Tuesday, August 5, 2014

A Space Odyssey


A Space Odyssey thuộc thể loại khoa học viễn tưởng được sản xuất vào năm 1968 do Stanley Kubrick làm đạo diễn, kiêm đồng sáng tác kịch bản cùng với Arthur C. Clarke. Phim nói về những vấn đề như sự tiến hoá của con người, công nghệ, trí thông minh nhân tạo và cuộc sống trong không gian. Mặc dù nhận được những ý kiến phê bình khác nhau, 2001: A Space Odyssey vận được khán giả và các nhà phê bình đánh giá là phim hay nhất mọi thời đại. Phim từng được đề cử bốn giải Oscar cho Best Visual Effects, Best Art Direction, Best Director (Kubrick), và Original Screenplay (Kubrick, Clarke). Câu chuyện được bắt đầu từ cách đây 4 triệu năm. Tổ tiên của giống homo sapiens, khi ấy còn là những con vượn cổ sống co cụm trên mặt đất hoang vu. Chúng tồn tại bình đẳng với các loài động vật khác. Như thế nào là tồn tại? Nghĩa là gầm rú tranh mồi với lợn. Là bất cứ khi nào cũng có thể trở thành miếng ăn của kẻ khác. Tồn tại đơn giản chỉ là sự vật lộn miệt mài, và không có gì hơn thế, cho đến khi nào tiêu vong. Bóng đêm của linh hồn dã thú kéo dài thăm thẳm vô tận, kiếp nối kiếp, thiên niên kỷ nối tiếp thiên niên kỷ. Cho đến một ngày ...Chuyện xảy ra ở một đàn vượn cô thế vừa bị một đàn khác đẩy bật ra khỏi lãnh địa quen thuộc của chúng. Thiếu nước, thiếu thực phẩm, tình thế quả là bi đát. Sự tồn tại vốn khắc nghiệt, giờ đã trở thành không lối thoát. Nhưng vào đêm hôm đó, một sự việc thật kỳ dị xảy ra.
Một tấm bia đen thẳm huyền bí xuất hiện. Bầy vượn hoảng hốt nhốn nháo trước vật lạ đó. Tấm bia bóng nhẵn không tì vết, cao sừng sững như lời thách đố của tạo hóa. Nhưng có thể là sự tò mò thuần túy, hay cũng có thể một hấp lực siêu nhiên kỳ lạ nào đó đã kéo chúng lại gần. Hẳn những linh hồn hoang dã bé nhỏ kia linh cảm thấy bánh xe số phận đang ngấm ngầm xoay chuyển. Hôm sau, con vượn đầu đàn ngồi rất lâu. Trước mặt là đống xương trắng, phần còn lại của một con thú xấu số. Một thoáng trầm ngâm phân vân hình như phảng phất trên gương mặt lông lá của con vật. Bao nhiêu thiên niên kỷ triền miên đã trôi qua trước khi xảy ra khoảnh khắc đơn giản này? Điều gì xui khiến, duyên cơ nào cấu thành, để cuối cùng ranh giới mảnh mai giữa không có gì với điều gì đó bị phá vỡ? Con vượn nhặt lên mảnh xương khô, vu vơ vô tình như đứa trẻ cầm lấy đồ chơi của nó. Những cú đập ngẫu nhiên rời rạc. Rồi tăng dần. Mạnh dần. Những cú giáng đều đặn. Cánh tay vung lên. Những con thú ngã xuống. Cánh tay vung lên. Con mồi ngã xuống. Một kỷ nguyên mới vừa bắt đầu như thế. Kỷ nguyên mà thế giới chính thức trở thành đối tượng cho Người áp đặt ý chí. Nhiều thiên niên kỷ trôi qua. Chiếc xương ngày nào con vượn cổ nhặt lên hẳn đã tan thành tro bụi. Nhưng có vô vàn những công cụ khác khác ra đời phục vụ cho mục đích của của con người.
Ngoài vũ trụ rộng lớn, những con tàu và trạm không gian khổng lồ biểu đạt tham vọng muốn khám phá, chinh phục, và giành quyền kiểm soát. Bởi vì có điều gì đó mơ hồ không ổn thỏa. Cô tiếp viên xếp lại chiếc bút máy lơ lửng không trọng lượng tuột ra từ túi người khách đang say ngủ. Cô mỉm cười, nụ cười lịch thiệp tươi tắn hàm ý mọi thứ đều trong tầm kiểm soát mà ta có thể thấy ở mọi tiếp viên thông thường. Nhưng những bước chân trong không gian của cô gái chập chững và không hoàn toàn thỏai mái. Cô mang theo đồ ăn cho hành khách, thứ đồ lỏng trong hộp như dành cho trẻ sơ sinh. Chuyến bay lên mặt trăng mang theo tiến sĩ Floyd trên đường thực thi một nhiệm vụ điều tra đặc biệt. Vài tháng nay người ta phát hiện một vật thể lạ. Một tấm bia kỳ dị không biết bị chôn vùi từ bao giờ. Có thể đó là bằng chứng của một nền văn minh ngoài nhân loại. Không những thế, bức xạ mạnh mẽ phát ra từ tấm chất rắn này phát ra một cách bí ẩn chiếu thẳng về hướng sao Mộc.
Cuộc họp giao ban trên mặt trăng diễn ra giản dị và mạch lạc. Tuy chân tướng sự việc chưa sáng tỏ, nhưng cho đến lúc này con người vẫn kiểm soát và làm chủ tình hình. Con người bằng khả năng tư duy của nó, vẫn tự cho là đang nhìn nhận vấn đề một cách cách chặt chẽ và sáng sủa. Đoàn thám hiểm tiếp cận tấm bia lạ một cách thận trọng nhưng chắc chắn. Máy ảnh được dùng ghi lại toàn cảnh. Ngay cả những dấu chân cũng được ghi lại hình ảnh. Tiến sĩ Floyd tiến lên chạm tay vào vật thể. Không có gì đáng sợ xảy ra. Tất cả có vẻ diễn ra theo đúng quy trình định trước. Đoàn người chuẩn bị chụp chung một tấm ảnh trước tấm bia, như một thủ tục cuối cùng minh chứng cho toàn bộ sự việc. Chỉ có điều, sự việc không dừng lại ở đấy. Đột nhiên một thứ âm thanh chói chang xuyên nhói vào não. Đoàn người hoảng hốt và trở nên bất lực, như hình ảnh xa xưa của bầy vượn cổ thuở nào. Tấm bia vẫn đứng sừng sững như lời thách đố từ số phận.
Chìa khóa lý giải bí ẩn của toàn bộ câu chuyện được hi vọng là đang nằm ở sao Mộc. Chuyến du hành 1.5 tỉ dặm của con tàu Discovery tiến hành đã được 9 tháng. Đoàn du hành năm thành viên nhưng chỉ có hai người trực tàu. Ba người còn lại được đặt trong tình trạng ngủ nhân tạo, theo kế hoạch sẽ chỉ được đánh thức khi tới đích. Tuy nhiên, còn một thành viên thứ sáu rất được kỳ vọng chính là chiếc siêu máy tính thế hệ mới nhất của dòng HAL 9000, được gọi trìu mến với cái tên đơn giản HAL. HAL có khả năng tư duy sâu sắc như con người, nhưng với tốc độ và khả năng chính xác tuyệt đối. Không chỉ có vậy, những người thiết kế còn tạo cho cỗ máy khả năng biểu lộ tình cảm, nhằm tăng sự thuận tiện khi làm việc chung với phi hành đoàn. Toàn bộ các chi tiết kỹ thuật được tin tưởng giao phó cho HAL xử lý, bao gồm cả việc kiểm soát sức khỏe ba thành viên còn đang trong tình trạng ngủ nhân tạo. Như vậy, hai thành viên trực tàu sẽ làm gì? Có vẻ như không có gì quá quan trọng. Chỉ là chống chọi với sự nhàm chán. Duy trì thể lực, tinh thần, và sự tập trung liên tục. Hàng tuần gia đình, người thân của hai phi hành gia vẫn có thể liên lạc trò chuyện với họ. Tin tức từ mặt đất vẫn liên tục được cập nhật. Tuy nhiên, sau chín tháng nhàn rỗi vô vị, dấn thân trong không gian và tiến gần hơn tới mục tiêu bí ẩn chưa được khám phá, thế giới thường nhật với những chi tiết lặp đi lặp lại đã không còn tạo sự thu hút sự chú ý.
Bốn triệu năm trước, tổ tiên giống homo sapiens phải liên tục vật lộn để duy trì sự tồn tại sinh học. Tồn tại đơn giản là sự vật lộn cho đến khi không còn tiếp tục được nữa. Bốn triệu năm sau, trong no đủ, nhưng con người vẫn phải vật lộn để duy trì sự tồn tại tinh thần. Nhưng giữa không gian vô định này, đâu là ý nghĩa của toàn bộ mọi nỗ lực phấn đấu?
Hai thành viên làm nhiệm vụ trực tàu, một người tên Dave, người kia là Frank. Lúc này Frank nằm tắm nắng nhân tạo, lãnh đạm nghe gia đình chúc mừng sinh nhật. Dave nghe HAL báo cáo công việc. Trong lúc chuyện trò, HAL bày tỏ sự băn khoăn của nó về nhiệm vụ đặc biệt mà phi hành đoàn đang theo đuổi. Có điều gì đó bất ổn trong cảm nhận của HAL. Ngoài ra, cỗ máy còn cảm thấy điều gì đó trục trặc với ăng ten liên lạc của con tàu. Nó dự đoán ăng ten sẽ chỉ làm việc 72 giờ nữa trước khi có sự cố. Dave ra ngoài không gian tháo ăng ten vào xem xét nhưng không tìm thấy gì khả nghi. Một siêu máy tính 9000 khác từ trạm kiểm soát mặt đất cũng xem xét kỹ lưỡng nhưng không tìm thấy sai sót. Dave bày tỏ nghi vấn với HAL, vì xưa nay mọi máy tính 9000 chưa bao giờ phạm sai lầm, dù là nhỏ nhất. HAL thản nhiên lập luận logic rằng mọi sơ sót máy móc nếu có, thì đều là sản phẩm của con người, được xuất phát từ con người.
Frank kéo Dave vào khoang cách âm để nói chuyện kín. Sự vụ rõ ràng rất nghiêm trọng. Nếu như HAL có khả năng sai sót, dù là rất nhỏ, thì nó cũng không thể nào được tin tưởng nữa. Sự sống còn của toàn bộ phi hành đoàn đang nằm trong tay HAL. Trách nhiệm của cỗ máy hiện đang quá lớn. Cần phải cách li nó ra ngoài việc ra những quyết định có thể gây tổn hại cho nhiệm vụ, hoặc tệ hơn là sự an toàn của phi hành đoàn.
Cả Dave và Frank không biết rằng cỗ máy vẫn đang âm thầm quan sát họ qua cửa kính hẹp của khoang cách âm. HAL có tính toán riêng của nó. Trong con mắt của HAL, chính con người mới là những đối tượng dựa dẫm, thiếu năng lực làm việc. Đoán được nội dung câu chuyện của hai người bằng cách đọc môi, HAL quyết định không cho phép con người cách li nó khỏi nhiệm vụ đang thi hành. Frank ra ngoài không gian để lắp ăng ten trở lại vị trí cũ. HAL gây lực tác động đẩy anh vào tình trạng mất kiểm soát và văng xa khỏi tàu. Dave không hiểu dụng ý của HAL, vội vàng lái tàu con đi tìm cách cứu Frank, và cả anh cũng bị HAL nhốt lại bên ngoài. Không những thế, chiếc siêu máy tính đồng thời còn ngắt các van hỗ trợ sự sống cho ba thành viên đang trong trạng thái ngủ nhân tạo. Toàn bộ phi hành đoàn coi như đã chính thức bị hủy diệt. Trong tính toán của HAL, Dave không thể vào được tàu vì anh không mang theo áo bảo hộ để có thể trực tiếp ra ngoài không gian và chui vào tàu chính qua cửa khẩn cấp. HAL tính toán gần hết tất cả, nhưng nó không tính đến một điều giản dị. Con người, cũng như tổ tiên hoang dại xa xưa của họ, luôn duy trì ham muốn tồn tại và quyết tâm chịu đựng để tồn tại, bằng bất cứ giá nào.
Dave cuối cùng cũng xoay xở để vào được tàu. Anh quyết định phá hủy HAL. Cách làm thật thô sơ. Đơn giản chỉ là tháo ra từng phần bộ nhớ của chiếc siêu máy tính. HAL thực sự hoảng sợ. Nó van nài bằng giọng nói đều đặn của máy: "Dave, dừng lại. Dừng lại mà. Dừng lại, Dave. Anh có dừng lại không, Dave? Dừng lại, Dave. Tôi sợ. Tôi sợ, Dave. Tâm trí tôi đang lìa dần. Tôi cảm thấy thế. Tôi cảm thấy điều ấy. Tâm trí đang lìa bỏ tôi. Không nghi ngờ gì nữa. Tôi cảm thấy như thế. Tôi cảm thấy như thế. Tôi cảm thấy như thế. Tôi sợ." Cỗ máy không còn sáng suốt nữa. Bộ nhớ của nó rối loạn và quay trở lại thời kỳ thô sơ ban đầu. Nó bập bẹ bằng tiếng nói đang dần méo mó: "Xin chào các quý ngài. Tôi là một máy tính HAL 9000. Tôi bắt đầu làm việc từ phân xưởng HAL tại Urbana, Illinois vào ngày 12 tháng 1 năm 1992. Người chịu trách nhiệm chế tạo tôi là ngài Langley. Ông ấy dạy tôi một bài hát. Nếu bạn thích, tôi sẽ hát bạn nghe..."Dave đáp lại, sự áy náy cắn rứt lộ trong giọng nói: "Tôi muốn nghe đây, HAL. Hát cho tôi nghe". Và HAL cất lên tiếng hát mờ đục, bài hát đầu tiên mà nó được học: "Hoa cúc, hoa cúc, hoa cúc, hãy trả lời tôi thật lòng. Tôi gần hóa điên dại, chỉ vì yêu nàng. Hôn nhân này sẽ không được tươm tất. Tôi chẳng lo nổi chi phí, nếu như nàng có mang. Nhưng nàng vẫn trông thật ngọt ngào, khi ngồi trên yên, chiếc xe đạp dành cho hai ..."
Con tàu Discovery bay vào quỹ đạo sao Mộc. Dave là thành viên duy nhất còn lại trên tàu. Sau những gì đã xảy ra, ý nghĩa của chuyến đi này (và có thể cả ý nghĩa sự tồn tại của nhân lọai) dường như liên hệ trực tiếp tới những gì Dave sẽ tìm thấy nơi đây. Tuy nhiên, cái điều mà Dave có thể tìm thấy hiển nhiên hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng nhận thức của anh ta. Ở đâu, khi nào, như thế nào. Đó là những trục chính xây dựng nên tư duy con người. Nhưng với những gì mà Dave sắp đối diện, dường như mọi ranh giới, mọi quy luật của nhận thức bỗng trở thành mờ tối. Chính tại cửa ngõ tiến vào quỹ đạo sao Mộc, Dave nhìn thấy hình ảnh của tấm bia lạ xuất hiện trước con tàu. Anh bỏ lại tàu chính, dùng tàu con đuổi theo nó. Tấm bia nhẵn bóng, sáng lên thứ ánh sáng xanh thẳm phản chiếu lại ánh sáng rực rỡ phát ra từ sao Mộc. Nó như người hoa tiêu hướng dẫn cho con tàu tới đúng đích cần phải đến. Vào thời điểm khi mà tấm bia cùng với sao Mộc và những vệ tinh xung quanh gióng thành một đường thẳng, con tàu của Dave đột nhiên lắc lư dữ dội. Dường như nó đang tiếp xúc với một trường năng lượng và vật chất kỳ lạ chưa được biết đến. Khuôn mặt Dave hiện lên đau đớn và choáng ván. Đó chính là lúc thế lực siêu việt nào đó dẫn con người đi vào thế giới chưa biết. Những đường ánh sáng màu sắc chói lóa lao vun vút. Đồng tử của Dave hiện lên vàng rực. Anh đối diện với những đốm sáng, đường thẳng, đường cong. Chúng liên tục nối tiếp nhau. Khuôn mặt của Dave méo mó. Những gì anh đang trải qua thực sự vượt quá sức chịu đựng.


Các điểm, đường thẳng, đường cong đã đi qua. Bây giờ các mặt phẳng đan vào nhau. Chúng kết hợp, nương tựa, và biến đổi lẫn nhau. Có thể chỉ là ảo ảnh. Cũng có thể đó là câu chuyện, hay nỗi niềm tâm sự mà thế lực siêu nhiên nào đó đang giãi bày. Ánh sáng đập vào đồng tử của Dave liên tục thay đổi sắc độ. Gương mặt méo mó thể hiện anh vẫn đang gồng mình lên chịu đựng. Hình ảnh anh đang nhìn thấy có vẻ như một sự bùng nổ trong không gian. Những đốm sáng tóe ra, xen kẽ cả với vài vết loang đen huyền bí. Những mảng màu lại tiếp tục tương tác với nhau, tinh tế và kỳ ảo. Chúng giống như các khối lỏng đang pha trộn, hòa quyện lẫn nhau. Đồng tử của Dave đổi màu một lần cuối cùng. Anh đối diện với những hình thù thể rắn. Có thể chúng là núi, vực, hoang đảo, sa mạc. Màu sắc của chúng là thứ màu siêu thực âm bản. Có lúc chúng trầm tối, có lúc lại rực lên sắc thái tương phản, đối chọi. Xuyên suốt chuỗi hình ảnh, âm nhạc phụ họa là thứ âm thanh liên miên bất tuyệt. Cấu trúc mập mờ và rời rạc. Nhiều âm trầm, có lúc lại xen vào các âm cao như vọng về từ xa xăm. Không có vẻ gì minh họa cho một mục đích nào đó có thể cụ thể hóa qua ngôn ngữ thông thường. Nhưng chúng biểu đạt một nỗi niềm sâu lắng, da diết...Mọi âm thanh dừng lại. Tĩnh lặng tuyệt đối. Dave nhận thấy con tàu lúc này nằm trong không gian một căn phòng có dáng dấp nội thất baroque Pháp từ thế kỷ 18. Ngôn ngữ của phim chuyển từ trừu tượng sang siêu thực. Dave đang tồn tại trong tiềm thức của anh ta. Căn phòng tuy có vẻ xa lạ, nhưng dù sao vẫn là hình ảnh gần gũi nhất mà từ đầu tới giờ Dave được tiếp xúc. Mọi vật mà Dave nhìn thấy đều gắn với một chức năng nào đấy mà con người có thể định dạng được. Con người cuối cùng hình như đã trở về với thế giới mà nó có thể nhận thức. Hoặc là cảm thấy như thế. Hay không? Dave nhìn sang căn phòng bên cạnh, trông thấy một người đàn ông cuối tuổi trung niên đang ngồi ăn. Anh nhận ra, chính là mình đang ngồi ăn.

Bữa tối đã kết thúc. Dave quay sang phải. Trong lúc xoay mình, tay anh gạt đổ chiếc ly pha lê. Chiếc ly rơi xuống sàn vỡ tan. Dave nặng nhọc cúi xuống. Khi ngẩng lên, anh bắt gặp hình ảnh một ông lão nằm trên giường. Trơ trọi cô độc giữa thinh không. Đó chính là Dave đang hấp hối.
Ông run rẩy bất lực nhìn nó lừng lững trước mắt. Tấm bia đứng đó, vẫn tĩnh lặng tựa một lời thách đố của tạo hóa. Dave đưa tay lên, phác ra một cử chỉ như muốn được chạm vào...Còn lại trong không gian hình hài một bào thai. Yếu đuối và có thể bị thương tổn, bao bọc bởi các giới hạn của nó. Ánh mắt trong veo thuần khiết. Phảng phất một thoáng chiêm nghiệm sâu xa như từ tiềm thức vọng về. Đôi mắt ấy hướng tới Vô Cùng. Một nhóm chuyên gia uy tín đã bình chọn cảnh máy vi tính Hal phát điên trong phim 2001: A space odyssey là cảnh quan trọng nhất trong lịch sử phim khoa học viễn tưởng. Nhóm chuyên gia bình chọn gồm nhiều nhà nghiên cứu UFO và các đạo diễn nổi tiếng như Steven Spielberg, Gerry Anderson. Steven Spielberg cho rằng, 2001: A space odyssey đã đặt nền móng cho trí tưởng tượng phóng túng của các đạo diễn những bộ phim sau này như Star Wars hay Close Encounter. Còn theo diễn viên Mark Hamill, người đã thủ vai chính trong loạt phim Star Wars cũ cho rằng chưa có cảnh phim nào diễn tả sự nổi loạn của máy tính một cách rùng rợn như cảnh náy tính Hal nổi điên. Gần đây, 2001 được American Film Institute xếp ở vị trí thứ 1 trong top 10 phim hay nhất ở thể loại khoa học viễn tưởng.


Nền nhạc "Sông Danube xanh" của Strauss làm minh họa cho hình ảnh những con tàu chuyển động theo quỹ đạo chính xác hoàn hảo. Trong khoang tàu, khung cảnh nội thất tiện nghi, cân đối, duyên dáng. Những gương mặt tự tin khoáng đạt. Tuyệt nhiên không còn dấu vết vật lộn cơ cực từ thời ăn lông ở lỗ. Vũ trụ xa xôi cũng chỉ là những chuyến đi thường nhật. Liệu điều gì còn có thể nằm ngoài tầm với của con người? Tác phẩm The Blue Danube đã trở thành nhạc nền cho một số bộ phim hoạt hình của hãng Warner Bros như A Corny Concerto với chú thỏ láu thông minh, tinh quái và Đa-nuýp xanh còn xuất hiện trong phim 2001: A Space Odyssey - bộ phim điện ảnh khoa học viễn tưởng đạt doanh thu khổng lồ và được nhận tới 7 đề cử giải Oscar. Những thành công mà bộ phim gặt hái được có một phần không nhỏ nhờ vào những hiệu ứng âm thanh với sự kết hợp tinh tế giữa âm nhạc và cảnh quay. Sự thành công này đã khiến Đa-nuýp xanh sau đó xuất hiện liên tục trong các bộ phim và trở thành một trong những tác phẩm giao hưởng được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực điện ảnh. Bản nhạc mang đậm phong cách Viên này còn được coi là bản quốc ca không chính thức của Áo. Điệu nhạc van du dương thường được phát trên tất cả các kênh truyền hình quốc gia và đài phát thanh của Áo vào những thời điểm quan trọng như đón chào năm mới, Giáng sinh. Tại Viên, sáng đầu năm nào cũng có một buổi hoà nhạc giao hưởng và một quy luật bất thành văn - bản Đa-nuýp xanh phải được chơi trong hôm đó.

Hàng năm cứ mỗi lần đón chào năm mới, hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới đều háo hức chờ đợi dàn nhạc giao hưởng “Wiener Philharmoniker” của Áo trình diễn buổi hoà nhạc truyền thống “New Year Concert” chào mừng năm mới với bản nhạc kết thúc luôn luôn là bản Waltz “The Blue Danube” của Johann Strauss II. "The Blue Danube" được công diễn lần đầu tiên vào 9 tháng 2 năm 1867 trong buổi hoà nhạc của Ban Thánh ca nam thành Viên (Vienna Men's Choral Association). Phần lời ca do Josef Weyl viết dưới cái tên “An der schönen blauen Donau” (On the Beautiful Blue Danube – Trên dòng sông Đa nuýp xanh xinh đẹp).Tuy nhiên lúc này bản nhạc chưa được nhiều người chú ý. Cũng năm đó, tại hội chợ Quốc tế Paris (World's Fair in Paris). Johann Strauss đã chuyển soạn bài này thành một phiên bản cho dàn nhạc hoà tấu với tên gọi là “Le beau Danube bleu” (Blue Danube Waltz) và đã thành công rực rỡ ngay từ buổi trình diễn đầu tiên. Từ đó về sau bản The Blue Danube soạn cho dàn nhạc hoà tấu, được nhiều dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới trình diễn và đã trở thành một trong những tác phẩm âm nhạc được yêu thích nhất. The Blue Danube phần lời nhạc để hát theo do Josef Weyl viết và được chính Johann Strauss II đồng ý cho sử dụng trong Hội Chợ Quốc tế Paris năm 1867. Tuy nhiên sau đó thì phần lời hát đã bị lược bỏ để chỉ còn lại giai điệu, phần lời cũng được biên dịch ra cho nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. The Blue Danube không chỉ làm cho người nghe mê đắm mà cũng còn là một tác phẩm được ngay cả những nhà soạn nhạc hàng đầu thế giới khâm phục. Nhà soạn nhạc vĩ đại Johannes Brahms cũng đã phải khâm phục khi ghi những trang đầu của sheet nhạc The Blue Danube rằng "Thật đáng tiếc rằng bản nhạc này không phải do Johannes Brahms sáng tác".

No comments: