Henri Matisse sinh ngày 31 tháng 12 năm 1869 ở Cateau Cambrésis, mất ngày 3 tháng 11 năm 1954 tại Nice, ông là họa sĩ hội hoạ, đồ hoạ, kiêm nhà điêu khắc tài ba trong lịch sử mỹ thuật thế giới. Khi còn trẻ, vì gia đình muốn Matisse trở thành luật sư nên ông phải theo học luật. Quá say mê hội hoạ, năm 1891 Matisse đã bỏ dở môn luật và tự đăng ký học vẽ tại trường Mỹ thuật, trong xưởng vẽ của họa sĩ Gustave Moreau. Thời gian đầu, các tác phẩm trong bảo tàng Louvre cuốn hút Matisse, ông thường xuyên có mặt tại đây để ngắm nghía và chép tranh của các họa sĩ bậc thầy. Cùng thời gian đó, Matisse đi vẽ ngoài trời với các họa sĩ ấn tượng. Matisse trân trọng mọi sáng tác của đồng nghiệp, coi đó là những tinh hoa sáng tạo, vì thế, có lúc ông đã mua tác phẩm của bạn mình. Trong số đó có bức: Những cô gái tắm của Cézanne. Từ năm 1896, Matisse hay vẽ tĩnh vật và phong cảnh theo trường phái ấn tượng, nổi bật là tác phẩm Phồn thực, yên tĩnh và khoái lạc . Signac đã mua bức tranh này khi nó được bày ở phòng tranh Độc lập vào năm 1905. Cũng trong năm đó, Matisse cùng một số bạn tổ chức cuộc bày tranh gây tiếng vang dữ dội ở phòng triển lãm Mùa thu. Cái tên “Dã thú” ra đời tại đây. Nhà văn Mỹ Gertrude- Stein và Sergei- Shekukin đã đưa danh tiếng của Matisse vang xa bởi việc sưu tầm tranh và các bài bình luận tán dương về ông.
Năm 1906, Matisse gặp họa sĩ Picasso, cả hai cùng trong niềm say mê điêu khắc châu Phi. Matisse đã sáng tác nhiều tượng đồng, đáng chú ý là sê ri phù điêu lưng I, II, III và VI. Thời gian ấy, tuy Matisse không vẽ theo trường phái Lập thể, nhưng sáng tác của ông thấp thoáng ảnh hưởng phong cách này, nhất là bút pháp trong tác phẩm Múa sáng tác năm 1910. Từ năm 1926, Matisse trở về lối vẽ thanh thoát, trong sáng, rực rỡ. Từ đây, tên tuổi ông nổi tiếng khắp thế giới. Người ta đánh giá ông là thủ lĩnh của trường phái Dã thú. Trong tranh, Matisse không dùng hiệu quả ánh sáng và vờn khối, ông gạt bỏ cả phối cảnh đường nét và phối cảnh không gian. Matisse sử dụng tài tình những mảng màu bẹt nguyên chất kết hợp một cách khéo léo với những đường nét tĩnh lược trên mặt tranh, tất cả gợi cho tranh của Matisse những bản hoà tấu độc đáo bằng sắc màu rực rỡ.
Năm 1941, vì bệnh ung thư ruột, Matisse bị mổ hai lần, sức khoẻ rất yếu, ông phải nằm liệt giường và ngồi xe lăn. Khi ấy, các nữ tu dòng Saint - Dominique ở Vence chăm sóc ông chu đáo với tấm lòng chân thật, Matisse vô cùng cảm động. Vào năm 1950, để tỏ lòng biết ơn các nữ tu, họa sĩ vẽ trang trí cho “Nhà Nguyện Tràng Hạt” ở Vence. Toàn bộ các cửa sổ được sử dụng tranh kính có màu sắc rực rỡ để trang trí. Riêng phần tranh tường là những mảnh gốm trắng và các nét đen được sắp xếp hài hoà với nhau. Các họa tiết trong tranh rất tỉ mỉ, chứa tính trang trí cao. Những nhân vật trong tranh mặc trang phục tu sĩ chỉnh tề, biểu lộ rõ đặc trưng của dòng tu Saint - Dominique. Matisse không phải một tín đồ tôn giáo này, nhưng qua công trình trang trí cho khu nhà thờ, người xem thấy rõ được tình cảm gắn bó mặn nồng của họa sĩ đối với dòng tu ấy. Nhờ những bức tranh trang trí của Matisse, nhà thờ nữ tu dòng Saint- Dominique trở thành một trong những cơ sở tôn giáo cảm động nhất thế kỷ 20. Chính Matisse cũng thừa nhận: nơi ấy có mối giao hòa giữa cảm xúc tôn giáo với sự sống thật sự của con người.
Cũng những năm đau ốm ấy, Matisse đã sáng tạo ra nhiều thủ pháp độc đáo về tranh cắt dán, ông cắt nhiều loại giấy màu rực rỡ rồi sắp xếp và dán thành những hình dáng trừu tượng đầy chất trang trí. Đặc biệt, Matisse sáng tạo ra phương pháp kết hợp hội họa với đồ hoạ, như cắt dán những miếng vải hoa hoặc giấy trang trí dán vào tranh sơn dầu để làm phong phú hơn cách thể hiện, ví dụ bức Nỗi buồn của nhà vua -1952. Nằm trên giường bệnh, ông cắt dán những mảnh giấy màu ghép thành tác phẩm tranh. Lúc này đối với Matisse sử dụng vật liệu giấy màu thật tiện lợi, ông nói: Cắt giấy là được vẽ thẳng vào màu, lối vẽ này đơn giản bởi có thể vẽ đường viền lên ngay một mảng màu hoặc dễ dàng đặt màu này vào một mảng màu khác hay ngược lại... Matisse sử dụng màu trong các bức tranh cắt dán rất tươi và hồn nhiên. Không ai có thể nghĩ ông làm các bức tranh đó trong khi đang phải chịu đựng những cơn đau khủng khiếp của căn bệnh ung thư. Vì theo quan niệm của Matisse: “nghệ thuật là thuần khiết, trong sáng, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người xem. Không nên làm những chủ đề bắt người xem lo sợ”. Tranh cắt dán được họa sĩ Braque phát minh từ năm 1913, sau đó họa sĩ Picasso áp dụng ngay lập tức, rồi mới tới Matisse, nhưng cho đến thời điểm đó, Matisse vẫn được đánh giá là họa sĩ tiêu biểu nhất cho kỹ thuật tranh cắt dán.
Ban đầu, Matisse theo học một trường dạy vẽ tại quê nhà. Nhưng đây là một lớp học chỉ đào tạo những nhà thiết kế cho ngành vải sợi, nên Matisse đã khăn gói lên Paris tầm sư học đạo. Ông đã thi vào Học viện Mỹ thuật Paris, trở thành học trò cưng của thầy Moro - một họa sĩ danh tiếng đồng thời là một giáo sư ưu tú. Vị giáo sư này luôn khuyến khích các học trò của mình tiếp xúc với tất cả các trường phái hội họa, giúp họ phát huy sở trường cá nhân. Từ phòng vẽ tranh của ông đã xuất hiện nhiều nhân vật nổi tiếng, như Roueult, Marquet... Matisse đã theo học tại phòng tranh của Moro suốt 5 năm, mở rộng tầm nhìn, nắm vững những nguyên lý cơ bản làm nền tảng cho hội họa. Một lần xem tác phẩm đang vẽ dở của Matisse, Giáo sư Moro đã thốt lên: "Này Henri, anh sinh ra là để đơn giản hóa hội họa đấy"!
Năm ba mươi tuổi, Matisse vẫn chưa tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Paris, nhưng ông đã tạm gác việc học hành để lấy vợ và hai người đã đưa nhau đi hưởng tuần trăng mật ở London và miền Nam nước Pháp trong vòng... hai năm trời. Khi họ quay trở lại Paris, Giáo sư Moro đã qua đời. Học viện Mỹ thuật lấy cớ Matisse đã lớn tuổi để đuổi học ông. Thêm vào đó, Pierre Puvis Chavannes - chủ một Salon mà Matisse thường gửi tranh bán, cũng qua đời trong năm đó, khiến hai vợ chồng Matisse lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Dẫu vậy, Matisse vẫn luôn tìm tòi sáng tạo, quyết không đánh đổi lý tưởng nghệ thuật của mình để vẽ những tác phẩm rẻ tiền. Ông tập trung nghiên cứu những tác phẩm của các nhân vật đại biểu cho trường phái "ấn tượng", như Cezanne, Van Gogh, tiếp thụ những tinh túy của những tác phẩm đó và phát sinh sức mạnh sáng tạo mới. Nhìn chung, các tác phẩm của Matisse luôn mạnh mẽ về đường nét, rực rỡ về sắc màu. Hầu hết bảng màu ông sử dụng tươi rói, có cường độ di chuyển cao tới mắt nhìn, nó được ví như cung bậc của dây đàn, gợi cảm, làm xúc động lòng người. Đặc biệt nhất trong phong cách vẽ của Matisse là sử dụng nhiều yếu tố phương Đông. Ngôn ngữ tạo hình ông dùng giản dị, mộc mạc nhưng trong sáng, hồn nhiên. Ngắm nhìn tranh Matisse, người xem luôn thấy sự thư giãn, thoải mái, tràn ngập niềm vui, không chút lo âu hay căng thẳng. Đúng như quan điểm của Matisse: “Nghệ thuật như một cái ghế bành êm ái, trong đó người ta nghỉ ngơi khi thân thể mệt mỏi”.
Khi nghiên cứu tác phẩm của các bậc tiền bối, Matisse rất tâm đắc tranh của Van Gogh và câu nói mang tính tuyên ngôn nghệ thuật của ông: "Thay vì cố thể hiện cái tôi thấy trước mắt, tôi sử dụng màu một cách tùy tiện để diễn đạt trọn vẹn bản thân tôi". Đi theo con đường của Van Gogh, Matisse tâm niệm: "Phải dùng màu sắc để làm chất nổ mở đường đi về hiện đại. Dùng màu sắc để truyền đạt tình cảm...". Nhưng cái màu ấn tượng nhất, "chóe" trong hội họa là màu vàng thì Van Gogh đã "chọn" mất rồi. Còn lại là màu đen, màu xanh, màu lam, màu tím, màu đỏ..., Matisse sẽ chọn màu gì làm gam màu chủ đạo cho tranh của mình, thực là một câu hỏi hóc búa. Từ thử nghiệm đầu tiên là màu lam, với những "Chân dung Matisse phu nhân", "Khung cửa sổ mở", "Cô gái lõa thể màu lam"..., cuối cùng Matisse đã lấy màu đỏ làm gam màu của riêng mình. Ông cũng từ bỏ truyền thống tạo hình lập thể và hình tượng không gian ba chiều vẽ tranh giống như thật để tập trung thể hiện tình cảm. "Điều mà tôi ao ước đạt được là một loại nghệ thuật hài hòa, thuần túy, tĩnh lặng. Nó tránh đi những đề tài làm cho người ta cảm thấy phiền muộn, đau khổ. Nó cũng giống như một chiếc ghế thư giãn, giúp cho thân thể đang mệt mới có được một sự nghỉ ngơi"...
Đời hoạt động nghệ thuật của Matisse thật phong phú, ông đã tham gia biết bao hoạt động: vẽ, khắc tranh, làm tượng, làm tranh cắt dán, trang trí quần áo cho diễn viên.v.v... Matisse đã được nhiều giải thưởng xuất sắc xứng đáng với sự nghiệp sáng tạo của ông như: Giải thưởng lớn về hội họa năm 1927; các giải thưởng Hội họa Quốc tế năm 1948, 1950, 1952. Đặc biệt tên tuổi và sự nghiệp của họa sĩ Henri Matisse như một dấu ấn vàng son khắc sâu vào lịch sử hội họa thế giới.
Tên tuổi của Matisse chỉ thực sự được xác lập một cách vững vàng khi ông sáng tác "Hòa âm màu đỏ", năm 1908. Khi vẽ "Hòa âm màu đỏ", Matisse đã đem tất cả người và vật trong tranh sắp xếp trên một bình diện, một cách hoàn toàn tự do, phóng khoáng. Vách tường và khăn trải bàn chiếm một diện tích lớn trong bức tranh được Matisse tô phẳng bằng màu đỏ để tạo nên gam màu chính của tác phẩm mà hoàn toàn không để ý đến trạng thái chân thực của chúng trong không gian. Lấy màu đỏ làm nền tảng, Matisse đã phối trí với những đồ vật màu vàng, nâu, lam, lục, trắng... Mỗi một mảng màu có một độ sáng khác nhau, có hình dạng dị biệt đã tương hỗ, bổ sung cho nhau. Khi tia mắt của người xem hướng vào một mảng màu nào đó, thì hồi âm của nó sẽ rơi vào một vị trí thích hợp đang chờ đợi nó, khiến cho tia mắt của người xem được bổ sung, sản sinh ra một khoái cảm về thẩm mỹ.
"Hòa âm màu đỏ" chưa kịp đưa ra triển lãm đã được nhà sưu tập Nga Sergay Shchukin bỏ tiền mua với giá cao ngất ngưởng. Không những thế, nhà sưu tập này còn đặt Matisse vẽ thêm hai bức tranh dùng để trang trí cho ngôi nhà sang trọng của mình tại Moskva. Đó là tác phẩm nổi tiếng "Nhảy múa" và "Âm nhạc" được vẽ năm 1910.
Vẫn tiếp tục với gam màu đỏ, Matisse đã thử sức mình trong việc thể hiện cái đẹp của thân thể người phụ nữ. Tiêu biểu nhất trong nhóm tranh này là "Cung nữ quần đỏ", vẽ năm 1922. Cô gái trẻ trong tranh ăn mặc theo kiểu phương Đông, ở trạng thái lõa thể, nằm nghiêng trên giường, đầu gối lên hai bàn tay có vẻ rất an nhàn, với tư thế xinh đẹp, với dáng vẻ lạnh lùng. Chiếc quần đỏ chiếm vị trí trung tâm của bức tranh và thảm trải sàn màu đỏ với diện tích lớn đã tương phản với những hoa văn màu lam nhạt ở bối cảnh, trở thành một sự tương phản tuyệt mỹ, tôn lên làn da trắng mịn của người cung nữ, làm cho bức tranh thể hiện rõ sự diễm lệ, dễ thương, nhưng không làm mất đi nét cao sang thuần khiết.
Tiếp tục phong cách của "Cung nữ quần đỏ", năm 1930, Matisse hoàn thành một tác phẩm gây xúc động mạnh trong công chúng: "Lõa thể màu hồng", một bức tranh hoàn toàn ở trạng thái tĩnh lặng. Tác phẩm này được đánh giá là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tạo của Matisse, với "hình tượng đơn thuần, màu sắc đơn thuần, bố cục đơn thuần, tất cả đều đơn thuần, ngôn ngữ nghệ thuật vừa vặn"...
Cô gái lõa thể trong tranh được Matisse vẽ ở tư thế nằm ngang. Thân cô gái được dùng làm tiền cảnh với thân hình kéo dài, chiếc đầu thẳng đứng, phần mông thơi thấp xuống, tứ chi duỗi thẳng, với đường viền trơn láng đã triệt để xóa bỏ sự chật hẹp gò bó vốn có của tranh chân dung truyền thống. Cô gái như chìm đắm trong mộng mơ, uể oải buông mình trong nắng... được Matisse tô màu hồng nhạt, còn chiếc giường có những sọc trắng xen lẫn những sọc lam nhạt. Bức tranh lại có thêm những bó hoa, chiếc cửa sổ màu trắng có khuôn màu lục, bức tường màu đỏ sẫm và hồng nhạt làm cho mặt tranh trở nên sáng đẹp, thuần khiết...
Giai đoạn cuối đời, Matisse sống cô đơn trong sự hành hạ của bệnh tật. Người vợ chung sống với ông quá nửa đời người với những khổ nạn và hạnh phúc đã rời bỏ ông. Đến năm 80 tuổi, ông không còn đủ sức đứng trước giá vẽ nữa, mà phải nằm trên giường để vẽ. Hai năm sau khi rời cây cọ, ông tiếp tục con đường nghệ thuật tranh cắt giấy mà ông từng thử nghiệm trước đó một thời gian. Lúc này ngồi được trên xe lăn, chiếc kéo lớn với những tấm giấy nhuộm màu. Ông chỉ huy người nữ thư ký dán những tác phẩm cắt giấy lên xung quanh tường.
Nghệ thuật cắt giấy được Matisse gọi là "một biện pháp đơn giản để trực tiếp thể hiện bản thân tôi". Tiêu biểu trong loại hình loại hình này là "Con két đuôi dài và con quỷ biển", "Cô gái lõa thể màu lam", "Nỗi bi ai của quốc vương"... Các tác phẩm này thể hiện một sức sống mạnh mẽ, mang đến cho mọi người không khí vui tươi của mùa xuân, thật khó tin là chúng được làm ra từ đôi bàn tay của một cụ già bệnh tật. Chúng đều mang sự thuần khiết, tươi sáng, vui vẻ, đã tấu lên những nốt nhạc hài hòa cuối cùng của một người suốt đời giữ vững lý tưởng nghệ thuật của mình.
No comments:
Post a Comment