Thursday, November 20, 2014

Chopin (1810-1849)


Frédéric François Chopin (1810-1849) là một nhà soạn nhạc người Ba Lan. Ông sinh ngày 1 tháng 3 năm 1810 tại làng Żelazowa Wola (Ba Lan) dưới tên Fryderyk Franciszek Chopin; bố là Mikołaj Chopin, một nhạc sĩ gốc Pháp, mẹ là Tekla Justyna Krzyzanowska, một người Ba Lan. Tài năng của Chopin nảy nở từ rất sớm, và được so sánh với thần đồng âm nhạc Mozart. Khi mới 7 tuổi, Chopin đã là tác giả của 2 bản polonaise cung Sol thứ và Si giáng trưởng. Ông cũng đã tham gia một số buổi hòa nhạc từ thiện. Những buổi học piano chuyên nghiệp của ông bắt đầu từ năm 1816 đến năm 1822, khi mà tài năng của cậu bé đã vượt qua cả người thầy Wojciech Zywny của mình. Sự phát triển tài năng của Chopin được theo dõi bởi Wilhelm Würfel, giáo sư, nghệ sĩ piano danh tiếng tại Nhạc viện Warszawa, người đã cho cậu một số lời khuyên có giá trị trong biểu diễn đàn piano và organ.
Từ năm 1823 đến năm 1826, Chopin học tại Warsawa Lyceum, nơi bố cậu là một trong những người giảng dạy. Cậu bé đã dành những kì nghỉ ở những căn nhà của gia đình những người bạn học ở nhiều nơi trên khắp đất nước. Nhà soạn nhạc trẻ tuổi đã nghe và ghi lại những bài hát dân ca, tham gia vào những đám cưới của những người nông dân và những lễ hội đồng quê, đồng thời chơi một thứ nhạc cụ dân gian giống như cây đàn contrabass. Và tất cả những hoạt động này đã được cậu bé miêu tả trong những lá thư của mình. Chopin đã trở nên gắn bó với âm nhạc dân gian của vùng đồng bằng Ba Lan, với sự thanh khiết, đặc sắc, giàu tính giai điệu và âm hưởng dân vũ. Khi sáng tác những bản mazurka đầu tiên và một số bản khác sau này, Chopin đã dựa vào nguồn cảm hứng được ông lưu giữ đến cuối đời này.
Mùa thu năm 1826, Chopin bắt đầu học lí thuyết âm nhạc và sáng tác âm nhạc tại trường trung học phổ thông về âm nhạc tại Warszawa, một bộ phận của Nhạc viện Warsawa và Đại học Warsawa. Tuy nhiên, Chopin đã không theo học lớp piano. Nhận thấy tài năng xuất chúng của Chopin, Józef Elsner - nhà soạn nhạc và hiệu trưởng của trường - đã cho phép Chopin tập trung vào piano nhưng vẫn buộc ông học các môn lí thuyết. Chopin, vốn có khả năng trời phú về sáng tác âm nhạc, đã học được ở trường sự kỉ luật và chính xác trong kết cấu tác phẩm, cũng như hiểu được ý nghĩa và logic của từng nốt nhạc.
Đây là thời gian ra đời của những tác phẩm có tầm cỡ đầu tiên của Chopin, ví dụ như bản Sonata cung Đô thứ, những khúc biến tấu opus số 2 dựa trên một chủ đề trong vở Don Giovanni của Mozart, bản Rondo á la Krakowiak op. 14 và bản tam tấu cung Sol thứ, opus 8 cho piano, violin và cello. Chopin kết thúc quá trình học tập của mình tại trường phổ thông vào năm 1829 và sau 3 năm học tại trường, Elsner đã viết trong một bản báo cáo: "Chopin, Fryderyk, học sinh năm thứ 3, một tài năng lớn, thiên tài âm nhạc".
Khi trở về Warszawa, Chopin cống hiến cho sự nghiệp sáng tác và đã viết một số tác phẩm, trong đó có 2 bản concerto cho piano và dàn nhạc cung Fa thứ và Mi thứ. Bản Concerto số 1 đã được gợi cảm hứng rất lớn từ cảm xúc của nhà soạn nhạc đối với Konstancja Gladkowska, sinh viên thanh nhạc tại nhạc viện. Đây cũng là thời kì Chopin cho ra đời những bản nocturne, étude, waltz, mazurka đầu tiên. Trong những tháng cuối cùng trước ngày Chopin dự định ra nước ngoài sinh sống, Chopin đã có một số buổi biểu diễn trước công chúng, chủ yếu là ở Nhà hát quốc gia Warsawa, nơi 2 bản concerto lần đầu tiên được biểu diễn.
Vào ngày 11 tháng 10năm 1830, ông đã có một buổi hòa nhạc chia tay tại Nhà hát quốc gia Warsawa, trong đó ông đã biểu diễn bản concerto cung Mi thứ, và K. Gladkowska đảm nhiệm vai trò ca sĩ. Ngày 2 tháng 11, cùng với người bạn Tytus Woyciechowski, Chopin đã đến nước Áo, với dự định đi tiếp sang Italy. Mùa thu năm 1831, ông đến Paris. Ở Paris, ông chọn nghề chơi và dạy đàn cùng lúc soạn nhạc, và ông lấy tên tiếng Pháp là Frédéric-François Chopin.
Cả cuộc đời, sức khoẻ ông không được tốt. Ông có mối quan hệ gần gũi nhưng đầy trắc trở với nhà văn Pháp George Sand trong suốt 10 năm trước khi ông qua đời do lao phổi ngày 17 tháng 10 năm 1849 tại Paris, thọ 39 tuổi. Khi Ba Lan bị phát xít xâm chiếm vào năm 1939, những người yêu nước đã tìm cách cất giấu trái tim của Chopin để không bị lọt vào bàn tay nhơ nhuốc của chúng. Mùa thu năm 1949, trái tim được bí mật mang về Ba Lan, trong một chiếc hộp gỗ sồi. Ngày nay trái tim được đặt sau một phiến đá hoa cương tại nhà thờ Holy Cross,Warsaw.
Phong cách chơi đàn
Chopin là trường hợp độc nhất vô nhị với cây đàn piano. Ông đã chống lại được sự quyến rũ của dàn nhạc, mà theo cách nói của Liszt, để rót đầy hàng trăm trang giấy với mỗi mảnh nhỏ của giai điệu. Ông đã chứng tỏ được rằng có thể tập trung đỉnh cao nhất của thiên tài vào những hình thức nhỏ nhất của âm nhạc. Sự tưởng tượng của ông tràn ngập với những khúc ca đem lại cảm giác đẹp như truyện cổ tích, những giấc mơ ám ảnh nỗi nhớ quê hương, với nỗi sầu muộn bị kìm nén bởi một tâm hồn cao quý. Tác phẩm của ông chỉ có thể được thể hiện bằng những vần thơ của Mickiewicz. Tất cả những nỗi đau đớn của cuộc sống lưu vong, nỗi giận dữ bị ghìm lại, và trong ý thức sâu sắc về những bất hạnh của mảnh đất quê hương, tất cả những quan niệm cao nhất của ông về giới quý tộc Ba Lan cổ đã được phản chiếu với một sự phong phú, và một sự giản dị to lớn loại trừ được tất cả những gì nhấn mạnh quá mức.
Các điệu polonaise đầy sự hùng dũng và tinh thần hào hiệp, gợi ra phong thái cao quý của một trang phong lưu mã thượng; các bản ballade là những ảo ảnh buồn trong quốc phục Ba Lan, diễu binh trước mắt chúng ta; và các điệu Mazurka gợi ra vũ điệu dân tộc của một đất nước vừa vui tươi lại vừa bi thương, tràn ngập không khí của sự thiếu thanh thản và ý thức về phẩm giá. Đặc điểm chính của sự thiên tài trong Chopin là sự chân thật và tinh thần sôi nổi, chính điều đó đã đem lại cho các sáng tác của ông một bầu không khí đầy hạnh phúc của cảm hứng sáng tạo. Ông hiếm khi cho phép để bản thân mình bị bó hẹp trong hình thức. Tự do của ông trong các tác phẩm đã đem đến ý nghĩ về những cánh đồng rộng mênh mông, nơi tinh thần có thể thoải mái bay lượn mà không bao giờ một tảng đá hay một vách đá nào ngăn cản nổi. Đó là những cánh đồng mà chúng ta dấn thân vào với teskuota và zal (những từ Ba Lan này không thể nào dịch sang được bất cứ một ngôn ngữ nào), với nỗi ân hận không rõ rệt, sự uể oải và những giọt nước mắt đã được âm nhạc và thi ca thấm nhuần.
Chơi đàn theo cách riêng của ông, những đoạn mang tính chất trang trí không bao giờ cản trở độ tinh khiết của các giai điệu. Các vòng quay mang đặc điểm của ông, các đường lượn và những nét trang trí mỏng manh, tất cả đều rõ ràng trong trẻo, không bao giờ làm lu mờ đi ý tưởng chính. Các bản nocturne, valse và impromptu đều vẽ ra cho chúng ta những nét thân thuộc nhất của ông; tinh thần đầy xúc cảm của ông được thể hiện một cách thanh thản và tự nhiên chưa từng có từ trước tới nay; chúng mô cả cuộc sống của ông trong xã hội, nơi “ông tôn thờ một cách say đắm ba người phụ nữ như nhau trong một buổi dạ hội, và thà bỏ chạy còn hơn là phản bội một người trong số đó”, và nỗi sầu muộn sẽ bám lấy ông khi trở về nhà để rồi “như một người đàn bà cuồng loạn, ông sẽ khiến cho chính bản thân mình rơi vào chứng mất ngủ với nỗi xúc động trong ký ức” (Georges Sand). Xúc cảm mạnh mẽ với ông không bao giờ đến từ thứ hiện thực chủ nghĩa buồn tẻ; ông ghê sợ những sức mạnh tàn bạo. Bất chấp sự khâm phục dành cho Beethoven, ông đã không thích một vài tác phẩm của nhà soạn nhạc Đức thiên tài này.
Ông thích các tác phẩm của Schubert nhiều hơn và việc chơi các tác phẩm của Liszt hiếm khi khiến ông hài lòng. Những nhà soạn nhạc yêu thích của ông là Mozart và Bach. Chopin là một tín đồ của nhà soạn nhạc vĩ đại Đức, J.S.Bach. “Vào một buổi sáng, ông ấy đã chơi liền một mạch 14 prelude và fugue của Bach bằng trí nhớ”, madame Streicher đã viết, “và khi tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với màn trình diễn vô song này, ông đã trả lời: Đó là những tác phẩm không bao giờ tôi có thể quên được”. Khi được hỏi chuẩn bị như thế nào cho một buổi hoà nhạc, Chopin thường trả lời: “Trong vòng hai tuần tôi thường cô lập bản thân mình và chỉ chơi Bach. Đó là chuẩn bị của tôi. Tôi không tập luyện các tác phẩm của mình”. Với sự tôn sùng nhà soạn nhạc vĩ đại và với sự nhận thức rõ rằng các tác phẩm của Bach đã tạo nền tảng vững sắc cho các nhà soạn nhạc, cho các pianist thế hệ sau, Chopin (theo lời kể của Schumann) đã “làm cho bộ Bình quân luật trở thành thứ bánh mỳ hàng ngày” của những hoạt động âm nhạc của mình. “Luôn luôn tập luyện Bach, đó sẽ là phương tiện tốt nhất để tiến bộ”.
Chopin hiểu thấu những ý tưởng về việc chơi piano. Học sinh của ông thường kể lại rằng, những bài học đầu tiên với Chopin thực sự là một nỗi thống khổ. Lối bấm phím luôn luôn phải chính xác và ngay cả những chi tiết nhỏ nhất không tương ứng với ý kiến của nhà soạn nhạc đều bị khiển trách gay gắt. Cách đặt bàn tay lên phím đàn cũng phải thật duyên dáng và vào cùng thời điểm thuận lợi, Chopin hướng dẫn học trò của mình đặt tay lên bàn phím một cách nhẹ nhàng. Phong cách của ông luôn luôn phụ thuộc vào sự thanh tao của lối bấm phím, và sự giản dị của cách phân nhịp.
Ông không ưa những thứ thiếu tự nhiên và tất cả những động tác phô trương. Một căn phòng trong ngôi nhà của Pleyel có một góc riêng biệt để một chiếc piano nhỏ làm bằng gỗ gụ màu đồng. Đó là chiếc đàn piano của Chopin, trên chiếc đàn này ông đã sáng tác bản Fantasie giọng Fa thứ, Hành khúc tang lễ, bản Scherzo giọng Rê giáng trưởng và nhiều bản prelude, nocturne, mazurka. Các nghệ sĩ đều quan tâm đến chiếc đàn đặc biệt này với sự tôn kính. “Chopin đã chơi một cách sự tao nhã, Felix Mendelssohn nói sau buổi concert đầu tiên của Chopin ở Paris, “nhưng anh ấy chỉ mới trình diễn một chút điều đó từ cây đàn của mình”.
Chopin không thích tất cả những ấn tượng ồn ào và các “màn pháo hoa” thông thường. Nếu Chopin trỗi dậy từ nấm mồ của mình, ông chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng các tác phẩm của mình đã được nhào nặn thành một thứ bao gồm tất cả những điều này, và đó là một kiểu đường đua phá vỡ mọi kỷ lục tốc độ và là sự hòa trộn của tất cả các phong cách. Chopin chắc hẳn sẽ còn ngạc nhiên hơn khi tìm thấy biết bao nhiêu nỗ lực vô ích và tài nghệ kém cỏi của các nghệ sĩ biểu diễn dành cho tác phẩm của mình. Và một François Couperin của thế kỷ 19 chắc hẳn cũng sẽ ngạc nhiên khi nghe một trong số những điệu valse chuyển soạn cho 14 chiếc kèn clarinet, và những khúc prelude, noturne sẽ là những tác phẩm ngớ ngẩn và tiếng thét đầy buồng phổi bởi những ca sĩ opera Italia.
Gia tài đồ sộ các tác phẩm piano mà Chopin để lại, ta có thể thấy dấu ấn nghệ thuật đậm nét trữ tình, sự nhạy cảm tuyệt vời và khả năng dệt nên những bức tranh với những họa tiết âm nhạc dân gian của xứ sở Ba Lan. Fryderyk Chopin là một nghệ sĩ có khả năng "nhận diện" được dòng máu dân tộc đang chảy trong huyết quản của mình. Ông đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thành hình vẻ đẹp của âm nhạc và đất nước Ba Lan trên bản đồ quốc tế. Năm 2010 chứng kiến sinh nhật lần thứ 200 của Chopin và những dấu ấn thiên tài lỗi lạc ấy. Nhưng điều đặc biệt là, đó cũng là sinh nhật dài nhất mà người ta từng biết. Cho đến tận ngày nay, vấn đề ngày sinh chính thức của Fryderyk Chopin vẫn còn đang gây tranh cãi. Đó có thể là ngày 22/2, hoặc ngày 1/3/1810. Không muốn thất kính với người con ưu tú của đất nước, các tổ chức văn hóa tại Ba Lan đã tổ chức lễ kỉ niệm sinh nhật dài nhất của Chopin từ trước tới giờ - kéo dài 1 tuần lễ.
Bắt đầu từ ngày 22/2 đến ngày 1/3, trên khắp đất nước Ba Lan, mọi người dân đều có thể thường thức âm nhạc của Chopin cả ngày cũng như đêm, không ngừng nghỉ. Chopin là niềm vinh quang của đất nước Ba Lan và xứ sở băng tuyết ấy hết sức tự hào về ông. Hơn 50 cuộc thi lớn nhỏ (dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt cho cả trẻ em) về tìm hiểu cuộc đời, các tác phẩm và biểu diễn âm nhạc của Chopin đã bắt đầu từ cuối năm 2009. Cuộc thi đồ họa và poster về Chopin cũng đã khởi động từ rất lâu. Các cuộc thi viết luận, sân khấu, nghệ thuật thị giác cũng được tham gia vào lễ kỉ niệm trọng đại này.
Ngoài ra hàng chục buổi hòa nhạc Chopin được tổ chức bởi các tổ chức văn hóa Ba Lan đã theo tên gọi của ông đi khắp mọi miền thế giới. Dường như Chopin đang ở khắp mọi nơi. Rất nhiều nước thành lập những ủy ban đặc biệt để kỉ niệm năm 2010 - còn được gọi là năm Chopin.
Có cả một danh sách các ủy ban danh dự của nhiều nước trên thế giới. Tại Pháp - đất nước của văn thơ, âm nhạc và nghệ thuật - có cả ủy ban danh dự và ủy ban về nghệ thuật Chopin. Tại Nga, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Đan Mạnh, Canada, Thụy Điển... - những đất nước giàu truyền thống âm nhạc dân gian và cổ điển - đều có những ủy ban riêng. Tại quê hương Ba Lan, mỗi tỉnh thành đều có ủy ban kỉ niệm. Âm nhạc của Chopin được ví như tiếng nói chung cho hàng triệu con người từ các quốc gia khác nhau, những người cần âm nhạc như họ cần bánh mì và muối. Có lẽ ít nhà soạn nhạc nào được yêu mến và ngưỡng mộ nhiều như Chopin trên khắp mọi miền. Những lời cảm ơn, thăm hỏi, yêu thương cùng những bông hoa tươi thắm chưa bao giờ vắng dù hơn 100 năm đã trôi qua tại Nhà thờ Holy Cross, Warsaw, nơi lưu giữ trái tim người con vĩ đại của Ba Lan, hay tại nghĩa trang Père Lachaise, nước Pháp, nơi nhà soạn nhạc thiên tài yên nghỉ.
Tình cảm
Chopin đươc khá nhiều phụ nữ đẹp quan tâm như Konstansia, Marưlia, Denfina Patoskai, Maria Vodzinskai…Thậm chí ông đã đính hôn với Maria rồi lại hủy hôn. Sức mạnh của ông chính là sự lịch lãm thanh tao, nhẹ nhàng, trí tuệ sắc sảo, chưa kể đến tài năng âm nhạc được bao nhiêu người thưởng thức và ngưỡng mộ. Nhưng trong tình yêu có những cản trở mà ông không vượt qua được, hoặc do địa vị xã hội khác nhau, hoặc lòng tự ái, rồi bệnh tật, hoàn cảnh. F. Chopin và nữ văn sỹ người Pháp George Sand quen biết nhau vào năm 1836 trong buổi gặp mặt của giới quý tộc tại nhà của nữ bá tước d’Agu. Sau khi nhà soạn nhạc chơi một số đoản khúc của mình trước các vị khách thì nữ chủ nhân đến gần và giới thiệu với ông một nhân vật khá kỳ lạ.
Đó là một người phụ nữ mặc bộ vét đàn ông, đi đôi ủng cao và miệng hút xì gà. Nhân vật đặc biệt này hoá ra là nữ văn sỹ nổi tiếng khắp Paris George Sand. Sau câu chuyện ngắn ngủi Chopin đã nhận xét với chủ nhà rằng: “Cái bà Sand này trông thật mất cảm tình. Bà ấy mà là phụ nữ hay sao, tôi thấy rất nghi ngờ điều này đấy!”. Khi đó G. Sand đã 33 tuổi, còn Chopin-26. Sand đã trải qua cuộc hôn nhân không thành công và đã có hai con- con gái Solanz và con trai Moris. Có thể chính cuộc hôn nhân đổ vỡ đã làm cho Avrora Dupen (tên thật của nữ văn sỹ) trở thành George Sand. Năm 18 tuổi Avrora lấy chồng là Cazimir Dudevan. Ông ta không mấy quan tâm đến người vợ trẻ, hơn thế còn qua đêm với nhiều nữ gia nhân khác ngay tại nhà. Hai vợ chồng thường xuyên cãi vã và cuộc hôn nhân có cơ tan vỡ. Mặc dù đã có hai con và qua 12 năm chung sống nhưng Avrora vẫn bỏ đi Paris cùng các con, cuối cùng người chồng đã đồng ý ly hôn.
Tại thủ đô Avrora quyết tâm bắt tay vào sáng tác. Năm 1832 cùng với bút danh George Sand, cuốn tiểu thuyết của bà có tên là “Indiana” ra đời và đã mang đến danh tiếng cho bà. Mặc dù ăn mặc kỳ dị nhưng bà có khá nhiều người tình. Trước khi rời khỏi nhà bá tước d’Agu, Chopin lại chạm trán với G. Sand. Lần này cuộc trò chuyện diễn ra khá lâu và Chopin ngạc nhiên phát hiện ra rằng người phụ nữ này không còn làm cho ông thấy mất cảm tình nữa. G.Sand đã bị người nhạc sỹ trẻ hút hồn và không lâu sau thì các cuộc gặp của họ trở nên thường xuyên, bà cố đến những nơi có mặt Chopin. Phải mất một năm rưỡi thì Chopin mới hiểu ra là ông không thể sống thiếu người phụ nữ này, mặc dù tính cách của họ khác nhau. G. Sand thì luôn năng động, thẳng tính, yêu đời.
Chopin thì trí thức, hơi rụt rè, thường ủ ê vì đau yếu nhưng cả hai đều say mê với công việc sáng tác đến quên mình. Mặc cho những lời đàm tiếu lan đi khắp Paris nhưng quan hệ của hai văn nghệ sỹ nổi tiếng này vì thế càng trở nên bền chặt hơn. Người bạn thân của họ là Luy Eno kể rằng họ rất hiểu nhau, bổ xung cho nhau và sống rất êm đềm. Thời gian này Chopin đã sáng tác được 24 tự khúc phản ánh những tâm trạng khác nhau, những cung bậc tình cảm gắn liền với sự yêu đời và tình yêu.
Không may là bệnh lao phổi của Chopin mgày càng trầm trọng, Sand đã bỏ cả việc sáng tác để chăm sóc ông cả ngày lẫn đêm. Năm 1838, G. Sand quyết định đến Tây ban nha, nơi có khí hậu trong lành có lợi cho hai lá phổi của Chopin. Tuy nhiên họ lại gặp những trận mưa và Chopin thấy yếu hơn.
Từ người tình Sand biến thành một nữ y tá. Không lâu sau chủ nhà biết được bệnh tình của Chopin và yêu cầu họ rời đi ngay. Hơn nữa họ còn phải trả tiền tất cả những vật dụng vì theo luật Tây ban nha phải đốt đi những đồ đạc mà người bệnh đã dùng. Tìm được một nơi ở mới là không thể vì tin tức về bệnh tình của nhà soạn nhạc đã lan đi khắp thành phố và người dân đã lảng tránh Chopin. Hai người đã phải dọn đến ở trong một tu viện cách đó khá xa. Cuộc sống ở tu viện không làm cho sức khỏe của Chopin khá lên, Sand đã cố gắng không để ông cô đơn nhưng mọi sự chăm nom chu đáo nhất cũng không giúp ích được cho ông. Họ quyết định trở lại Pháp nhưng không một con tàu nào muốn chở một hành khách mang bệnh. G. Sand đã phải đi khắp thành phố cảng để nài xin sự thương cảm đối với nhà soạn nhạc bất hạnh. Cuối cùng một chủ tàu chở gia súc đã đồng ý, tuy nhiên người ta yêu cầu Chopin và Sand phải tẩy trùng đồ đạc.
Sau khi trở về Pháp vào tháng 2/1839 cặp đôi đã sống tại điền trang của G. Sand. Sức khỏe của Chopin dần trở nên khá hơn. Nhưng không lâu sau chuyến đi Tây ban nha G. Sand gần như cự tuyệt tình yêu thể xác, bà cho rằng điều này chỉ có hại cho Chopin. Hơn nữa những miệng lưỡi độc địa nói rằng nữ văn sỹ đã chán người tình. Đôi khi Sand nói rằng bà đang sống với ba đứa trẻ (bà gọi Chopin là đứa trẻ thứ ba). Những mâu thuẫn giữa họ bắt đầu nảy sinh. Sand thì luôn hiểu và cảm nhận một cách tinh tế âm nhạc của Chopin và ngưỡng mộ tài năng của ông. Ngược lại, Chopin thì quay lưng lại với văn học, ít quan tâm đến sáng tác của Sand, thậm chí ông không đọc hết những tác phẩm của bà.
Tuy khó lòng chấp nhận được sự thờ ơ của ông, Sand vẫn cố gắng dẹp bỏ tự ái nhưng mối quan hệ của họ đã bị rạn nứt và luôn có nguy cơ tan vỡ. Họ chung sống với nhau thêm được 8 năm nữa. Cuối cùng hai người đã chia tay vào năm 1847 sau 10 năm gắn bó. Có thể là mối tình của họ sẽ kéo dài hơn nếu như Chopin không làm hỏng mối quan hệ với cậu con trai của Sand là Moris. Ông đã cố gắng dạy dỗ cậu thanh niên đang lớn, nhưng Moris giận dữ khi mẹ cậu luôn đứng về phía ông. Thế nhưng Chopin lại luôn đứng về phía Solanz khi cô gái tranh cãi với mẹ và điều đó cũng làm Sand tức giận. Thậm chí có lúc bà ngờ rằng Chopin đã thầm yêu con gái mình. Bắt đầu các cuộc cãi cọ, vì tự ái Chopin đã chuyển đi ở riêng, ông không trả lời các bức thư của G. Sand, cho rằng bà là người có lỗi về việc này.
Sau khi chia tay, G. Sand như được giải phóng khỏi sự nặng nề của người đàn ông mà bà đã trung thành phục vụ suốt 9 năm trời, bà không khỏi đôi chút ngậm ngùi vì trong mối tình này, bà đã cho nhiều hơn là nhận. Sand lại trở nên năng động, quảng giao và làm việc hết mình như xưa. Ngược lại, khi thiếu Sand, Chopin luôn cảm thấy bất hạnh như mất đi khí trời, sức sống cuối cùng của ông cũng như bị ngưng trệ, ông không thể sáng tác mà chỉ còn biểu diễn. Sức khỏe của Chopin đã xấu đi nhanh chóng. Không lâu sau ông đã bỏ sang Anh, tại đây ông viết cho bạn mình rằng: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy nặng nề như lúc này và từ lâu tôi đã không có được niềm vui thực sự nữa. Tôi đang sống vô vị và chờ đợi sự kết thúc. Tôi cảm thấy yếu hơn và không thể sáng tác được nữa”.
Sau cùng Chopin đã trở lại Paris, những năm tháng cuối đời ông đã yếu đến mức không nói được mà phải làm hiệu. Khi biết về bệnh tình của Chopin, G.Sand đã muốn dứt bỏ công việc để đến với ông nhưng bạn bè đã khuyên cản bà, sợ rằng sự xúc động mạnh sẽ làm cho bệnh tình của Chopin càng thêm trầm trọng. Năm 1849 Frederich Chopin đã qua đời ở tuổi 39. Thi thể của ông được mai táng tại nghĩa trang Per-Lasez (Paris). Thể theo di chúc của người quá cố, quả tim của ông đã được đưa về Tổ quốc Ba lan. Trước khi qua đời, Chopin vẫn đau đáu ngóng chờ George Sand đến. Ông không thể tin được là bà đã không bao giờ trở lại với mình. Những lời nói cuối cùng của F.Chopin thật xót xa: “Bà ấy đã hứa với tôi là sẽ không để tôi chết mà không có bà ấy ở bên cạnh, tôi sẽ chết trên tay bà ấy”. G.Sand sống thọ hơn Chopin 27 năm, bà mất năm 1876 ở tuổi 72.

“Âm nhạc không có Tổ quốc, Tổ quốc của âm nhạc là toàn thế giới.” Câu nói đó thuộc về thiên tài âm nhạc Frederic Chopin.

Trítesse


Concerto No.1


Spring Waltz


Nocturne


Ballade


The Best of Chopin


No comments: