Friday, November 14, 2014

Debussy (1862-1918)


Achille-Claude Debussy (22 tháng 8 năm 1862 - 25 tháng 3 năm 1918) là một nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng. Cùng với Maurice Ravel, ông được coi như nhà sáng tác nổi bật nhất trong trường phái âm nhạc ấn tượng (mặc dù bản thân ông không thích thuật ngữ này được dùng để miêu tả những sáng tác của mình). Ông là tên tuổi lớn trong nền âm nhạc châu Âu vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông đã để lại nhiều tác phẩm kinh điển cho âm nhạc Pháp thời kỳ này, chủ yếu là các bản giao hưởng, nhạc thính phòng và các bản solo piano.
Gia đình Debussy có gốc lâu đời, là nhánh của dòng họ Burgundy, đã là nông dân từ những năm 1600. Thời thơ ấu của nhạc sĩ Claude Debussy ít được biết đến. Khi Claude sinh ra thì gia đình đang sở hữu một cửa hàng đồ sứ nhỏ và cậu được người cô Clémentine dạy dỗ. Người cô này có mối quan hệ với nhà sưu tập nghệ thuật Achille-Antoine Arosa, và ông trở thành cha đỡ đầu của Claude.
Hoạt động âm nhạc
Lần đầu tiên Claude đến với âm nhạc là từ chuyến đi Riviera, ở đó cậu được học piano từ Giovanni Cerutti, một giáo viên người Ý. Được trao học bổng nhà nước, cậu vào học ở nhạc viện Paris, ở đây, thầy giáo piano Marmontel đã nhanh chóng nhận ra tài năng âm nhạc đặc biệt của cậu. Cậu còn học hòa âm với Emile Durand và học sơ qua về organ với César Franck. Để kiếm thêm, Claude còn đi gia sư piano và đệm đàn cho những người nghiệp dư giàu có. Quá trình làm việc trong các gia đình giàu có đã thường xuyên đưa cậu đi xa, các chuyến đi Italy và Nga đã có một ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đến trí tuệ và cảm xúc của cậu. Công việc là nghệ sĩ piano cho đại gia đình Marguérite Wilson–Perlouze đã đem lại cho cậu cơ hội được ở một thời gian trong một trường văn hóa nghệ thuật rất thú vị, đó là lâu đài đẹp đẽ ở Chenonceaux, cậu đã ở cùng với nhiều nghệ sĩ khác, trong đó có cả nhà văn George Sand.
Năm 1880, ở tuổi 18, Debussy bắt đầu làm việc cho Nadia von Meck, người bảo trợ nổi tiếng của Tchaikovsky, và đã cùng với bà đi vòng quanh châu Âu (ở Vienna, cậu còn được xem cả vở Tristan và Isolde của Wagner). Quá sốt ruột với những hòa âm truyền thống đang học ở nhạc viện, cậu đã bắt đầu mày mò đưa các chủ đề của De Musset vào âm nhạc và viết nên bản Trio Piano Son trưởng, đây là tác phẩm mới được tìm lại.
Debussy cũng dành ba mùa hè (1880 - 1882) để làm việc cho Nadia von Meck, chơi piano cho gia đình và dạy nhạc cho nhiều đứa con của bà, chúng nhớ đến Debussy "như một người Pháp tế nhị nhưng vui vẻ, người không bao giờ ở yên một chỗ và luôn mang lại một sức sống cần thiết cho bầu không khí ngột ngạt của gia đình". Tuy nhiên, chính một chuyến đi Nga đã quyết định đến sự phát triển tài năng nghệ thuật của Debussy, bởi vì anh đã khám phá ra âm nhạc của Mussorgsky, người đã vừa qua đời trong bệnh viện quân y ở St. Petersburg. Những cấu trúc bất hình dạng tuyệt vời và những hình ảnh chất phác một cách tự nhiên của Mussorgsky đã gây nên một ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp là một nhà soạn nhạc của Debussy. Anh cũng có rất nhiều ấn tượng khi được nghe âm nhạc dân gian và gypsy ở đây. Cuộc đời nghệ thuật thực sự của Debussy ở Paris bắt đầu vào cuối năm 1881 khi anh gặp gỡ gia đình kiến trúc sư Vasnier, một trí thức cực kỳ rộng rãi phóng khoáng, có người vợ là một ca sĩ xinh đẹp, người đã lần đầu tiên hát nhiều bài hát đầu tay của Debussy.
Lập trường âm nhạc và nhận thức của Debussy mang màu sắc của hai khuynh hướng nghệ thuật chủ đạo trong thời đại của ông, chủ nghĩa Tượng trưng trong văn học và chủ nghĩa Ấn tượng trọng hội họa, những chủ nghĩa này đã từ bỏ tất cả các hình thức chính thống, tính hàn lâm học thuật hoặc chỉ đơn thuần là tính thụ động. Và cũng không ngạc nhiên gì khi khi những chủ nghĩa đó phải chịu những phản ứng coi thường của giới nghệ thuật được coi là chính thống thời bấy giờ. Từ năm 1885 đến 1887, Debussy sống tại biệt thự Medici ở Roma sau khi được trao Giải thưởng Roma với bản cantata L’enfant prodigue (Đứa trẻ lang bạt, 1884). Debussy ngày càng trở nên nổi bật với sự cách tân nghệ thuật trong thời đại của ông. Ở Roma, ông đã sáng tác hai tác phẩm cho dàn nhạc, Zuleima và Le printemps (Mùa xuân) lấy cảm hứng từ bức họa nổi tiếng của Botticelli, cả hai tác phẩm này đều bị hội đồng thẩm định Viện hàn lâm phê bình gay gắt vì chủ nghĩa phản quy tắc (anti-conformism) của chúng. Điều này đã đẩy sáng tác thứ ba của ông vào một sự ép buộc đối với một người được nhận Giải thưởng Roma, La demoiselle élue (Thánh nữ, 1886 - 1887), dựa trên phần lời của Dante Gabriel Rossetti.
Debussy trở nên gần gũi với âm nhạc của Wagner trong sáu năm, từ 1887 đến 1893, và mặc dù, trước công chúng ông tỏ ra không đồng tình với Wagner, nhưng nhiều nhà phê bình đã nhận thấy rằng đây chỉ là một điệu bộ để che dấu sự ngưỡng mộ và kính nể của ông đối với âm nhạc của nhà soạn nhạc người Đức này. Tuy Debussy đã từng coi Wagner là "một lão già chuyên đầu độc tinh thần", nhưng sự ảnh hưởng của Wagner đến âm nhạc của ông là rất rõ ràng trong các tác phẩm La demoiselle (Thiếu nữ), Pelléas et Mélisande và Sự hy sinh của St Sebastian.
Trở về Paris năm 1888, Debussy đã cắt đứt mối quan hệ lâu dài với Gaby Dupont để cưới Lily Texier, và tiếp tục giao thiệp với những nghệ sĩ theo chủ nghĩa Tượng trưng, tất cả những người này đều là những người ủng hộ Wagner rất mạnh mẽ. Khi Debussy đến buổi dạ hội âm nhạc Ngày Thứ Ba tại nhà riêng của nhà thơ Stéphane Mallarmé, ông đã cảm hứng từ một bài thơ của nhà thơ này để viết nên một tuyệt tác đầu tiên, Prélude à l’après-midi d’une faune (Khúc dạo đầu Giấc nghỉ trưa của thần Điền dã, 1894). Bài thơ của Mallarmé là hình ảnh về những người phụ nữ trong một buổi trưa mùa hè nóng như thiêu như đốt, và âm nhạc của Debussy là một sự diễn dịch tài tình bầu không khí đầy ảo giác và mang tính gợi tả của bài thơ. Đối với khán giả, nó đã thành công ngay trong lần trình diễn đầu tiên, nhưng đối với các nhà phê bình, nó lại bị gây khó dễ. Tuy nhiên, Mallarmé lại rất thích thú, ông viết cho Debussy: "Ngài đã dịch ngôn từ của tôi thành những hòa âm hoàn hảo, ngoại trừ một điều là tác phẩm của ngài còn đi xa hơn thế, nó đã xuyên sâu vào tận cùng của sự luyến tiếc quá khứ, nó chứa đựng sự cảm nhận phong phú và sâu sắc về những thứ ánh sáng mơ hồ". Prélude à l’après-midi d’une faune là tác phẩm điển hình cho phong cách âm nhạc gợi tả tinh tế của Debussy: một sự cảm nhận nửa vời và hoàn toàn lơ đãng, với một nhóm nhỏ các chủ đề mà dường như không bao giờ được phát triển một cách trọn vẹn.
