúc ảo tưởng C Minor"...
Sau "Năm ca khúc", Schumann bỗng cảm thấy cây đàn piano không còn biểu đạt hết những tư tưởng mới cùng những cấu tứ mới đang tràn dâng. Hầu như mọi sự kìm nén đã được giải thoát, tâm hồn Schumann đã trở nên phóng khoáng, tư duy trở nên sôi nổi. Ông chuyển sang sáng tác cho đàn dây, kèn, nhạc thính phòng, nhạc hí kịch.
Thế nên chúng ta mới có những Liederkreise op.24 dựa trên những bài thơ của Heine; The myrthen cycle, op.25 từ Goethe, Ruckert, Byron, Heine và nhiều người khác; Liederkriese op.39 dựa trên thơ của Eichendorff; tập liên khúc Frauenliebe und leben (Cuộc sống và tình yêu của một người phụ nữ) op.42 tuyệt vời dựa trên lời của Adelbert von Chamisso và có lẽ là kiệt tác ca khúc lớn nhất của ông; và cuối cùng là Diechterliebe (Tình yêu của thi nhân) op.48 cũng dựa vào những bài thơ của Heine.
Trong lĩnh vực nhạc thính phòng, 3 tứ tấu cho đàn dây op.42 (1842) rất hay, nhất là bản giọng La trưởng, và piano đã góp phần làm nên một ngũ tấu op.47 thật huyền ảo (1842); tam tấu, op.63 (1847). Hai sonata cho violon, op.105 (1851) và op.121 (1851), mặc dầu có lẽ ít nhất quán hơn, nhưng vẫn có những chương tràn đầy cảm xúc khác thường và sức mạnh bên trong.
Bốn giao hưởng của Schumann, dù có hơi yếu về mặt cấu trúc, nhưng ấn tượng về mặt âm nhạc cùng hoà âm độc đáo của chúng, vẫn ở vị trí trung tâm của truyền thống giao hưởng Đức. Piano concerto, op.54 (1846), Introduction and Allegro, op.92 (1849) cho piano và dàn nhạc và Cello concerto, op.129 (1850) cũng rất được yêu thích vì chúng có cảm giác lôi cuốn, đầy ngẫu hứng khi biểu diễn.
Genoveva, op.81 (1847), vở opera duy nhất của Schumann, không bao giờ được diễn lại từ sau lần đầu công diễn đầy thảm hoạ của nó vào năm 1850 (mặc dù nó nên được nhớ tới vì xuất hiện cùng năm với vở Lohengrin của Wagner) và có lẽ cũng đáng xem xét lại một cách tỉ mỉ vì có yếu tố Wagner trong đó. Ba oratorio phi tôn giáo của ông, Das Paradies und die Peri (Paradise and the Peri), op.50 (1843); Scenes from Goethe's Faust (1847 - 1853) và câu chuyện ngụ ngôn Der rose Pilgerfahrt(Cuộc hành hương của đóa hồng) op.112 (1851) thành công hơn, và đều có liên quan tới giao hưởng hợp xướng Requiem fur Mignon, op.98b (1849) với sự ứng khẩu trong lời nói rất đặc trưng của Schumann.
Mặc dầu Schumann vẫn tiếp tục soạn nhạc, song dường như có cái gì đó trong tính cách của ông bị sụp đổ. Clara đã có những buổi biểu diễn thắng lợi ở nước ngoài tại Copenhagen, Hamburg và Bohemia, đôi vợ chồng đã cư xử thật gần gũi và khéo léo trong suốt chuyến thăm Nga của mình, nhưng Schumann ngày càng khó chịu. Năm 1844 ông đã phải từ bỏ cây đàn piano của mình cũng như vị trí giảng dạy ở Leipzig Conservatory (được Mendelssohn thành lập), và bác sĩ khuyên ông nên chuyển đến một thành phố khác.
Hậu quả giờ đây là chứng mất trí nhớ và khó khăn trong đi lại, ám ảnh bởi một nỗi sợ chết mãnh liệt và bị giày vò bởi sự thay đổi tâm tính khắc nghiệt, ông đã chuyển đến Dresden năm 1846, ở đó ông bị một cơn suy sụp nặng hơn mà từ đó đã sản sinh ra một sự bùng nổ khác trong soạn nhạc. Chuyển từ Dresden tới Dusseldorf năm 1850, ông chấp nhận vị trí chỉ huy trong dàn nhạc của thành phố, nhưng lại bị buộc phải từ chức vì sự không ổn định về tinh thần ngày càng tăng. Bài báo cuối cùng của ông với vai trò nhà nhà phê bình xuất hiện năm 1853.
Trong đó ông đã chỉ ra những nét tiêu biểu của một người trẻ tuổi Johannes Brahms (mà ông chỉ vừa mới gặp), đánh giá anh ta như một người kế vị thực thụ của Beethoven trong thể loại nhạc giao hưởng, một sự biệt đãi mà trước đến giờ ông luôn từ chối.
Khi trở lại Dussendorf từ chuyến thăm Hà Lan, Schumann gần như đã cạn hết nguồn năng lượng trong mình, bị hành hạ bởi chứng mất ngủ vì ông sợ rằng sẽ chết trong giấc ngủ. Tin chắc rằng mình đang bị theo đuổi, ông đã bỏ trốn khỏi nhà mình một đêm giá rét vào tháng 2 năm 1854 và nhảy xuống sông Rhine.
Ông đã được những người đi thuyền cứu sống và mang về nhà, nhưng giờ đây ông gần như đã điên hoàn toàn. Ông được đưa đến một bệnh viện ở Endenich gần Bonn, và từ chối không tiếp khách. Ông qua đời vào ngày 29/7/1856. Clara vẫn sống rất lâu sau đó và trình diễn các bản nhạc giúp tạo nên sự vĩ đại của chồng mình trên khắp thế giới này.
Sáng tác âm nhạc của Robert Alexander Schumann là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc thế giới thế kỷ XIX. Trong âm nhạc của ông thể hiện rất rõ những khuynh hướng triết học tiên tiến nhất của văn hoá Đức giai đoạn những năm 1820 – 1840.
Thời gian theo học Friedrich Wiek đã giúp cho Schumann rất nhiều trong việc khẳng định tài năng biểu diễn đàn piano của mình. Nhưng sau đó vì muốn có những ngón tay dài hơn để thuận tiện cho việc diễn tấu trên đàn piano, Schumann đã chế tạo ra một loại máy nhằm kéo dài các ngón tay. Nhưng kết quả ngược lại, Schumann đã bị hỏng tay và phải vĩnh viễn từ bỏ con đường của nghệ thuật biểu diễn piano. Ông dồn toàn bộ sức lực và tài năng sáng tạo xuất chúng của mình cho công việc sáng tác âm nhạc và hoạt động phê bình âm nhạc. Các sáng tác giai đoạn này phải kể đến: “Những con bướm” (1829-1831), Các biến tấu “Abegg” (1830), “Các etude giao hưởng” (1834), “Carnaval” (1834-1835), “Fantasia” (1836), “Những khúc fantasia” (1837), “Kreisleriana” (1938) và nhiều tác phẩm âm nhạc khác cho đàn piano. Những sáng tác của Schumann trong giai đoạn này thực sự là một trang mới trong lịch sử sáng tạo của nghệ thuật âm nhạc trên nhiều phương diện.
Từ năm 1840, một giai đoạn mới sáng tác đầy thành công của R. Schumann đã được mở ra. Trước hết phải kể tới một bước ngoặt có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời của nhà soạn nhạc: đó là việc ông đã kết thúc thành công cuộc đấu tranh đầy căng thẳng với F. Viek để được quyền cưới người con gái yêu của ông là nghệ sĩ piano xuất sắc thế giới Clara Viek (1819-1896). Cô không chỉ là nghệ sĩ piano có thể biểu diễn một cách hoàn mỹ những kỹ xảo trong tác phẩm viết cho đàn piano, mà hơn thế, là khả năng biểu đạt được những ý tưởng sâu kín mà nhà soạn nhạc gửi gắm trong tác phẩm. Cô đã yêu Schumann từ khi còn rất trẻ, khi đó cô mới 15 tuổi. Nhưng tác phẩm của Schumann – quan điểm và thẩm mỹ nghệ thuật của Schumann đã không chỉ cuốn hút mà còn góp phần thức tỉnh tài năng vốn tiềm ẩn của người nghệ sĩ trong cô. Trong các sáng tác của mình, không ít lần Schumann đã sử dụng những chủ đề của C. Viek. Và như vậy, sự đồng cảm trong sáng tạo nghệ thuật dường như giúp cho tác phẩm của họ có thêm sức mạnh mới/vẻ đẹp mới để bay cao hơn, bay xa hơn. Thật chính xác khi chúng ta khẳng định: thành công rực rỡ trong lao động sáng tạo nghệ thuật của Schumann đầu những năm 1840 có mối liên hệ chặt chẽ với hôn lễ cùng C.Viek. Chính C.Viek sau này cũng viết trong nhật ký của mình rằng: hôn lễ với Schumann là khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời của cô.
Nếu như đầu những năm 30 của thế kỷ XIX là giai đoạn Robert Schumann sáng tác chủ yếu cho piano, thì từ cuối năm 1839 ông hầu như không sáng tác cho piano nữa. Từ năm 1840 ông dồn sức cho sáng tác ca khúc nghệ thuật. Trong một thời gian ngắn Schumann đã sáng tác hơn 130 ca khúc. Trong đó có các Tuyển tập và Liên khúc xuất sắc như:
- “Vòng quanh các bài hát” trên lời thơ của Hainơ.
- “Vòng quanh các bài hát” trên lời thơ của Eichendorff.
- “Tình yêu và cuộc đời người đàn bà” trên lời thơ của Samisso.
- “Tình yêu của người thi sĩ” trên lời thơ của Hainơ.
Sau năm 1840 niềm hứng khởi sáng tác ca khúc biến mất nhường chỗ cho các sáng tác thuộc lĩnh vực âm nhạc giao hưởng. Trong năm 1841 xuất hiện 4 tác phẩm giao hưởng lớn của Schumann. Đó là Bản giao hưởng số 1, Bản giao hưởng d - moll (thường được gọi là Bản giao hưởng số 4 do ông có sửa chữa vào năm 1851), “Uverture, Skezzo và Final”, Chương I của Concerto cho đàn piano.
Năm 1842 là sự ra đời của hàng loạt các tác phẩm thuộc thể loại âm nhạc thính phòng: 3 Tứ tấu cho đàn dây, Tứ tấu piano (Tứ tấu có sự tham gia của đàn piano), Ngũ tấu piano (Ngũ tấu có sự tham gia của piano). Và tiếp đó vào năm 1843 là Oratorio “Rai và Pery”. Đặc điểm nổi bật của các sáng tác âm nhạc giai đoạn này của Schumann là sự phong phú về tư tưởng nghệ thuật. Trong các tác phẩm giai đoạn này chúng ta có thể gặp những tổng phổ đồ sộ, những tác phẩm sử dụng phong cách đối vị chịu sự ảnh hưởng của Bach, hay những tiểu phẩm cho thanh nhạc và piano.
Bắt đầu từ năm 1848 Robert Schumann sáng tác âm nhạc thuộc thể loại hợp xướng theo tinh thần dân tộc Đức. Vào thời gian này bệnh thần kinh của ông đã bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng. Nhiều tác phẩm sáng tác ở giai đoạn này (Thí dụ như Giao hưởng số 2) là cuộc đấu tranh thật sự giữa “tâm hồn sáng tạo với sức mạnh huỷ diệt của bệnh tật” (như chính nhà soạn nhạc nói).
Profiles of Clara and Robert Schumann
Tuy nhiên, vào khoảng những năm 1848 – 1849 cũng có giai đoạn sức khoẻ của Robert Schumann tốt hơn, đó là lúc ông sáng tác đầy cảm hứng. Đó là lúc ông hoàn thành vở opera duy nhất của mình “Henoveva”, sáng tác Chương nhạc hay nhất (thường được gọi là Chương I) trong 3 chương nhạc cho vở kịch “Phauxtơ” của W. Goethe (Wolfgang von Goethe, 1749-1832) và sáng tác một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của mình: Uverture và âm nhạc cho vở kịch thơ của Bairơn “Manfret”. Trong những năm này ở ông thường xuất hiện niềm hứng khởi sáng tác các tác phẩm thuộc thể loại tiểu phẩm piano và thanh nhạc. Đây là điều mà mười năm trước ông đã lãng quên.
Mười năm cuối đời thực sự là một bức tranh đầy phức tạp và nhiều mâu thuẫn trong cuộc đời nhà soạn nhạc. Clara Schumann đã biểu diễn rất nhiều các tác phẩm âm nhạc của chồng mình. Bà đã cùng ông đến nhiều đất nước khác nhau: đến Nga (năm 1844), đến Praha, Berlin và Vienna (năm 1846), đến Thuỵ Sĩ và Bỉ (trong khoảng 1851 – 1853).
Vào đầu năm 1854, bệnh tâm thần của Robert Schumann bước vào giai đoạn trầm trọng. Ông đã qua đời ngày 29 tháng 7 năm 1856 tại thành phố nhỏ Endenich gần thành phố Bonn (Đức).
Một số tác phẩm của Robert Schumann
I. Tác phẩm cho piano (tất cả khoảng 50 tập):
Các biến tấu "Abegg" op.1 (1830)
"Những con bướm" op.2 (1829-1831)
"Hội hoá trang" op.9 (1834-1835)
"Các etude giao hưởng" op.13 (1834-1852)
II. Giao hưởng:
Giao hưởng số 1 "Mùa xuân" B-dur, op.38 (1841)
Giao hưởng số 2 C-dur op.61 (1846)
Giao hưởng số 3 Es-dur op.97 (1850)
Giao hưởng số 4 d-moll op.120 (1841-1851)
Khối tình Clara trong nhạc khúc của Schumann
Năm 1840, sau một cuộc chiến pháp lý gay gắt với người cha của Clara, Schumann kết hôn với nghệ sĩ piano Clara Wieck, một nhân vật có tiếng trong thời kỳ âm nhạc lãng mạn của dòng piano. Clara Schumann (tên thời con gái: Clara Josephine Wieck) (1819-1896) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ đàn piano người Đức. Bà là vợ của nhà soạn nhạc danh tiếng Robert Schumann. Clara Schumann sinh ra tại Leipzig vào năm 1819. Bà là con gái và học trò của ông Friedrich Wieck. Cô bé Clara 9 tuổi đã có buổi công diễn đầu tiên trong đời của mình. Từ năm 1831, Clara Wieck bắt đầu lưu diễn trên khắp nước Đức. Năm 1832, lưu diến trên khắp châu Âu. Clara Wieck đã kết hôn với Robert Schumann vào năm 1840 sau 4 năm cả hai đấu tranh cho tình yêu của mình, dù cho cha của nữ nghệ sĩ phản đối quyết liệt. Từ dó, Clara Schumann là cái tên theo phần đời còn lại của bà. Bà sống ở Berlin trong các năm 1856-1863. Bà còn là người lãnh đạo khoa piano của Nhạc viện Frankfurt vào khoảng thời gian 1878-1892. Clara Schumann công diễn lần cuối vào năm 1891. 5 năm sau, bà qua đời vào năm 1896 tại Frankfurt
Một đoạn trong nhạc khúc mang tên "Hiến dâng" mà nhạc sĩ thiên tài người Đức Robert Schumann dành tặng riêng cho Clara - người đóng vai chính trong "câu chuyện tình yêu vĩ đại và chân thực nhất trong lịch sử âm nhạc phương Tây", người đã mang đến những cảm hứng ngọt ngào, bất tận để Schumann sáng tác nên vô vàn nhạc phẩm trữ tình.
Những nhạc phẩm mang dấu ấn của người con gái ấy, sau này đã được bán với giá 2.300.000 USD, đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử bán bản thảo tổng phổ của các nhà soạn nhạc thuộc thế kỷ XIX...
Clara, nàng là ai? Nàng là một nghệ sĩ biểu diễn piano nổi tiếng từ khi mới lên 9 tuổi, là con gái thầy dạy nhạc của Schumann, là cái "đích" mà Schumann vươn tới. Nàng là người con gái đã dũng cảm vượt qua sự ngăn cản của người cha yêu dấu, nguyện làm "đôi cánh" để Schumann "bay lên" nhạc đàn thế giới... Nàng chính là "em" trong hàng ngàn nhạc khúc trữ tình lãng mạn của Schumann. Vì nàng mà Schumann trở thành người "chung tình" nhất trong giới nghệ sĩ...
Những năm tháng sống cùng Clara dưới mái nhà của thầy dạy nhạc, Schumann luôn mong muốn biểu diễn piano điêu luyện như Clara. Quyết không chịu thua kém cô bé nhỏ hơn mình tới 9 tuổi, anh đã dại dột dùng một sợi dây buộc một ngón tay treo lên trần nhà. Những tưởng làm như vậy sẽ làm cho những ngón tay còn lại nhấn phím đàn mạnh hơn, nhanh hơn. Nào ngờ, ngón tay đó đã vĩnh viễn mất đi khả năng cử động bình thường. Hy vọng trở thành nhà trình tấu piano điêu luyện để sánh tài với cô con gái "rượu" của ông thầy dạy nhạc đã không bao giờ thành sự thật. Schumann chuyển sang nghiên cứu, học hỏi những nhà âm nhạc tiền bối, sáng tác nên những nhạc phẩm để Clara trình tấu trên đàn piano.
Nhạc sĩ Ba Lan Chopin từng cho rằng: "Tình yêu như một cái giếng nghệ thuật, khi đào thấy miệng giếng, nguồn cảm hứng sẽ trào dâng". Đối với Schumann, cái "miệng giếng" nghệ thuật chính là Clara, người đã mang đến cho Schumann cảm hứng sáng tác không bao giờ vơi cạn.
Cả Schumann và Clara cũng không thể biết đích xác họ yêu nhau tự khi nào. Chỉ biết rằng, từ khi nhìn thấy cô bé 9 tuổi chơi đàn, hình ảnh của cô bé không một phút nào không hiển hiện trước mặt, vẫy gọi anh tiến tới. Cho đến khi Clara 16 tuổi, Giáo sư Wieck lờ mờ đoán rằng con gái mình đã quan tâm "hơi nhiều" đến cậu học trò cưng của mình. Giáo sư Wieck góa vợ rất sớm, tự mình nuôi Clara từ nhỏ và nuôi dạy con thành một nhà biểu diễn piano nổi tiếng. Ông cho rằng con gái ông sẽ khổ khi yêu Schumann, vì anh tuy học giỏi nhưng đã mất cả cha lẫn mẹ, không tài sản, không danh tiếng, không có khả năng mang lại hạnh phúc cho con gái ông.
Để tránh con gái gặp mặt Schumann, Giáo sư Wieck bắt Clara đi biểu diễn ở nhiều nơi và cấm cả việc thư từ qua lại của đôi trẻ. Nhưng trong những chuyến lưu diễn khắp đó đây, Clara vẫn biểu diễn những nhạc khúc của người yêu. Schumann cũng tìm đủ mọi cách để liên lạc với cô. Năm 1837, Schumann đã đến nơi Clara biểu diễn để bí mật đính hôn với nàng. Khi biết tin này, Giáo sư Wieck giận dữ đe dọa giết Schumann bằng súng lục, đồng thời tuyên bố từ bỏ đứa con gái duy nhất, cũng như dùng đủ mọi biện pháp để phá việc kết hôn giữa hai người. Cuối cùng ông đã nhờ tòa án giải quyết.
Sau bốn năm hòa giải không thành, toà án ra phán quyết: Clara có quyền tự quyết cuộc đời của mình. Vì thế, mãi đến khi Schumann 30 tuổi, sau 14 năm "tìm hiểu", Schumann mới kết hôn được với người mình theo đuổi.
Trước khi thành hôn hai người từng hứa hẹn: "Hãy để cho chúng ta cùng sáng tạo một cuộc sống đẹp như thơ, đẹp như họa! Chúng ta cùng soạn nhạc, cùng diễn tấu, mang đến cho nhân gian một niềm vui như thiên thần. Chắc chắn chúng ta không thể tách rời"...
Tem CHLB Đức kỷ niệm 90 năm sinh Wieck Clara (1986)
Thế giới tình cảm của Schumann và Clara khác rất nhiều so với các nhạc sĩ khác. Bach từng có hai bà vợ và một gia đình như ý, nhưng đó chỉ là dịp để "những người đàn bà chứng tỏ mình là bà vợ hiền và thông minh". Beethoven, Chopin, Liszt... trong cuộc đời cũng không thiếu vắng đàn bà, nhưng nói cho cùng, tất cả họ chỉ cảm thấy đó chỉ là một sự "hòa âm". Riêng đối với Schumann, Clara là duy nhất, là vĩnh cửu, là sinh mệnh của Schumann. Ngày thành hôn, Schumann lấy quyển nhật ký trao cho Clara.
Trang đầu của cuốn nhật ký, Schumann viết: "Sổ nhật ký này đối với chúng ta sẽ có một ý nghĩa quan trọng. Ngày hôm nay anh sẽ viết mấy lời trên trang đầu tiên, để nó trở thành nhật ký chung của hai chúng ta. Nó sẽ ghi chép những cảm thụ, hy vọng và ý chí chung trong cuộc đời của hai chúng ta. Những ước mong của hai chúng ta không thể dùng lời nói để diễn tả nên viết vào sổ nhật ký này. Quyển nhật ký này được quy định mỗi người thay phiên nhau giữ một tuần lễ, đến tối chủ nhật thì lấy ra cùng đọc...".
Từ khi lấy được người con gái mình yêu, phong cách sáng tác của Schumann có rất nhiều thay đổi. Trước khi kết hôn, Schumann hầu như có nhiều thời gian hơn để theo sát "hơi thở" của thời đại. Trong không khí sôi sục của các cuộc cách mạng tư sản diễn ra khắp châu Âu, Schumann từng dựa vào lời ca cách mạng để viết nên ba bài hợp xướng dành cho giọng nam: "Hãy cầm vũ khí lên", "Đen, đỏ, vàng kim", "Lời ca tự do" và bốn bản "Hành khúc cộng hòa" cho piano. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, những tác phẩm trên chưa bao giờ được trình diễn ở bất cứ nơi nào.
Mùa thu năm 1844, do lao động quá sức, khi đang làm công tác giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Leipzig, Schumann bỗng xuất hiện chứng sợ hãi và loạn trí. Sau khi bình phục, ông lại lao vào sáng tác "Khúc giao hưởng C Major", "Bản hòa tấu violoncelle A Manor", vở ca kịch "Genove va", "Fuast"... Nhưng đến mùa xuân năm sau, Schumann đã điên loạn nhảy xuống sông Rhine tự vẫn. Mặc dù được cứu thoát nhưng kể từ đó ông mất hết lý trí và không bao giờ sáng tác nữa.


Träumerei - Reverie in F Major

Träumerei - Reverie (mộng mơ) cung Fa trưởng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Schumann , nó từng được làm tiêu đề của một bộ phim của Đức năm 1944 về tiểu sử của Robert Schumann, đươc chọn làm phàn mở đầu và kết thúc của bộ phim Hollywood - Song of love (Bài hát tình yêu) năm 1947.
Reverie mô tả sự vô tội của tuổi thơ, một tuổi thơ dễ bị tổn thương, dễ hờn dễ giận , nhưng cũng vô cùng nhẹ nhàng và êm ái. Nhiều nghệ sĩ piano đã trình bày tác phẩm này gần như hóa thân vào bản nhạc, trong khi những người khác đã nhấn mạnh về một cách tiếp cận khách quan hơn. Chủ đề chính là ngọt ngào ngây thơ và tình cảm, mà Schumann muốn tả lại những góc cạnh thời thơ ấu của mình. Giai điệu khó quên , hòa âm đơn giản, nhưng đặc biệt , tâm trạng tổng thể mơ mộng và nhẹ nhàng.


Mơ mòng - Mai Hương
Đặt lời Việt - Phạm Duy
Mơ mòng

Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ
Bóng đêm về đó, trời sầu tưởng nhớ
Và lòng nặng mong chờ.
Ngồi im nhìn lên vườn sao lấp ló
Có muôn ngàn sao lững lờ
Có ai run trong xa mờ.
Người xưa về đâu từ khi lá úa ?
Biết nhau chiều đó, trở về đường cũ
Rồi biệt ly không ngờ.
Người ơi ! Phải chăng lạc trong cánh gió ?
Đến bên đàn trăng tít mù
Hóa thân ra sao mơ hồ.
Vì sao lìa nhau để theo kiếp số ?
Cách xa nhiều quá
Nhờ đêm chiếu cho thêm mịt mù.
Dù sao người trên trời cao vẫn nhớ
Biết duyên bạc số
Mà sao vẫn chưa quên tình hờ.
Đột nhiên hạt sao rụng như cánh lá
Thấy tinh cầu ngã
Tưởng là người cũ, là người của mong chờ.
Tình ta hòa theo vệt sao bở ngỡ
Tới nơi mơ hồ có một trời hoa
Suốt một đời mơ ước thành tình ta.

Reverie - Piano

Reverie - Violin


Piano Concerto in A Minor

Schumann đã bắt đầu viết một loạt các bản piano concerto trước bản này (cung La thứ). Bản concerto lãng mạn nỏi tiếng này được bắt đầu bằng một bản fantasy cho piano vào năm 1841, và được vợ ông, Clara đề nghị viết thành một bản concerto hoàn chỉnh, và 4 năm sau, một trong những bản concerto đẹp nhất trong thế giới nhạc cổ điển ra đời. Bản concerto này được Grieg lấy làm mẫu để viết bán concerto cũng nổi tiếng không kém của mình. 2 bản này có cùng cấu trúc khi sử dụng cả dàn nhạc để giới thiệu giai điệu chủ đề trước khi những note piano tuyệt đẹp xuất hiện.
Tác phẩm gồm 3 chương :
1. Allegro affettuoso (A minor)
2. Intermezzo: Andantino grazioso (F major)
3. Allegro vivace (A major)
Chương 1 Allegro affettuoso bắt đầu với âm thanh mạnh mẽ của bộ dây và timpani, được tiếp nối với tiếng piano mạnh mẽ và dịu dần. Và giai điệu chủ đề ngay sau đó được dành cho tiếng dương cầm. Dựa trên giai điệu này, Schumann mang lại rất nhiều biến tấu, lúc trên cung La trưởng, và lúc chậm rãi trên cung La.
Chương 2 Andantino grazioso tiếng piano và bộ dây mở đầu với giai điệu nhẹ, đầy cảm hứng mà ta sẽ được nghe suốt chương này trước khi các cây cello và bộ dây giữ giai điệu chính, tiếng dương cầm trong chương này chủ yếu đóng vai trò phụ.

Chương 3 Allegro vivace được mở đầu bằng sự bùng nổ của bộ dây trong tiếng dương cầm dẫn giai điệu cho người thưởng thức. Schumann đã cho thấy sụ thiên tài của mình qua chương này, đó là những giai điệu đầy màu sắc và biến ảo, giai điệu của chương này là rất vương giả và tiếng của bộ day là vô cùng quý phái. Bản concerto kết thúc với sụ bùng nổ của dàn nhạc và tiếng timpani dài.


Violin concerto in D Minor
Robert Schumann's Violin Concerto in D minor, WoO 23 was his only violin concerto and one of his last significant compositions, and one that remained unknown to all but a very small circle for more than 80 years after it was written.
The work is in three movements:

1. In kräftigem, nicht zu schnellem Tempo (D minor)
2. Langsam (B-flat major)
3. Lebhaft, doch nicht schnell (D major)

The concerto is in the traditional three-movement quick-slow-quick form. It belongs less to the poetic and passionate style of Schumann's early masterpieces than to the more objective, classical manner of his later music, as ushered in by the 'Rhenish' Symphony of 1850. Certainly the opening movement, which is in sonata form, is conceived more on symphonic than concertante lines. Its powerful opening subject dominates the proceedings, and although the violin’s role is extremely taxing, its subordination to a ‘symphonic’ scheme is emphasized by the fact that there is no cadenza. The second movement, in B flat, has the character of an intensely lyrical intermezzo, and passes without pause into a vigorous and dance-like sonata-rondo finale in the parallel major, D major. An unusual feature of the third movement is its strong polonaise rhythm.


The best of Schumann




No comments: