Salvador Felipe Jacinto Dalí Domènech hay Salvador Felip Jacint Dalí Domènech (11 tháng 5, 1904 – 23 tháng 1, 1989), thường được biết đến bằng cái tên Salvador Dalí, là nghệ sĩ sinh ra tại Figueras, xứ Catalonia, Tây Ban Nha. Ông được coi như một trong những hoạ sĩ có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20 với phong cách siêu thực. Dalí là một họa sĩ lành nghề, nổi tiếng với những hình ảnh ấn tượng và kỳ lạ trong các tác phẩm siêu thực của mình. Kỹ năng hội họa của ông thường được cho là do ảnh hưởng của các bậc thầy thời kỳ Phục hưng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, The Persistence of Memory, được hoàn thành vào tháng 8 năm 1931. Dalí giải thích "tình yêu của tôi với tất cả mọi thứ có ánh vàng, sự cực đoan, niềm đam mê của tôi với sự sang trọng và quần áo phương Đông” đến từ một "dòng dõi Ả Rập", tuyên bố rằng tổ tiên của ông là hậu duệ của người Moor. Ông rất giàu trí tưởng tượng, và cũng rất thích đắm mình trong các hành vi bất thường và kỳ vĩ. Sự lập dị và hoạt động công cộng của ông nhằm gây chú ý đôi khi còn thu hút công chúng nhiều hơn so với các tác phẩm nghệ thuật của ông. Điều này làm những người yêu thích các tác phẩm của ông khó chịu, và làm cho các nhà phê bình bực bội. Bên cạnh hội hoạ, ông còn được biết đến như một nhà điêu khắc, nhiếp ảnh, sản xuất phim... Ông đã đoạt giải Oscar dành cho phim hoạt hình ngắn với bộ phim hợp tác cùng Walt Disney mang tên Destino. Ngoài ra, ông còn được Hoàng gia Tây Ban Nha trao tặng huân chương Isabelle.
Thời niên thiếu
Salvador Domingo Felipe Jacinto Dalí i Domènech sinh ngày 11 tháng 5, 1904, lúc 8:45 am GMT ở thị trấn Figueres, vùng Empordà, gần biên giới với Pháp ở Catalonia, Tây Ban Nha. Anh của Dalí cũng mang tên Salvador (sinh ngày 12 tháng 10, 1901), đã chết do viêm dạ dày chính tháng trước đó ngày 01 tháng 8, 1903. Cha ông, Salvador Dalí i Cusí, là một luật sư và công chứng viên thuộc tầng lớp trung lưu, theo đánh giá của vợ ông là bà Felipa Domenech Ferrés thì ông là người có phương pháp kỷ luật rất nghiêm ngặt. Bà đã làm giảm đi sự nghiêm khắc của chồng đồng thời động viên những nỗ lực của con trai. Khi lên 5, Dalí được đưa đến mộ của anh trai mình và được cha mẹ bảo rằng ông chính là anh trai của mình tái sinh, và ông đã tin vào ý niệm này. Dalí nói rằng, "...[chúng tôi] giống nhau như hai giọt nước, nhưng khác nhau về suy nghĩ." "Anh tôi có lẽ là phiên bản đầu của tôi nhưng đã bị ảnh hưởng quá nhiều từ quan điểm tuyệt đối." Các hình ảnh của người anh quá cố cũng đã xuất hiện trong các tác phẩm sau này của ông, như Portrait of My Dead Brother (1963).
Dalí cũng có một em gái nhỏ hơn 3 tuổi là Ana María. Năm 1949, bà đã xuất bản một quyển sách về anh của bà,Dalí As Seen By His Sister. Dalí vào học trường mỹ thuật. Năm 1916, Dalí đã khám phá thể loại tranh hiện đại trong một chuyến nghỉ hè ở Cadaqués cùng với gia đình của Ramon Pichot, một họa sĩ thường xuyên đến Paris. Năm sau đó, cha của Dalí tổ chức một buổi triển lãm những bức vẽ than của ông tại nhà của họ. Ông có cuộc triển lãm rộng rãi tại Nhà hát thành phố ở Figueres năm 1919. Tháng 2, 1921, mẹ của Dalí qua đời do ung thư vú lúc Dalí 16 tuổi. Sau này, ông nói về sự qua đời của mẹ mình "là cú đòn lớn nhất mà tôi phải chịu đựng trong đời tôi. Tôi tôn thờ mẹ... Tôi không thể chịu đựng sự mất mát một con người mà tôi đã dựa vào để khỏa lấp những nhược điểm không thể che giấu của tâm hồn tôi." Sau khi bà chết, cha ông kết hôn với em gái của vợ ông. Dalí đã không phản đối cuộc hôn nhân này vì ông yêu quý và tôn trọng người dì của mình.
Tại Madrid và Paris
Năm 1922, Dalí chuyển vào Residencia de Estudiantes (khu nội trú) tại Madrid và học tại Real Academia de Bellas Artes de San Fernando. Cao 1,72 m (5 ft. 7¾ in.) Dalí đã thu hút sự chú ý như một người lập dị và kỳ quái. Ông để tóc và tóc mai đều dài, mặc áo, vớ, và quần ống túm theo phong cách của người Anh cuối thế kỷ 19. Tại Residencia, ông trở thành bạn thân với Pepin Bello, Luis Buñuel và Federico García Lorca. Quan hệ bạn bè của ông với Lorca đã có xu hướng đam mê tình dục mạnh mẽ, nhưng Dalí từ chối tình ý của nhà thơ này. Tuy nhiên các bức tranh của ông, trong đó ông đã thử nghiệm phong cách Lập thể, mới là những gì ông giành được sự chú ý nhiều nhất từ bạn bè sinh viên của mình. Kiến thức duy nhất của ông về nghệ thuật lập thể đến từ các bài báo tạp chí và một danh sách các tác phẩm do Pichot đưa cho xem, vì không có nghệ sĩ lập thể nào ở Madrid vào thời điểm đó. Vào năm 1924, một Salvador Dalí vẫn chưa được biết đến vẽ minh họa một cuốn sách lần đầu tiên. Đó là một ấn bản của bài thơ Catalan Les bruixes de Llers ("The Witches of Llers") do bạn bè và bạn học của ông, nhà thơ Carles Fages de Climent xuất bản. Dalí cũng thử nghiệm với Dada, và điều này đã ảnh hưởng đến các tác phẩm trong suốt cuộc đời của ông.
Dalí đã bị trục xuất khỏi học viện vào năm 1926, ngay trước khi kỳ thi cuối cùng của ông vì bị cáo buộc đã gây bạo loạn. Các kỹ năng vẽ tranh xuất sắc tại thời điểm đó của ông đã được chứng minh bằng tác phẩm Giỏ Bánh mì, vẽ năm 1926. Cùng năm đó, ông đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của mình đến Paris, nơi ông gặp Pablo Picasso, người mà cậu trai trẻ Dalí hằng ngưỡng mộ. Picasso đã nghe các nhận xét tốt về Dalí từ Joan Miró, một người bạn Catalan đã giới thiệu ông với nhiều bạn bè phong cách siêu thực. Trước khi Dalí tập trung phát triển phong cách riêng của mình trong vài năm sau đó, Dalí đã thực hiện một số tác phẩm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Picasso và Miró.
Cùng với Pablo Picasso, Salvador Dali là danh họa Tây Ban Nha nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Ông thường có những ý tưởng lạ đời mà nhiều người cho là điên rồ như cho màu vào bát súp còn thừa của khách trong một buổi tiệc, rồi dùng cọ chấm vào để vẽ hai bức tranh trong vòng hai giờ. Salvador Dali là con một chưởng khế. Mới 5 tuổi, Salvador Dali đã muốn trở thành đầu bếp, lên 7 tuổi muốn trở thành Napoléon. Năm 16 tuổi, ông viết trong nhật ký: “Tôi sẽ trở thành thiên tài. Cả thế giới sẽ biết đến và ái mộ tôi. Có nhiều người sẽ căm ghét, không hiểu tôi. Nhưng tôi sẽ là một thiên tài, tôi chắc là như vậy”. Cuộc đời cũng chiều theo ý của Dali khi biến ông thành một thiên tài trong ngành hội họa, một họa sĩ được biết tiếng nhiều nhất trong thế kỷ XX vì những ý tưởng... ngông cuồng. Nhiều người chống lại ông cho rằng, Dali chỉ là một kẻ khoác lác, suốt ngày chỉ biết nói năng lung tung và làm những chuyện không đâu để thu hút sự quan tâm của mọi người. Nhưng Dali lại khẳng định: “Khó ai có thể thu hút sự quan tâm của cả thế giới về một vấn đề nào đó trong suốt 30 phút. Còn tôi, tôi đã làm cho mọi người quan tâm hằng tháng, hằng năm”...
Năm 1927, Dali bị đuổi khỏi Viện Mỹ thuật San Fernandino vì có hành vi và thái độ kỳ quái. Sau đó, Dali sang Paris gặp và trao đổi ý kiến với họa sĩ Tây Ban Nha, Pablo Picasso. Năm 1928, Dali tham gia nhóm các họa sĩ theo trường phái siêu thực và đây chính là con đường mà ông chọn để đeo đuổi sự nghiệp cho đến khi qua đời. Đó cũng là quãng thời gian ông gặp gỡ với Gala, người vợ chung thủy của ông sau này, lúc đó đang là vợ của nhà thơ người Pháp Paul Eluard.Gala là một phụ nữ Nga quyến rũ, cũng yêu thích trường phái hội họa siêu thực và cả những ý tưởng điên rồ của Dali. Đó còn là quãng thời gian mà những tác phẩm đầu tiên của Dali bắt đầu được biết tiếng trong giới hội họa thế giới như bức Những ngày đầu xuân, Sự hòa hợp của những tâm hồn hay Kẻ hoang đàng vĩ đại.
Tháng 12/1934, lần đầu tiên đến Mỹ, ông đã có những hành động lạ đời thu hút sự quan tâm của công chúng. Trên chuyến tàu thủy xuyên Đại Tây Dương đưa ông và bà Gala đến Mỹ, Dali nhờ một đầu bếp làm cho mình một chiếc bánh mì hình cây gậy dài đến 5 m. Khi tàu cập cảng New York, Dali lấy chiếc bánh mì dài huơ đi huơ lại trước mặt phóng viên báo đài thay vì lấy tay vẫy chào họ. Ngày hôm sau, xuất hiện trong một dạ tiệc do nhà triệu phú Caresse Crosby tổ chức tại New York, Dali cải trang thành một xác ướp biết đi. Vài năm sau, Dali lại làm một chuyện khùng điên khác khi xuất hiện tại một buổi triển lãm tranh của mình ở khu Trafalgar của thủ đô London trong bộ đồ lặn bằng thép và chỉ có thể thở nhờ một ống dẫn dưỡng khí từ bên ngoài. Cả thủ đô London ùn ùn kéo đến khu Trafalgar để chiêm ngưỡng trò lạ đời của Dali. Rủi thay, khi đang phát biểu với mọi người, Dali bỗng ngã nhào xuống đất và không đứng dậy được. Không ai dám giúp Dali đứng dậy vì cho rằng đó là một trò đùa của ông. Mãi đến khi ông suýt ngạt thở và bà Gala cảm thấy chồng đang gặp nguy hiểm thì các nhân viên bảo vệ mới chịu vực Dali đứng lên rồi tháo ngay bộ đồ lặn nặng đến 50 kg trên người của ông ra. Buổi triển lãm tranh của Dali suýt nữa đã biến thành thảm kịch vì ý tưởng điên rồ của chính mình.
Cung cách vẽ tranh của Dali cũng kỳ lạ và khác người không kém. Ông dùng một khẩu súng kiểu cổ bắn màu vào những tờ giấy trắng trên giá vẽ để cách xa 3 - 4 m. Để vẽ chân dung của Gala theo trường phái siêu thực, Dali đã bỏ mất nhiều ngày đến khu nuôi tê giác của vườn thú Vincennes ở Paris lấy ý tưởng. Cho đến những ngày cuối đời tại thành phố quê hương Figueras, vào tháng 1/1989, Dali mới đồng ý để nhiếp ảnh gia bậc thầy Helmut Newton chụp cho mình một bức ảnh cuối cùng trong bộ áo choàng bằng lụa đỏ, cổ đeo Huân chương Isabelle do Hoàng gia Tây Ban Nha trao tặng và ngồi trên một chiếc ghế bành. Đó có lẽ là bức ảnh thật nhất của Salvador Dali trong suốt cuộc đời mình, khi mà ông cho là đã quá đủ để đùa cợt với mọi người bằng những ý tưởng ngông cuồng.
Năm 56 tuổi, Pablo Picasso vẽ bức Guernica. Da Vinci sáng tác Bữa ăn tối cuối cùng (Last Supper) năm 46 tuổi. Van Gogh cho ra đời tuyệt tác Đêm đầy sao (Starry Night) năm 36 tuổi. Nhưng Salvador Dalí mới ở tuổi 26 đã khai sinh ra một trong những tác phẩm hội họa vĩ đại nhất của thế kỷ XX và cũng là một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất trong lịch sử hội họa. Bức Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory) là đỉnh cao của nghệ thuật siêu thực những năm 1930-1940. Mặc dù danh xưng đó chưa đủ để thể hiện tầm quan trọng của bức tranh này trong giới nghệ thuật, trong văn hóa đại chúng và các lĩnh vực học thuật khác, nhưng sự hấp dẫn của nó đã phát triển mạnh đến mức hầu hết những ai xem tranh đều tìm thấy sự liên quan giữa bức tranh và cuộc sống của chính mình. Câu chuyện đằng sau sự ra đời của bức tranh cũng thú vị và nổi tiếng như chính nó. Vào một buổi tối nọ, Dalí và vợ mình, Gala, cùng thưởng thức rượu và phô-mai Camembert với một số khách khứa. Sau đó, Gala và những vị khách quyết định đi xem phim còn Dalí ở nhà vì bị đau đầu. Rồi Dalí ngủ thiếp đi. Khi thức dậy, ông thấy Gala vẫn chưa về. Ông nhìn đồng hồ và cảm thấy thời gian trôi sao thật chậm. Trên bàn, số phô-mai đã bị tan chảy. Dalí đã quan sát chiếc đồng hồ và miếng phô-mai rồi đi đến kết luận: thời gian cũng tan chảy như miếng phô-mai đó. Kết quả, Dalí vẽ 3 chiếc đồng hồ chảy mềm, méo mó trên khung cảnh đầy ám ảnh.
Sáng hôm sau, ông cho Gala xem tác phẩm của mình. Ông bịt mắt Gala, dẫn bà vào phòng vẽ, khi lấy tay ra khỏi mắt bà, ông hỏi: “Bao lâu thì em quên bức tranh này?”. Chỉ trong khoảnh khắc thoáng qua, Gala đáp: “Chẳng ai nhìn thấy nó mà quên được cả”. Câu trả lời của Gala cũng là câu trả lời của phần lớn những ai đã từng chiêm ngưỡng Sự dai dẳng của ký ức. Chủ đề trong Sự dai dẳng của ký ức không chỉ thu hút sự chú ý của những nhà nghiên cứu hội họa, người hâm mộ Dalí mà còn có cả các nhà vật lý học, tâm lý học và những học giả khác. Thông qua việc khắc họa trạng thái mộng mị trong Sự dai dẳng của ký ức, Dalí khơi gợi nhiều học thuyết mà chưa họa sĩ nào hay bất cứ người nào nghĩ đến. Trong khi xem xét mối tương quan giữa vạn vật trong vũ trụ theo học thuyết của Einstein, ông đã miêu tả chúng theo luận điểm của nhà tâm lý học Freud, nêu bật những khía cạnh siêu thực của thế giới. Vào thời điểm này, tại châu Âu xuất hiện hai cách nhìn cấp tiến về thế giới, một là thuyết tương đối của Einstein, hai là nhận thức của con người qua phân tích của chuyên gia tâm lý Freud. Cả hai nhà tư tưởng này đều ảnh hưởng lớn đến Dalí và những gì Dalí thể hiện trong Sự dai dẳng của ký ức là tổng hợp từ những khái niệm của họ, nhằm bộc lộ cái nhìn sâu sắc về bản chất của hiện thực. Bức tranh nhanh chóng nổi tiếng ngay sau khi được trưng bày lần đầu tiên vào năm 1931. Từ đó, một biểu tượng văn hóa mới ra đời, biểu tượng đồng hồ tan chảy. Trong khi nhiều người ngạc nhiên trước việc một họa sĩ trẻ tuổi thu hút sự chú ý của cả thế giới với tác phẩm có chiều sâu đến thế, có lẽ ngay cả Dalí cũng bất ngờ trước phản ứng của công chúng đối với tác phẩm của mình. Và điều tuyệt vời nhất mà Dalí đạt được qua bức tranh này cũng chính là cảm nhận của Gala, vợ ông, khi nhìn thấy nó trước tiên: một bức tranh ám ảnh dai dẳng.
Các nhà phê bình thường coi tất cả những gì Dalí vẽ sau năm 1944 là vô giá trị, là lặp lại, là thương mại, là kitsch. Tin họ hay không là quyền của mỗi người. Chỉ nên lưu ý rằng, trong lịch sử hội hoạ, các nhà phê bình cũng là những người đã từng chê Caravaggio sao chép tự nhiên, chê Francisco de Zurbarán bắt chước Caravaggio, cười nhạo Edouard Manet, chế giễu thành ra đặt tên cho trào lưu Ấn tượng, v.v. Các nhà phê bình và các chuyên gia về hội họa từng không phân biệt được tranh thật với tranh giả, từng mắc lừa những kẻ chép tranh như Han van Meegeren trong nhiều năm. Thi sĩ và triết gia người Anh Samuel Taylor Coleridge (1772 – 1836) từng nói: “Các nhà phản biện thường là những người từng làm thi sĩ, sử gia, tiểu sử gia, nếu như họ có thể. Họ đã từng thử tài của mình trong việc này hay việc kia, nhưng đều thất bại; vì thế họ quay ra phê bình.” Gần đây một số nhà phê bình lại bắt đầu xét lại các tác phẩm 50 năm cuối đời Dalí, coi ông là một trong các tiền bối của pop-art những năm 1960. Chân dung ngôi sao Hollywood Mae West của Dalí vượt trước chân dung Marylin Monroe của Andy Warhol khoảng 30 năm. Dalí cộng tác với điện ảnh và là một trong những hoạ sĩ đầu tiên bắt tay với TV. Nhiều người Pháp vẫn nhớ Dalí quảng cáo Lanvin chocolate trên TV Pháp với câu nói: “Je suis fou du chocolat Lanvin!” (Tôi điên vì chocolat Lanvin).
Năm 1948 Dalí hồi hương về Tây Ban Nha, lúc đó đang bị chính thể độc tài phát xít Franco cai trị. Dalí bị phê phán đã bợ đỡ Franco, vẽ chân dung cháu gái Franco để đổi lấy đặc ân được xây bảo tàng các tác phẩm của mình tại Tây Ban Nha. Năm 1975, sau khi Franco ra lệnh hành quyết các nhà cách mạng xứ Basque, Dalí phát biểu trên radio: “Rất tốt. Chúng ta phải giết nhiều bọn chúng hơn.” Đó là lý do vì sao danh tiếng của Dalí bị dính chàm trong những năm cuối đời. Nhưng theo lời kể của đạo diễn điện ảnh Hy Lạp Costas Ferris (sinh năm 1935), người từng gặp Dalí vào năm 1971 – 1972, Dalí nói rằng ông không nói gì chống những nhà cách mạng cánh tả Tây Ban Nha. Song ông nói đảng cộng sản là một tổ chức mafia, và ông căm ghét mafia. Tuy vậy Dalí không ghét Picasso mặc dù Picasso là đảng viên cộng sản. Ngược lại Dalí ngưỡng mộ Picasso và ông rất buồn khi Picasso khinh bỉ ông vì ông về với Franco trong lúc Picasso tuyên bố không trở về Tây Ban Nha chừng nào còn chế độ độc tài Franco. Dalí nói: “Tướng Franco muốn làm bạn với tôi, chỉ vì cạnh tranh, bởi vì Pablo Picasso từ chối cho phép bức Guernica triển lãm tại Barcelona. Nhưng tôi không phải là bạn của Franco. Tôi là bạn của nhà vua tương lai của Tây Ban Nha, Juan Carlos.”
Scandal
Năm 1923, Lorca đã gặp Dali, khi đó Lorca 25 tuổi, còn Dali mới 19. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, Lorca đã bị choáng bởi vẻ đẹp đến mê hồn về hình thể của Dali. Về phần mình, chàng hoạ sĩ siêu thực cũng bị sốc bởi những vầng hào quang đang tỏa quanh thi sĩ trẻ. Giữa hai người đã nảy sinh một mối quan hệ còn lớn hơn cả tình bạn. Lorca đã từng viết bài thơ nổi tiềng nhan đề: "Thơ tặng Salvador Dali" và trở thành khách mời thường xuyên và thân thiết của gia đình Dali. Mối tình giữa một thi sĩ danh tiếng, trẻ tuổi với họa sĩ siêu thực đã khiến dư luận không ngớt bàn tán, dị nghị. Chỉ có điều, Lorca thì cố tình lảng tránh dư luận bằng cách im lặng, còn Dali lại tìm mọi cách để phủ nhận. Đã hơn một lần Dali khẳng định: "Lorca là một người đồng tính và yêu tôi say đắm. Anh đã cố quan hệ với tôi hai lần nhưng tôi vô cùng bực tức. Vì tôi không phải là người lưỡng tính và tôi cũng không thích thú với việc đó"..."Mối tình" bất thường này đã tồn tại trong suốt 5 năm. Đó là những năm đẹp nhất của cả hai người thanh niên hào hoa, tài giỏi. Hai người đã từng có những khoảnh khắc đẹp nhất bên bờ biển, trong những ngày hè thơ mộng. Họ từng chia sẻ với nhau tất cả: niềm tin, hy vọng, cảm hứng nghệ thuật và bí mật đời tư. Họ cảm thấy đã tìm thấy tình bạn thực sự bởi những tâm hồn đồng điệu… Cho đến khi Dali hợp tác với nhà sản xuất phim Bunuel làm một bộ phim siêu thực "Un Chien Ardalou" thì tình bạn giữa hai người đã hoàn toàn kết thúc. Lorca cho rằng Dali đã phản bội và xúc phạm mình khi đem những điều thầm kín của hai người cho thiên hạ bình phẩm.
Sau gần một thế kỷ, mối tình dang dở giữa Lorca và Dali đã gợi cảm hứng cho các nhà làm phim xây dựng một tác phẩm điện ảnh về thiên tình sử của những người đồng tính: bộ phim "Little Ashes". Đây là bộ phim được hợp tác giữa điện ảnh hai nước Anh và Tây Ban Nha, kể lại câu chuyện tình say đắm và dang dở giữa Garcia Lorca và Salvador Dali. Trong phim có cảnh Lorca ngủ với một cô gái, còn Dali thì nhòm qua khe cửa…Philippa Goslett - tác giả kịch bản cho rằng bộ phim sẽ gây nhiều tranh cãi cho các nhà viết tiểu sử, đồng thời khẳng định mối tình đồng tính giữa họa sĩ và nhà thơ là có thực: "Qua rất nhiều khảo sát đã được thực hiện, có thể nhận thấy rằng đã có chuyện gì đó xảy ra. Đây là điều không thể nghi ngờ. Bắt đầu bằng tình bạn, mối quan hệ dần trở nên thân thiết và dần chuyển sang những đụng chạm về thân thể. Nhưng Dali cảm thấy khó có thể theo đuổi mối tình này. Đây chính là bi kịch lớn nhất của Dali. Ông ấy bị ám ảnh bởi Lorca suốt cả cuộc đời. Ông ấy không ngừng nói về người bạn đồng tính, nói nhiều hơn cả về vợ trẻ trung xinh đẹp". Rõ ràng là Dali đã cố vẫy vùng để "thoát" ra khỏi mối tình bất thường đó. Và trợ thủ đắc lực của họa sĩ trong cuộc trốn chạy này chính là Gala Eluard một phụ nữ Nga có vẻ đẹp cực kỳ quyến rũ, rất mê tranh siêu thực. Trước khi trở thành vợ của Salvador Dali, Gala Eluard đã từng kết hôn với nhà thơ Pháp nổi tiếng Paul Eluard - một người bạn thân thiết của Dali.
No comments:
Post a Comment