Tiếp tục với những sáng tác như Trois chansons de Bilitis (1897) (Ba bài hát của Bilitis) cho giọng hát và piano, và ba Nocturne (1897 - 1898) cho hợp xướng nữ và dàn nhạc, Debussy đã tập trung vào âm nhạc cho piano để viết nên Tổ khúc Bergamasque (1895 - 1899) nổi tiếng. Vở opera duy nhất của ông, Pelléas et Mélisande, dựa trên vở kịch của Maurice Maeterlinck mà ông đã xem ở Paris năm 1893, cũng bắt đầu được viết trong thời kỳ này. Mười năm sau, nó được trình diễn lần đầu tiên tại Opéra Comique ở Paris vào ngày 30/4/1902, nó đã tạo ra một sự phản ứng hỗn hợp giữa sự phản cảm gay gắt và sự phấn khích cuồng nhiệt, chính nó đã làm kết thúc mối quan hệ bạn bè của Debussy với Maeterlinck, người đã công khai chỉ trích việc Debussy đã từ chối, không cho một ca sĩ vốn là bạn của Maeterlinck, được hát trong vở opera. Hình như là Maeterlinck đã không nghe vở opera mãi cho đến tận 1920, khi Debussy đã qua đời. Ngay sau buổi biểu diễn, ông đã viết cho Mary Garden: "Tôi đã tự thề với mình là tôi sẽ không bao giờ đi xem Pelléas et Mélisande, nhưng hôm qua tôi đã tự phá lời thề, và tôi thấy vui. Nhờ có bạn, lần đầu tiên tôi đã hiểu được tác phẩm của chính mình". Trong Pelléas et Mélisande, Debussy đã tạo ra một sự diễn đạt hư ảo mới, trong đó giai điệu được dựa trên các nhạc tố của hợp âm ba nốt. Theo một nhà phê bình (Lockspeiser) "thành tựu lớn nhất trong những năm tháng trưởng thành của Debussy là sự chuyển đổi của opera vào thi ca".
Ngay sau Pelléas là một tiểu phẩm cho piano, Les estampes (Những bức tranh khắc) và vào năm 1903, Debussy bắt đầu viết tuyệt tác lớn nhất của ông, La mer (Biển), gồm ba phác họa giao hưởng cho dàn nhạc. Debussy đã viết cho nhà soạn nhạc André Messager vào năm 1903: "Có lẽ ngài không biết rằng, tôi luôn luôn hướng đến cuộc sống thú vị của một thủy thủ, và rằng, chỉ vì những thăng trầm của cuộc đời đã ngăn cản tôi theo đuổi cái thiên hướng nghề nghiệp thực sự của mình".
Chủ đề về nước, một trong những biểu tượng yêu thích của Debussy, được tìm thấy trong rất nhiều tác phẩm của ông, bao gồm cả Pelléas, trong tác phẩm này, nó trở thành một Chủ đềâm nhạc và hội thoại trọng yếu. Toàn bộ vở opera được choán đầy bởi tập hợp những hình ảnh: suối nước, biển bão, giếng nước, vẻ tráng lệ của những mặt nước đáng đóng băng, và những vật thể mờ đục khác. Debussy đã bị ám ảnh bởi cái bản chất biến đổi của nước, bởi những vòng xoáy, cuộn lại hay tan ra, trong suốt hay mờ đục – nhìn vào những chiều sâu của nó, với sự hiện hữu đầy sức mạnh và thậm chí là đau đớn của những cảm nhận và tư duy vô thức.
Sau La mer, Debussy bắt đầu làm việc với tuyển tập thứ hai về Các hình ảnh cho piano, xuất bản Tổ khúc Bergamasque vàIberia năm 1905, và hoàn thành một tổ khúc nhỏ cho piano, Góc trẻ thơ, tặng cho Chouchou, con gái của ông, có trong cuộc hôn nhân lần thứ hai với Emma Moyse Bardac, một phụ nữ có địa vị xã hội cao.
Trong năm sau, Debussy nhận ra rằng ông bị ung thư nặng và bắt đầu phải dùng morphine để vượt qua những cơn đau dễ dàng hơn, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc và sáng tác, ngay cả khi yếu đến mức không thể rời khỏi giường. Những khúc dạo đầu cho piano tập 1 được hoàn thành năm 1910, và trong thời gian đó, Debussy đã có thể gặp được những nhà soạn nhạc châu Âu quan trọng nhất trong thời đại của ông. Ông đã gặp Richard Strauss, nhà soạn nhạc đương đại hàng đầu của Đức, ở Paris năm 1906 và ngay sau đó viết một bài báo về ông (sau này được xuất bản ở Monsieur Croche antidilettante, một tuyển tập về phê bình âm nhạc của Debussy) và năm 1910, ông gặp Gustav Mahler, âm nhạc của Mahler bấy giờ bị chế nhạo ở Paris (nó bị coi là quá theo phong cách Schubert và Slave).
Có rất nhiều mâu thuẫn xung quanh sự khác nhau của âm nhạc Đức và âm nhạc Pháp trong suốt thời kỳ này, và sự tranh luận về khuynh hướng dân tộc và bản chất âm nhạc thuần túy đã dự báo trước cho một cuộc xung đột bao trùm khắp châu Âu sau đó một thời gian ngắn. Có những năm mà châu Âu hình thành Đồng minh Ba nước giữa Đức, Áo-Hung, Italy, và Hiệp ước Ba bên giữa Pháp, Nga, Anh, tất cả các phe này đều đang lao vào chuẩn bị cho chiến tranh. Trong bầu không khí ngột ngạt và căng thăng của các mối quan hệ quốc tế, cả Debussy và Fauré đều từ chối không tham gia vào Festival Pháp ở Munich.
Debussy gặp Igor Stravinsky năm 1910. Họ nói chung là mang những quan điểm âm nhạc khác xa nhau, và mối quan hệ bạn bè của họ cũng không phải thực sự là êm đẹp, tuy nhiên, trên thực tế thì họ đã hết sức ngưỡng mộ các tác phẩm của nhau.
Vào tháng 2 năm 1911, Debussy bắt đầu viết nhạc sân khấu cho Le martyre de Saint Sebastien (Sự hy sinh của St Sebastien), vở kịch tôn giáo năm màn của Gabriele d’Annunzio, được biểu diễn ngày 25/5/1911 tại nhà hát Châtelet ở Paris với biên đạo múa do Fokine và trang phục do Bakst. Mặc dù có phần âm nhạc gợi tả thú vị của Debussy, nhưng tác phẩm đã không thành công. Giữa những năm 1910 và 1915, Debussy hoàn thành các Prelude và Etude của ông, chúng đã được coi là những tuyệt tác của âm nhạc piano thế kỷ 20, tiếp đó, năm 1912, là vở ballet Jeux (Những trò chơi), được sáng tác cho đoàn Ballet Russe của Diaghilev, theo ý tưởng của Nijinsky, một diễn viên kiêm biên đạo múa. Một vở ballet khác cho thiếu nhi, La boite à joujou (Hộp đồ chơi), ra đời năm 1913. Tác phẩm cuối cùng của ông, Sonata cho violin, viết năm 1917. Debussy mất ở Paris ngày 25 tháng 3 năm 1918 vì bị bệnh ung thư.
Mặc dù Debussy sáng tác thất thường và không liên tục, nhưng ông đã cực kỳ thành công trong việc phác họa lại những hình ảnh phù du, thoáng hiện lên trong nhận thức của con người về âm nhạc. Debussy đã không lập nên bất cứ trường phái nào và cũng không đưa ra bất cứ một quy tắc định dạng lý thuyết nào đối với sự diễn đạt của ông dựa trên sự thực chứng với các âm sắc, hòa âm và sự thể hiện âm nhạc trong nhận thức của chúng ta về tự nhiên.
Danh ngôn của Debussy
  • Phải khám phá và từ bỏ biết bao nhiêu điều trước khi chạm được đến cảm xúc trần trụi. How much has to be explored and discarded before reaching the naked flesh of feeling.
  • Tôi điên cuồng yêu âm nhạc. Và bởi vì tôi yêu nó, tôi cố gắng giải phóng nó khỏi những giá trị truyền thống khô cằn đang bóp nghẹt nó. I love music passionately. And because I love it I try to free it from barren traditions that stifle it.
  • Những tác phẩm nghệ thuật tạo nên nguyên tắc; nguyên tắc không tạo nên những tác phẩm nghệ thuật.Works of art make rules; rules do not make works of art.
  • Âm nhạc là số học của âm thanh cũng giống như quang học là hình học của ánh sáng. Music is the arithmetic of sounds as optics is the geometry of light.
  • Tôi muốn hát về những cảnh mộng trong mình với sự vô tư ngây ngô của con trẻ. I wish to sing of my interior visions with the naive candour of a child.
  • Người ta đến với âm nhạc để quên đi điều phiền muộn: không phải đó cũng là một dạng lừa dối hay sao?People come to music to seek oblivion: is that not also a form of deception?
  • Âm nhạc là sự thể hiện chuyển động của nước, cuộc chơi của những đường cong được mô tả bởi những cơn gió nhẹ luôn thay đổi. Music is the expression of the movement of the waters, the play of curves described by changing breezes.
  • Âm nhạc là sự câm lặng giữa nhưng nốt nhạc. Music is the silence between the notes.
  • Đầu tiên, thưa các quý ông quý bà, các vị phải quên đi mình là ca sĩ. First of all, ladies and gentlemen, you must forget that you are singers.
  • Cái đẹp phải quyến rũ các giác quan, cho chúng ta sự thưởng thức ngay lập tức, phải gây ấn tượng với chúng ta hay luồn lách vào trong chúng ta mà không cần ta phải làm gì cả. Beauty must appeal to the senses, must provide us with immediate enjoyment, must impress us or insinuate itself into us without any effort on our part.
  • Nghệ thuật là sự lừa gạt đẹp nhất giữa mọi điều dối trá. Art is the most beautiful deception of all.
  • Không có gì du dương hơn buổi hoàng hôn. There is nothing is more musical than a sunset.
  • Một số người muốn nhất là tuân theo nguyên tắc, tôi chỉ muốn diễn ta điều tôi nghe được. Không có nguyên lý. Bạn chỉ phải lắng nghe. Hưởng thụ chính là luật lệ. Some people wish above all to conform to the rules, I wish only to render what I can hear. There is no theory. You have only to listen. Pleasure is the law.
  • Sự phức tạp cao độ đối lập với nghệ thuật. Extreme complication is contrary to art.

Les Collines d’Anacapri (Đồi núi Anacapri)

“Les Collines d’Anacapri” (Đồi núi Anacapri.) Nhạc phẩm này là một khúc đùa cợt (scherzo) rất sống động, viết theo theo điệu nhảy quen thuộc “tarantella” của người Ý, đoạn giữa bài chậm hơn và được viết phỏng theo kiểu mẫu của những bài hát dân gian. Anacapri là một thị trấn du lịch nổi tiếng của nước Ý, thuộc đảo Capri, nằm trên cao khoảng 150 thước. Anacapri nổi tiếng là một nơi cực kỳ thanh bình và tĩnh lặng. Debussy thường xuyên viếng thăm Anacapri, và tại đó, đã sáng tác bài số 5 trong cuốn Preludes số 1 của mình là “ Les Collines d’Anacapri” để tỏ lòng kính trọng đối với dân cư tại hòn đảo Anacapri yên lành và xinh đẹp này.


Clair de lune (Ánh trăng)

Debussy chịu nhiều ảnh hưởng của hai khuynh hướng nghệ thuật chủ đạo thời bấy giờ là trường phái Ấn tượng trong hội họa và trường phái Tượng trưng trong thi ca, cũng bởi thơ Ấn tượng vốn liên quan gần gũi với thơ Tượng trưng. Ông đã dùng âm nhạc để thể hiện những gì mà hai trường phái này đang làm trong thi ca nhưng không vì thế mà bỏ rơi phong cách của riêng mình.
Năm 1903, Debussy cho xuất bản một tổ khúc gồm 4 khúc nhạc mà ông sáng tác 13 năm trước – “Tổ khúc Bergamasque”. Trong đó, “Clair de lune” (Ánh trăng) là khúc nhạc thứ 3 và cũng là khúc nhạc nổi tiếng nhất.Bài thơ “Ánh trăng”, được rút từ tập “Fêtes Galantes” (Những lễ hội tình tứ) của Verlaine, cũng được nhiều nhà soạn nhạc phổ nhạc thành mélodie (một thể loại ca khúc nghệ thuật Pháp). Chính Debussy cũng có hai phiên bản mélodie dựa trên bài thơ này. Một mélodie được sáng tác từ rất sớm khi mà ông còn chưa định hình phong cách và một mélodie nằm trong tập “Fêtes Galantes” số 1 của ông.
Mélodie “Ánh trăng” của Debussy rõ ràng là không vượt qua được mélodie cùng tên của "Vua Mélodies" Gabriel Fauré về độ nổi tiếng. Thế nhưng tiểu khúc viết cho piano solo “Clair de lune”trong “Tổ khúc Bergamasque” lại vang danh hơn bất kỳ một tác phẩm nào của Gabriel Fauré. Về tổng quan, bài thơ của Verlaine miêu tả quang cảnh một “lễ hội tình tứ” dưới ánh trăng mờ ảo. “Lễ hội tình tứ” là một loại lễ hội của những quý tộc giàu có và nhàn rỗi trong thế kỉ 18.
Sau khi vua Louis thứ 14 băng hà năm 1785, những quý tộc của triều đình Pháp rời bỏ cung điện Versailles huy hoàng để đến những tòa nhà thân tình hơn ở Paris. Tại đó, dưới những trang phục tao nhã, họ có thể chơi bời, tán tỉnh và tham gia vào những cảnh diễn trong hài kịch Ý. Tuy nhiên, tính chất không rõ ràng của bài thơ được gợi lên qua ba khổ thơ như một hiệu quả phối màu, nhấn mạnh đồng thời cả hạnh phúc và nỗi buồn. Đây là một bài thơ “lửng lơ” điển hình của Verlaine, nơi mà cái không chính xác và cái chính xác nhập vào với nhau.
Như các nhà phê bình đã cắt nghĩa, thế giới thi ca của của Verlaine không có đường viền xác định và điều đó là thông thường với kĩ thuật của phái Ấn tượng. Bài thơ của Verlaine báo trước một điều gì đó còn hơn cả một khoảnh khắc thanh bình của đêm. Khung cảnh nửa sáng nửa tối đối với Verlaine như là một phương tiện để đẩy tới một cảnh sắc nội tâm với nỗi buồn thổn thức. Và chính bằng bút pháp âm nhạc Ấn tượng, Debussy đã thể hiện rất thành công cảnh sắc nội tâm này.
Trong “Clair de lune” của Debussy, một bầu không khí huyền ảo được vẽ ra bằng những nốt nhạc phảng phất. Như thể có đôi cánh chim chấp chới trong một luồng không khí hòa trộn những ấn tượng lạc điệu. Nhân vật chính ở đây không phải là những người tham gia lễ hội mà là ánh sáng - thứ luôn là nhân vật chính trong tác phẩm của những nhà Ấn tượng. Trong tác phẩm của Debussy có đến hai thứ ánh sáng. Ánh sáng ngoại cảnh là ánh trăng mờ mờ ẩn hiện qua làn sương mù bảng lảng. Ánh sáng nội tâm quan trọng hơn nhưng vẫn chịu tác động mạnh mẽ của ánh sáng ngoại cảnh.
Đó dường như là nỗi luyến nhớ thứ ánh sáng vằng vặc trong quá khứ của những tâm hồn đang chìm trong bóng mờ. Đó dường như là nỗi buồn khi nhận thức được rằng những ngày ta đang sống chỉ là phản chiếu mờ nhạt và đứt đoạn của một đời sống lý tưởng cao siêu như trong thời đại hoàng kim của Louis 14 – Đức vua Mặt trời.
Hiển nhiên là bức tranh tâm lý này không được sắc nét. Bởi vì một định hướng âm nhạc mà Debussy theo đuổi là chống lại khuynh hướng chủ quan và quá nhiều cảm xúc ở trường phái Lãng mạn do ảnh hưởng của Wagner. Phần lớn tác phẩm được chơi theo lối pianissimo và những biến tấu cường độ và quãng cách giữa hai nốt nhạc đã khiến “Clair de lune” trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của kỉ nguyên Ấn tượng.


La Mer (Biển cả)

Tác phẩm gồm 3 chương:
Chương 1 giọng Si thứ - "De l'aube à midi sur la mer" (Trên biển từ bình minh minh đến giữa trưa)
Chương 2 giọng Đô thăng thứ - "Jeux de vagues" (Trò chơi của sóng)
Chương 3 giọng Đô thăng thứ - "Dialogue du vent et de la mer" (Đối thoại giữa gió và biển)
Vào những năm 1890, hình ảnh đại dương đã tỏ ra là một nguồn cảm hứng luôn trở lại với nhà soạn nhạc Pháp Claude Debussy. “Sirènes” (Các nàng tiên cá), khúc nhạc thứ ba trong tập Nocturnes (1897-1899) và các trích đoạn trong operaPelléas et Mélisande (1893-1905) của ông đã cùng mang bằng chứng rõ rệt về hơi hướng biển cả. Song La Mer (Biển cả) đã tiến xa hơn hẳn bất cứ tác phẩm nào trước đó - của Debussy hay bất cứ nhà soạn nhạc nào khác – trong việc nắm bắt cái bản chất nguyên sơ gợi nhiều liên tưởng nhất trong số các diện mạo của tự nhiên. La Mer không chỉ là bài tập khắc họa cảnh vật bằng âm nhạc, nó đúng hơn là một miêu tả bằng âm thanh về vô số những suy nghĩ, tâm trạng và phản ứng bản năng mà biển cả rút ra được từ tâm hồn một con người cụ thể.
Debussy khởi thảo La Mer năm 1903 tại Pháp và hoàn thành năm 1905 bên eo biển Manche tại thị trấn Eastbourne nước Anh. Tác phẩm được Dàn nhạc Lamoureux công diễn lần đầu ngày 15/10/1905 tại Paris dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Camille Chevillard. Ban đầu nó được đón nhận không mấy nồng nhiệt, phần vì dàn nhạc thiếu thời gian luyện tập phần vì những thính giả Paris cảm thấy bị tổn thương trước việc cách đó không lâu Debussy bỏ người vợ đầu để chạy theo nữ ca sĩ Emma Bardac (vốn là vợ một chủ ngân hàng và từng là nàng thơ của Gabriel Fauré). Tuy nhiên La Mer đã mau chóng trở thành một trong những tác phẩm dàn nhạc của Debussy được yêu thích nhất và trình diễn thường xuyên nhất. Bản thu âm đầu tiên của tác phẩm này là bản của nhạc trưởng người Ý Piero Coppola thực hiện vào năm 1928.
Trong cuốn sách phỏng vấn Sviatoslav Richter: các ghi chép và đàm luận (B. Monsaingeon, 1998), nghệ sĩ piano nổi tiếng đã gọi La Mer là “một tác phẩm mà tôi xếp ngay cạnh St. Matthew Passion và bộ opera Ring cycle như là một trong các tác phẩm yêu thích của mình.” Ông còn nói sâu hơn khi nghe bản thu âm ưa thích (bản do nhạc trưởng người Pháp Roger Désormière thực hiện): “Lại là La Mer , liệu sẽ có lúc nào tôi chán nghe nó, chán thưởng ngoạn nó và chán hít thở bầu không khí của nó không nhỉ? Và lần nào cũng như lần nghe đầu tiên! Một bí ẩn, một huyền diệu trong việc tái tạo tự nhiên; không, thậm chí còn hơn thế, hết sức ma mị!” Richter còn nhắc tới hai người Soviet khác cũng hâm mộ tác phẩm này: “Một hôm, sau khi nghe bản nhạc này, Anna Ivanovna giải thích, “với tôi, nó là điều huyền diệu giống hệt như bản thân biển cả.” Richter kể lại rằng La Mer là tác phẩm được thầy của ông, huyền thoại Heinrich Neuhaus, yêu thích nhất trong số các tác phẩm của Debussy. Hầu như lần nào ghé chơi thầy cũng bảo: “Slava, bật La Mer lên!” Và lần nào Richter cũng bật đĩa của Désormière, bản thu mà ông coi là “đẹp nhất trong toàn bộ lịch sử của hãng Gramophone.”
Tuy cấu trúc của La Mer đặt tác phẩm ra ngoài cả hai thuật ngữ “âm nhạc tuyệt đối” và “âm nhạc chương trình” như nghĩa vốn có của hai thuật ngữ này vào những năm đầu thế kỉ 20, Debussy rõ ràng đã sử dụng thủ pháp miêu tả để gợi lên hình tượng gió, sóng và bầu không khí biển cả. Song việc cấu trúc tác phẩm quanh một chủ thể tự nhiên mà không có yếu tố văn học hay yếu tố con người – không có người, thần thoại hay tàu bè nào được gợi ra trong tác phẩm – cũng là điều rất bất thường vào thời đó. Debussy gọi La Mer là “ba phác họa bằng giao hưởng” để tránh đi thuật ngữ “giao hưởng” nặng nề. Tuy vậy đôi khi tác phẩm có tổng thời lượng chỉ khoảng 23 đến 24 phút này vẫn được gọi là một bản giao hưởng. La Mer mở đầu và kết thúc bằng hai chương nhạc đầy sức mạnh, làm khung đỡ cho chương nhạc giữa kiểu scherzo nhẹ nhàng hơn và có tốc độ nhanh hơn.
"De l'aube à midi sur la mer" trải ra theo nhịp 6/8 sau một đoạn Introduction ở tốc độ rất chậm (Trés lent). Như trong rất nhiều tác phẩm thời kỳ chín muồi của Debussy, không thể luôn vạch ra khác biệt rõ ràng giữa chất liệu chủ đề, phần đệm và cấu trúc. Quả thực chính cấu trúc thường tối quan trọng trong âm nhạc của Debussy. Chút thoáng hiện của các giai điệu lờ mờ mà chương nhạc có được (như vài ô nhịp violin solo trong vắt xuất hiện sau 60 ô nhịp đầu tiên của tổng phổ, hay đoạn diễn tả bằng kèn horn ngắn ngủi ngay sau khi nhịp chuyển sang 6/8) chẳng bao lâu đã bị gộp vào kết cấu dàn nhạc phức tạp. Có những đoạn trong đó sự phối hợp nhịp phách không rõ ràng, cũng có thể là cố ý, vì có đến sáu hay bảy lớp hành động khác nhau diễn ra đồng thời. Chương nhạc kết thúc với một khẳng định bằng âm nhạc gây ấn tượng nhất của tác giả: theo một động thái bí ẩn, tiếng bộ đồng chơi đoạn kết với cường độ forte-fortissimo dập tắt tiếng piano khi chương nhạc khép lại.
Xét toàn bộ, tổng phổ chương "Jeux de vagues" mộc mạc hơn chương mở đầu. Những tiếng láy rền và bùng nổ thường xuyên đầy sinh lực nhịp điệu mang lại sức sống mạnh mẽ vui nhộn của chương nhạc. Nội dung chủ đề không thể đoán trước, trong khi đoạn kết yên tĩnh cực độ không thể hóa giải bất cứ trông đợi nào về mặt âm nhạc được trình bày ở những đoạn tích cực hơn trước đấy. Tổng phổ đoạn này (flute solo và hòa âm đàn harp) gợi nhắc tới kiểu phối dàn nhạc y hệt đã từng được nhà soạn nhạc sử dụng trong Prélude à l'après-midi d'un faune (Prelude Buổi chiều của thần điền dã, năm 1894). Quả thực, các đoạn tương tự này hoàn toàn giống nhau ở mục tiêu kịch tính.
Chương kết “Dialogue du vent et de la mer" là sự cận kề lộn xộn theo một động thái nhịp điệu dữ dội được khớp nối – đoạn pianissimo đầu tiên do bè cello và bass chơi mào đầu rồi được dẫn dắt một cách khéo léo suốt chương nhạc – với một ý đồ legato long trọng mà nhiều người đã so sánh với các mélodie của César Franck (một ảnh hưởng quan trọng tới Debussy thời trẻ). Cường độ forte-fortissimo được duy trì liên tục mang lại cho tác phẩm mãnh liệt và mạnh mẽ này một cái kết đầy uy lực.
Cùng với Prélude à l'après-midi d'un faune, La mer đã chứng tỏ Debussy là một bậc thầy về cấu trúc và màu sắc phối khí. Nhà âm nhạc học, tác giả kiêm nghệ sĩ piano Roy Howatt, trong cuốn sách Debussy in Proportion (Debussy đúng tỉ lệ) đã quan sát thấy rằng các đường biên cân xứng của La Mer tương ứng một cách chính xác với tỉ lệ toán học gọi là “tỉ lệ vàng”. Trezise tìm thấy bằng chứng xác thực “rõ rệt” nhưng khuyến cáo là không có chứng cớ bằng văn bản hay báo cáo nào gợi ra rằng Debussy đã chủ ý tìm kiếm các tỉ lệ như vậy.
Do bầu không khí giàu khơi gợi và tâm trạng, La Mer của Debussy đã ảnh hưởng đến sáng tác của nhiều nhà soạn nhạc sau này, đặc biệt là các tác giả viết nhạc cho phim. Một vài đoạn (như ở chương 3) của La Mer có thể đã tạo cảm hứng cho John Williams soạn nhạc nền trong phim Hàm cá mập (Jaws). Sự bùng nổ kết thúc chương 1 giống như ở bản nhạc “Nụ hôn đầu của tình đích thực“ (True Love's First Kiss) trong phim hoạt hình Shrek. Năm 1991, nhà soạn nhạc người Nhật Toru Takemisu đã dựa trên một chủ đề của La Mer để soạn bản concerto Quotation of Dream: Say Sea, Take Me! cho 2 piano và dàn nhạc. Takemisu tuyên bố: “ Tôi tự học nhạc nhưng tôi coi Debussy là người thầy đầu tiên của mình.”

Gần một thế kỉ đã qua kể từ khi Debussy qua đời, người ta vẫn không thôi cố gắng diễn đạt bằng lời cái huyền bí trong âm nhạc của ông. Song chẳng ai có thể miêu tả nghệ thuật của Debussy hay hơn chính ông: “Không có lý thuyết. Bạn chỉ phải nghe thôi. Niềm vui thích là niêm luật. Tôi yêu âm nhạc say đắm. Và vì yêu nó mà tôi cố gắng giải phóng nó khỏi các truyền thống cằn cỗi đã khiến nó ngộp thở. Nó là một nghệ thuật tự do phun trào về phía trước, một nghệ thuật ngoài trời bao la bát ngát như các hiện tượng khí tượng, gió, bầu trời, biển cả. Nó phải không bao giờ bị giam hãm và “trở thành một nghệ thuật hàn lâm.”


The Best of Debussy



No comments: