Sunday, November 23, 2014

Paganini (1782-1840)


Niccolò (hay Nicolò) Paganini (27 tháng 10 năm 1782 - 27 tháng 5 năm 1840) là một nghệ sĩ chơi violin, viola,guitar và nhà soạn nhạc người Ý. Ông được coi là một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất trong lịch sử, dù rằng không thể xác thực điều này do không có được những băng ghi âm các tác phẩm ông trình diễn. Mặc dù thế kỉ 19 ở châu Âu có một số nghệ sĩ violon xuất chúng, nhưng Paganini là nghệ sĩ bậc thầy ở thế kỉ này. Có những lời đồn đại đương thời rằng ông đã "bán linh hồn cho quỷ dữ" để có được khả năng thần kì này.


Thơ ấu
Từ bé, Paganini đã có ngoại hình khá kì dị, cậu bé trông giống như con khỉ bởi có làn da nâu sẫm, tóc dài và quăn, người nhiều lông và tay chân rất dài, khi đứng, bàn tay có thể chạm tới đầu gối. Tuy vậy, cậu bé lại có đôi mắt đen lấp lánh và ẩn chứa trong đó một vẻ đẹp diệu kì. Gia đình Paganini rất nghèo, cậu bé có thân hình gầy guộc vì ăn uống thiếu thốn. Đã thế, người cha lại rất tàn nhẫn, ông thường hành hạ, bắt Paganini phải chơi đàn violon ngoài phố để kiếm tiền. Người dân Italia luôn tự hào rằng, mình có tài năng âm nhạc ngay từ trong bụng mẹ. Họ nổi tiếng về lòng yêu thích, sự am hiểu cây đàn violon. Đất nước này có những nhà sản xuất violon giỏi nhất thế giới như Nioclo Almati (1596-1684), Giuseppe Garneri (1698-1744) và đặc biệt là Antonio Steradivari (1644-1737). Hầu hết những cây đàn của họ sản xuất là những kiệt tác về nghệ thuật chế tạo nhạc cụ, là tài sản quí giá của đất nước Italia. Khi Paganini lên 8 tuổi, ở thành phố Genoa là quê hương của cậu, người ta tổ chức một cuộc thi tìm kiếm những tài năng biểu diễn violon dành cho thiếu nhi dưới 15 tuổi. Vì muốn giành được giải thưởng lớn, cha của Paganini là ông Antonio Paganini đã ép cậu phải tham dự cuộc thi mặc dù cậu còn rất nhỏ tuổi.


Một buổi sáng, trước khi đi làm, ông Antonio gọi con trai đến và đưa cậu bé một bản nhạc rất dài và khó, đó là một trong những tác phẩm bắt buộc của cuộc thi. Ông yêu cầu trong ngày hôm đó cậu phải tập xong phần đầu của bản nhạc. Do rất sợ cha, Paganini đã tập bản nhạc suốt cả buổi sáng. Nhưng đối với một cậu bé lên 8 tuổi thì bản nhạc đó thật là quá khó. Dù rất cố gắng, cậu cũng không thể nhớ hết và chơi chính xác được những phần đã tập. Buổi trưa đi làm về, ông Antonio bắt Paganini chơi lại đoạn nhạc đã tập. Thấy con đàn chưa trôi chảy và thành thạo, người cha giận dữ nhốt cậu vào nhà kho và không cho ăn trưa. Cả buổi chiều cậu bé phải tiếp tục tập luyện bản nhạc một cách khổ sở trong nhà kho với cái bụng đói cồn cào. Đến tối, ông bố kiểm tra lại và vẫn chưa hài lòng về phần trình bày của con trai. Không hiểu rằng cậu bé đã nỗ lực hết sức, ông tàn nhẫn rút thắt lưng quật cho cậu một trận tơi bời. Người mẹ rất thương con, đợi đêm xuống khi ông bố ngủ say mới dám mang cho cậu bánh mì và nước uống. Trời lạnh buốt, cả đêm Paganini không sao ngủ được. Cậu căm thù cây đàn violon và nghĩ rằng vì nó mà mình bị cha hành hạ khổ sở.


Với cách dạy hà khắc đến tàn nhẫn của người cha, mặc dù không hề yêu thích, Paganini đã nhanh chóng luyện tập thành công tác phẩm để dự thi. Ngày thi đã đến, trong khi nhiều đứa trẻ ăn vận sang trọng, đi xe ngựa đến nhà hát tham gia cuộc thi thì cậu bé Paganini gầy gò và rách rưới phải đi bộ cùng cha đến nhà hát. Mọi người xôn xao, nhiều người lắc đầu khi thấy Paganini bước ra sân khấu. Cậu là đứa trẻ nhỏ bé, gầy gò và xấu xí tham dự cuộc thi. Không ai tin là tiết mục của cậu sẽ thành công. Khi tiếng đàn của Paganini vừa cất lên với những dòng âm thanh dữ dội và tuyệt đẹp, những âm thanh vô tận vút lên, chúng lung linh và huyền ảo tưởng như không bao giờ tắt. Cả nhà hát đứng dậy nín thở theo dõi, hàng trăm cặp mắt không rời người nghệ sĩ tí hon cho đến khi bản nhạc kết thúc. Cậu bé đã vượt qua vòng một để có mặt ở vòng hai với 7 thí sinh khác. Paganini là thí sinh ít tuổi nhất lọt vào vòng hai, cậu phải thi với những đứa trẻ 14, 15 tuổi, con các gia đình giàu có, lại được học hành qui củ và được sự chăm sóc của cha mẹ. Với những giọt nước mắt uất hận vì không muốn tiếp tục bị cha hành hạ, Paganini đã chơi đàn với bản năng vô song và giành giải nhất cuộc thi tài năng violon của thành Genoa khi mới 8 tuổi.


Danh tiếng của Paganini sớm nổi lên trong giới âm nhạc thành Genoa và những thành phố lân cận. Cùng với cha, cậu thường đi biểu diễn khắp trong vùng để kiếm tiền nuôi gia đình. Nhìn rõ tài năng âm nhạc của Paganini, giám đốc nhạc viện thành Parma là Ferdinand Paet đã nhận hướng dẫn Paganini về các kĩ thuật biểu diễn và sáng tác âm nhạc. Với tài năng thiên bẩm cộng với tinh thần ham học, chẳng mấy chốc, Paganini đã được mệnh danh là nhạc sĩ có đôi tai thần diệu, có đôi bàn tay vàng, có khả năng chơi đàn ở mức độ tuyệt kĩ và là Thầy phù thuỷ của cây đàn violon. Paganini đã tham gia nhiều cuộc thi về biểu diễn violon và dường như ông không có đối thủ xứng tầm. Ông đã biểu diễn ở hơn 40 thành phố của châu Âu và tiếng tăm ngày càng vang dội. Trong các cuộc thi hay biểu diễn, nhiều lần Paganini bị kẻ thù hãm hại nhưng ông vẫn khẳng định mình là tay violon số một của Italia.


Cuộc đời
Ông có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng năm 11 tuổi. Ngay từ thời thơ ấu Paganini đã học nhạc với nhiều thầy giáo, trong đó có Giovanni Servetto và Alessandro Rolla. Cách chơi của cậu ngay từ đầu đã có một sự độc đáo rất tự nhiên. Niccolo đã sớm trở thành một nhạc công nhỏ tuổi có thể biểu diễn kiếm ra tiền. Cậu thiếu niên Paganini đã không khỏi choáng ngợp trước những thành công và đến năm 16 tuổi sa vào cờ bạc và rượu chè. Một thiếu phụ vô danh đã cứu sự nghiệp của Paganini khi đưa ông về điền trang của mình. Ở đó ông từ bỏ khỏi các tật xấu, tiếp tục học violin trong 3 năm. Trong thời gian này ông đồng thời học cả guitar. Từ 1801 đến 1809, Paganini định cư ở thị trấn Lucca dạy học, sáng tác và biểu diễn.


Một lần, Paganini nhận lời đến thành phố Livorno để thi biểu diễn violon với nghệ sĩ tài năng người Pháp là Maxell. Cuộc thi diễn ra tại nhà hát thành phố vào tối thứ bảy, nhân dịp ra mắt của viên lãnh sự nước Anh. Như các lần thi trước, Paganini đều giành thắng lợi nên ông có phần chủ quan. Buổi sáng, Paganini vẫn cùng một người bạn ra ngoại ô đi săn, đến chiều mới trở về nhà trọ. Trong khi Paganini đi vắng, kẻ thù của ông là Novi và Gardi, những người đã từng học với ông ở nhạc viện Parma, đã thuê gã dọn phòng ở nhà trọ vào lấy cắp đôi giày và cứa gần đứt những chiếc dây đàn trên chiếc violon của ông. Khi trở về nhà trọ chuẩn bị cho cuộc thi vào buổi tối, Paganini kiểm tra lại cây đàn nhưng không phát hiện ra những sự bất thường. Ông cho rằng mọi thứ vẫn ổn. Sắp tới giờ đến nhà hát, Paganini tìm đôi giày và ngạc nhiên vì không thấy, ông đành chạy xuống hiệu giày ở góc phố mua một đôi. Điều này đã nằm trong những tính toán của kẻ thù. Lão chủ hiệu được Novi và Gardi thuê đã đưa cho Paganini một đôi giày khá đẹp vừa với chân ông, nhưng chúng được đóng thêm vào dưới gót những chiếc đinh dài hơn bình thường. Tuy nhiên lúc thử giày, do còn tấm đệm chân và chưa bước mạnh nên Paganini không phát hiện ra âm mưu đó.


Paganini mang cây đàn xuống đường phố và gọi một chiếc xe ngựa. Không may cho ông là chẳng có chiếc xe nào chạy vào đường đó. Vội vã, ông rảo bước đến nhà hát thành phố. Đi một quãng, chân Paganini bắt đầu đau nhói vì những chiếc đinh đã xuyên qua tấm đệm, đâm vào bàn chân. Ngừng lại giây lát, dựa lưng vào tường, ông kiểm tra lại đôi giày, những chiếc đinh xuyên lên làm bàn chân ông chảy máu. Không có cách nào nhổ chúng ra, đường phố thì đầy tuyết trộn lẫn bùn đất, không thể cởi giày ra được. Đành vậy, ông tiếp tục rảo bước trong tiết trời giá lạnh, mồ hôi đẫm khuôn mặt và máu đầy bàn chân. Paganini tới nhà hát khi cuộc thi sắp bắt đầu. Lời giới thiệu về chương trình biểu diễn đã làm khán giả vỗ tay vang dội. Họ mong chờ giây phút này đã lâu, cuộc thi giữa hai nghệ sĩ violon thuộc loại xuất sắc nhất của hai nước láng giềng Italia và Pháp. Cuộc thi tuy diễn ra trên đất Italia nhưng Paganini lại gặp nhiều bất lợi. Vô số kẻ thù của ông có mặt ở đó, chúng huýt sáo la ó khi ông xuất hiện trên sân khấu. Theo qui định, cuộc thi gồm ba phần; phần một hai nghệ sĩ lần lượt chơi bản Sonat của Tartini; phần hai họ sẽ biểu diễn một sáng tác của mình; phần ba một người sẽ phải ứng tác theo chủ đề của người kia.


Maxel bước ra sân khấu và chơi phần thứ nhất, tiếng đàn và những kĩ thuật điêu luyện của nghệ sĩ người Pháp đã thể hiện rất thành công bản Sonat của Tartini. Paganini giật mình vì tài năng của Maxell, ông tự nhủ mình đã gặp một đối thủ lớn. Tới lượt Paganini, ông bước ra sân khấu với đôi chân tập tễnh. Nhiều tiếng la ó nổi lên vì khán giả nghĩ ông đang đùa cợt. Ông tiến lên phía trước, mặt hơi tái vì vết thương và đứng yên lặng giây lát. Chợt Paganini nghiêng người đặt cây đàn lên vai, những âm thanh vút lên, tiếng xì xào im bặt. Paganini đã trình bày phần mở đầu bản Sonat rất khó khăn bởi đau đớn, mệt mỏi và căng thẳng. Nhưng dần dần, ông bị lôi cuốn bởi những âm thanh do mình tạo ra. Paganini như quên đi chính bản thân mình, quên đi nỗi đau đớn về thể xác. Trong đầu ông, xung quanh ông chỉ còn tràn ngập những âm thanh. Đến cao trào của bản nhạc, khi Paganini kéo mạnh chiếc vĩ vào dây đàn, một tiếng khô khốc vang lên, một dây đàn bị đứt. Khán giả ồ lên nhưng họ lại nhanh chóng im lặng, bởi họ thấy Paganini chỉ thoáng dừng lại rồi tiếp tục chơi đàn như không có chuyện gì xảy ra. Thể hiện bản Sonat của Tartini trên cây đàn violon đủ 4 dây cũng đã là việc khó ngay với cả những nghệ sĩ bậc thầy. Khi đàn đứt một dây, việc đó càng khó gấp bội. Với ba dây còn lại, hai tay của Paganini buộc phải chuyển động nhanh hơn, vươn những quãng xa hơn để bù lại cho sự thiếu hụt đó. Dòng máu Paganini như trào sôi, khả năng phi thường của ông đã bùng lên trong hoàn cảnh khó khăn nhất. Bản nhạc kết thúc trong sự nghẹt thở của khán giả, họ vừa được chứng kiến sự xuất thần của nghệ sĩ người Italia.


Paganini lui vào trong sân khấu khi Maxell trình bày phần thi thứ hai, Maxell đang biểu diễn một sáng tác của mình. Paganini nhờ một người phục vụ đi tìm cho ông một chiếc dây đàn để thay chiếc bị đứt. Một lát anh ta quay lại và nói rằng không tìm được chiếc dây nào thay thế. Thế là, Paganini lại bước ra sân khấu để biểu diễn một sáng tác của mình khi cây violon chỉ còn 3 dây. Ông chơi khúc biến tấu theo chủ đề bài Carmagnole. Ông như một chiến binh trên chiến trường, đang mang trên mình những nỗi đau đớn về thể xác và sự hằn học của kẻ thù. Vũ khí của ông- cây đàn cũng không còn nguyên vẹn. Paganini hiểu rằng mình đang tham dự một cuộc thi khó nhăn nhất, căng thẳng nhất và ông cần phải chiến thắng. Với lòng dũng cảm, sự quyết tâm và tài năng âm nhạc đặc sắc, tiếng đàn vút lên làm sửng sốt khán giả. Họ nhận ra cây đàn của ông chỉ còn ba dây nhưng âm thanh của nó như được phù phép làm họ bị mê hoặc. Lần nữa, đến cao trào của khúc biến tấu, dòng âm thanh đang lên chỗ cao nhất, mạnh nhất thì dây đàn thứ hai lại đứt phựt. Cả nhà hát lặng đi, rồi như một làn sóng, người ta gào lên, dường như không ai còn giữ được bình tĩnh nữa. Số dây đàn càng thiếu thì người nghệ sĩ càng khó thể hiện được tư tưởng của tác phẩm. Nhưng Paganini vẫn thản nhiên, dường như ông đã biết trước được những thử thách đang đợi mình. Trong khó khăn tài năng của ông càng bộc lộ. Vả lại, đây là bản nhạc của ông, vì thế ông được thoả sức sáng tạo trên ba dây đàn mình có. Có lẽ chưa bao giờ người ta lại thấy một nghệ sĩ chơi đàn violon chỉ với 2 dây mà lại xuất sắc thế. Bản nhạc kết thúc trong sự ngạc nhiên đến tột độ, những tiếng la ó hoàn toàn bị át đi bởi tiếng vỗ tay vang dội.


Phần thi thứ ba cũng là phần cuối, cả hai nghệ sĩ cùng ra sân khấu. Paganini vẫn để nguyên chiếc đàn đứt hai dây, ông đàn một chủ đề ngắn để Maxell trình bày khả năng ứng tác của mình. Nghệ sĩ người Pháp chơi phần ứng tác rất hay và sáng tạo, ông ta xứng đáng nhận được những tràng vỗ tay, những lời tán thưởng từ khán giả. Nhưng với những người sành nhạc, như thế vẫn là chưa đủ. Họ đang chờ xem Paganini sẽ làm gì với cây đàn chỉ còn hai dây khi phải ứng tác trước chủ đề của Maxell. Macxel biết cây đàn của Paganini chỉ còn hai dây nhưng ông ta lại đưa ra một chủ đề rất hóc búa. Nét giai điệu với những âm luyến láy, những âm liền bậc và cả những quãng chạy hợp âm rất xa. Chủ đề vừa dứt, Paganini lướt nhanh chiếc vĩ trên dây đàn, ông tái hiện lại chủ đề rồi phát triển nó rất hay và độc đáo. Paganini thầm nghĩ rằng, ông sẽ chơi cho đến khi cây violon đứt hết dây, vì thế tiếng đàn vút lên vô cùng dữ dội, mạnh mẽ và táo bạo. Khán giả không ai còn ngồi yên trên ghế được nữa. Họ đứng cả dậy như bị thôi miên, mắt mở to dán chặt vào người nghệ sĩ đang say sưa chơi nhạc trên sân khấu. Ông ta dường như không phải là người bình thường, dường như có hàng trăm bàn tay, hàng trăm chiếc vĩ đang cùng điều khiển cây violon, làm cho dòng âm thanh phát ra như có hàng trăm cây đàn cùng hoà giọng. Tiếng đàn làm khán giả có một ảo giác ma quái, làm họ phấn khích đến điên rồ, hơi thở ngừng lại, tim đập đến mức hoảng loạn.


Âm thanh của khúc ứng tác đã kết thúc mà mọi người vẫn còn như chưa sực tỉnh. Mất một hồi lâu, những tràng vỗ tay và những tiếng kêu mới nổi lên như sấm, không còn nghe thấy gì ngoài tiếng vỗ tay. Giống như một chiến binh đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, khi tiếng vỗ tay vang lên cũng là lúc Paganini đã kiệt sức. Ông đã chơi đàn với tất cả sức lực của mình cả về tinh thần lẫn thể xác, chút năng lượng cuối cùng dường như đã cạn. Ông lảo đảo vì mất nhiều máu và căng thẳng, bàn chân đau buốt và tê dại, cây đàn suýt rời khỏi tay. Mọi người xô tới, nhưng Maxel đứng gần đó đã nhanh hơn, nghệ sĩ người Pháp đỡ lấy ông, cầm một tay Paganini giơ lên cao, dấu hiệu của người chiến thắng rồi dìu ông vào sau sân khấu. Sau cuộc thi thành công và vô cùng kì diệu đó, nhiều báo chí ở Italia, ở Pháp, ở Anh và nhiều nước châu Âu đã gọi Paganini là “Thầy phù thuỷ của cây đàn violon”. Chẳng nghệ sĩ nào nghĩ đến chuyện thi tài với Paganini nữa. Họ chỉ mong muốn được nghe tiếng đàn của ông, muốn bị thôi miên bởi tiếng đàn, muốn được run rẩy trước những cảm xúc kì lạ mà tiếng đàn mang đến. Người ta tin rằng, dù cây violon chỉ có một dây, ông vẫn có thể chơi hay hơn nhiều nghệ sĩ nổi tiếng với những cây đàn có đủ bốn dây.


Paganini nhanh chóng trở thành nghệ sĩ vĩ cầm giỏi nhất nước Ý. Từ năm 1810 đến 1828, ông bắt đầu sự nghiệp như một nghệ sĩ tự do, đi biểu diễn khắp đất nước. Ông có buổi công diễn lần đầu tiên ở Milan năm 1813, đó cũng là năm ông cho ra đời bản biến tấu xuất sắc Le streghe. Antonia Bianchi, một ca sĩ đi lưu diễn với Paganini năm 1825 đã sinh cho ông một cậu con trai, tên là Cyrus Alexander vào ngày 23 tháng 7năm 1825. Năm 1828, ông trở thành là một trong những nhạc công đầu tiên thực hiện các cuộc lưu diễn với tư cách một nghệ sĩ độc tấu. Năm năm tiếp theo là một chuỗi những thành công có một không hai trong lịch sử âm nhạc, cả một hành trình khắp châu Âu đầy thắng lợi. Trong hai năm rưỡi, từ tháng 8 năm1828 đến tháng 2 năm 1831 ông đã đến 40 thành phố ở Đức, Bohemia và Ba Lan. Hai chàng trai trẻ Chopin và Robert Schumann đã từng nghe Paganini biểu diễn violin. Trình độ của Paganini đúng là độc đáo và có một không hai, Goethe và Heine cũng là những người rất ngưỡng mộ tài năng của Paganini. Trong những năm từ 1831 đến 1834, Paganini tiếp tục đến biểu diễn ở London và Paris . Sau những thành công ở London và Scotland năm 1832, ông đã trở nên rất giàu có Những lịch trình biểu diễn dồn dập đã ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của Paganini, ông trở về Parma năm 1834. Ông định cư ở thành phố này và trở thành chỉ huy dàn nhạc trong cung điện của bà công tước Marie Louise.


Sau 3 năm này ông tiếp tục đi du lịch và biểu diền violin, sau đó quay trở lại Genova năm 1804, bắt đầu sáng tác một số tác phẩm. Thời gian này ông để ý tài năng của một cô bé học trò 7 tuổi của mình Catarina Calcagno, cô bé sau này trở thành nhạc công violin dàn nhạc giao hưởng rất nổi tiếng. Ông tái xuất hiện trước công chúng vào năm 23 tuổi: năm 1805, vùng Lucca bị Napoleon kiểm soát, ông trở thành nhạc trưởng cho em gái của Napoleon, Elisa Baciocchi, Công nương Lucca mỗi khi ông không đi diễn. Ông trở nên nổi tiếng với vai trò nghệ sĩ violin, xuất hiện lần đầu trước công chúng Milano năm 1813, Viên năm 1828, London và Paris năm 1831. Paganini là một trong những nhạc công đầu tiên, nếu không nói là người đầu tiên đi lưu diễn với vai trò nghệ sĩ độc tấu không có những nghệ sĩ khác đi kèm. Ông có khả năng thu hút đông đảo khán giả và trở thành một siêu sao giàu có.


Nhạc cụ ưa thích của ông là cây violin Il Cannone được làm năm 1742 bởi Giuseppe Antonio Guarnieri del Gesù, được ông đặt tên là The Cannon do với nó ông có thể tạo ra những âm hưởng mạnh mẽ. Các dây đàn gần như nằm trên một mặt phẳng, khác với phần lớn các loại violin khác đặt các dây theo hình vòng cung để tránh chạm phải các dây không mong muốn khi chơi đàn. Cách đặt dây của cây Il Cannone cho phép Paganini cùng lúc đánh 3 hoặc 4 dây cùng lúc. Cây Il Cannone bây giờ được trưng bày trong tòa thị chính thành phố Genova, mỗi tháng người trông giữ nó lấy ra chơi một lần, và cho các cầm thủ nổi tiếng thuê theo định kì. Năm 1833 tại Paris, ông đặt Hector Berlioz viết một bản viola concerto. Berlioz viết Harold in Italy nhưng Paganini chẳng bao giờ chơi bản nhạc. Sức khỏe ông suy giảm dần do ngộ độc thủy ngân có trong thuốc chữa bệnh giang mai thời đó. Bệnh tật làm ông mất khả năng chơi violin, ông ngừng diễn năm 1834. Ngày 27 tháng 5 năm 1840 ông mất tại Nice nước Pháp.


Paganini và kỹ thuật violin
Cầm thủ violin người Israel Ivry Gitlis nói: "Paganini là hiện tượng kì lạ chứ không là sự phát triển...đã có những vĩ cầm thủ (trước Paganini) và rồi là Paganini." Dù rằng các kĩ thuật Paganini sử dụng đã có trước đó nhưng phần lớn các tay violin đương thời vẫn chú tâm vào âm điệu và kĩ thuật kéo (gọi là "kĩ thuật tay phải" cho cầm thủ bộ dây) là hai vấn đề cơ bản cho vĩ cầm thủ cho đến ngày nay. Cụ thể: Arcangelo Corelli (1653-1713) được xem như là người cha của kĩ thuật violin, ông đã biến vai trò cây violin từ nhạc cụ chỉ ở trong dàn nhạc trở thành nhạc cụ đơn tấu. Khoảng trong thời gian đó khả năng biểu đạt phức điệu của cây violin được khẳng định bằng các tác phẩm như Sonatas and partitas dành cho violin đơn tấu BWV 1001-1006 của Johann Sebastian Bach (1685-1750). Còn các tay violin nổi danh khác như Antonio Vivaldi (1678-1741) and Giuseppe Tartini (1692-1770).


Mặc dù vậy tiến bộ của kĩ thuật violin vẫn chậm trong giai đoạn này. Kĩ thuật đòi hỏi sự nhanh nhẹn của ngón tay cũng như của cây vĩ vẫn không được thừa nhận và khuyến khích bởi những hội nghệ sĩ violin. Pietro Locatelli (1693-1746) sáng tác 24 bản caprice mà tại thời điểm viết ra rất khó để chơi, được xem như là cuộc khám khá thấu đáo đầu tiên các kĩ năng của cây violin. August Durand đã sáng tác những tác phẩm sử dụng bước đầu các hòa âm và cách móc dây bằng tay trái, cùng được xem như đã tìm ra những kĩ thuật trên. Như vậy có thể nghi ngờ rằng Paganini đã phát hiện ra những kĩ thuật tiên phong nhưng không nghi ngờ rằng ông là người đầu tiên phổ biến rộng rãi chúng ra trước công chúng và đưa vào những tác phẩm phổ thông. Paganini có khả năng chơi 3 quãng tám trên 4 dây trong khoảng 1 gang tay, cho đến nay vẫn còn xem như là bất khả thi. Các ngón tay dẻo và dài khác thường của ông được cho là hậu quả của hội chứng Marfan hay hội chứng Ehlers-Danlos. Các kĩ thuật ngón được xem là của ông gồm: chơi 2 nốt trên 2 dây cùng lúc (double stops), chơi quãng đôi, kĩ thuật móc tay trái mà ngày nay được các cầm thủ violin tập luyện thường xuyên.


Nghệ sỹ vĩ cầm người Đức Guhr đã sớm nhận ra những cách tân của Paganini trong kỹ thuật violin từ năm 1829. Chúng được tóm tắt lại với các kỹ thuật như sau :
- Scordatura : Lên lệch dây đàn, cho phép nghệ sỹ chơi một nốt khác mà không cần dịch ngón tay.
- Chơi vĩ bất thường : chẳng hạn như chơi nảy vĩ trên các dây.
- Pizzicato tay trái : cho phép nghệ sỹ chơi staccato (nốt giật) mà không cần sử dụng tay vĩ.
- Sử dụng các hòa âm mở rộng.
- Sử dụng dây Son trong tất cả các tác phẩm.
- Các ngón bấm bất thường.


Các kỹ thuật này đều đã tạo ra những âm thanh kỳ thú chưa từng có, gây nên sự phấn khích đặc biệt đối với khán giả. Ngày nay, sau những sự phát triển theo các phong cách của Josef Joachim và Eugène Ysaÿe, các kỹ thuật của Paganini như hòa âm dây kép, chơi song song các quãng tám (hoặc quãng mười) và pizzicato tay trái…, ở mức độ nào đó đã trở thành những bài tập thường xuyên của các nghệ sỹ đỉnh cao. Chính Paganini là người đầu tiên đã có ý tưởng căng dây cello cho đàn violin, tạo ra những hiệu quả âm thanh bất ngờ và ấn tượng cho cây đàn này, cây vĩ của ông cũng dài hơn bình thường. Ông thường xuyên có những buổi trình diễn đầy kỹ xảo và và sự phô diễn tài năng ngoạn mục tới mức kỳ lạ. Paganini cũng là một trong những nghệ sỹ đầu tiên chơi nhạc chỉ bằng trí nhớ mà không cần nhạc phổ. Người ta kể rằng, trong một buổi hòa nhạc ở Paris năm 1832, Paganini đã chơi một chương trong Sonata của ông với 12 nốt nhạc liền mạch trong một giây. Cây đàn của Paganini được biết đến với tên gọi Cannone Guarnerius, từ Cannone (súng đại bác) là do chính Paganini gọi để phản ánh những âm thanh rất lớn mà nó tạo ra. Các dây của nó gần như là ở trên cùng một mặt phẳng, điều này giúp cho Paganini có thể chơi đến ba, thậm chí bốn dây cùng một lúc. Cây đàn này là do một nhà buôn giàu có người Pháp đưa cho Paganini, nó đã trở thành một vật vô cùng quý giá đối với ông. Sau này cây đàn được Paganini truyền lại cho người dân thành Genoa, hiện nay nó vẫn được gìn giữ ở thành phố này như một bảo vật vô giá.


Trong thời gian Rossini sống tại Paris, một trong những người đồng hương thường xuyên viếng thăm nhà ông là Niccolò Paganini. Paganini rất hâm mộ opera của Rossini. Ngoài Biến tấu trên dây Sol nói trên, ông còn viết biến tấu trên chủ đề từ các vở opera khác của Rossini như Cenerentola và Tancredi. Lời đồn thổi rằng Paganini từng ở tù với cây đàn violon chỉ còn một dây duy nhất (dây Sol) có thể đúng hoặc sai. Nhưng rõ ràng rằng nhờ những bài luyện tập mà một trong số đó là chơi đàn chỉ trên dây Sol mà Paganini có thể đạt tới trình độ diễn tấu chuẩn xác vô song ở thời mình. Việc hạn chế chỉ chơi trên dây Sol làm cho ngay cả các nốt cao cũng có màu sắc tối. Điều này có thể khiến các thính giả không tinh tường lầm tưởng rằng họ đang nghe âm nhạc phát ra từ một cây đàn viola. Sau đoạn Introduction không mấy đáng kể mà nghệ sĩ solo thường tự ý cắt bỏ, chủ đề giai điệu aria được trình bày dịu dàng. Phần âm nhạc tiếp theo ở giọng thứ mang đậm tính trữ tình, điển hình của opera bel canto - thể loại gợi nhiều cảm hứng cho Paganini, đặc biệt là trong các chương chậm. Sau khoảng 1 phần 3 thời lượng, nghệ sĩ solo phải sẵn sàng cho một vài biến tấu hóm hỉnh và làm thính giả mê mẩn. Biến tấu đầu tiên vui nhộn với những tiết nhạc bằng kỹ thuật mổ ngón liên tục. Biến tấu tiếp theo dựa vào những nét lướt bay bổng, đoạn sau nhanh hơn đoạn đầu.


Niccolo Paganini trở thành một trong những “siêu sao” biểu diễn trước công chúng đầu tiên trong lịch sử âm nhạc. Ở Leipzig, nhà sư phạm piano nổi tiếng Friedrich Wieck, bố của Clara Schumann, đã viết trong nhật ký: “Trong rất nhiều lĩnh vực biểu diễn, quả thực là chưa từng có một nghệ sĩ nào có được tài năng vô song và vĩ đại như Paganini”. Mendelssohn đã viết cho nghệ sĩ piano Ignaz Moscheles: “Sự biểu diễn hoàn hảo đến mức lạ lùng của Paganini đã vượt ra khỏi mọi khái niệm. Đại văn hào Đức Goethe nói:“Tôi thậm chí đã không có đủ căn cứ để gọi đó là những áng mây hay những tia nắng mặt trời. Bởi vì, tôi đã cảm nhận được một điều gì đó vụt qua, kỳ diệu như sao băng và không có đủ thời gian để hiểu được nó”. Niccolo Paganini có ảnh hưởng cơ bản đến nền âm nhạc thế kỷ 19 và là cha đẻ của kỹ thuật violin hiện đại. Những nhà soạn nhạc tài danh Liszt, Schumann và Berlioz đã tiếp thu những kỹ thuật mang đầy tính của Paganini trong việc tìm tòi và phát triển các cách thể hiện tốt hơn trong những tác phẩm của họ. Việc viết âm nhạc cho violin đã bị thay đổi một cách cơ bản kể từ thời Paganini. Ngày nay, Niccolo Paganini được người ta nhắc đến như một biểu tượng thiên tài của kỹ thuật và nghệ thuật đàn violin.


Ảnh hưởng của Paganini
Âm nhạc dành cho violin đã thay đổi nhiều từ khi có Paganini. Ngay từ thời trẻ, Paganini đã có khả năng dùng violin bắt chước những âm thanh khác như tiếng sáo, tiếng chim..., bởi tính gợi tưởng tượng phong phú sinh động, những tác phẩm của Paganini không được xem là phức điệu thực sự. Eugène Ysaÿe từng phê phán rằng nhạc đệm cho nhạc của Paganini "quá giống guitar", thiếu các yếu tố của phức điệu. Ngoài ra ông còn đưa âm sắc của nhạc cụ violin lên mức trước đây chưa từng có. Phần dành cho giàn nhạc trong các tác phẩm của Paganini rất khiêm tốn, chủ yếu măng tính chất hỗ trợ. Các nhà phê bình cho rằng các tác phẩm concerto của Paganini dài dòng và công thức. Phần nhạc dành cho violin trong các bản concerto được ông giữ bí mật. Ông không bao giờ biểu diễn hết các đoạn violin trong khi tập thử. Sau khi ông mất chỉ có 2 trong số đó được xuất bản.


Người thừa kế của Paganini đã rất dè dặt, cẩn trọng khi phát hành các bản concerto. Cho đến nay đã xuất bản tổng cộng 6 bản trong đó 2 bản cuối mất phần dành cho dàn nhạc. Các tác phẩm riêng tư dành cho guitar và các nhạc cụ dây, đặc biệt là violin, chưa bao giờ trở thành các tiết mục trình tấu chuẩn. Paganini đã phát triển thể loại biến tấu giao hưởng cho violin trên nét chính là sử dụng chủ đề đơn giản ngây thơ cộng với các biến tấu lời trữ tình. Paganini ảnh hưởng đến nhiều nhà soạn nhạc xuất chúng khác. Bản "La Campanella" và bản caprice số 24 được nhiều nhà soạn nhạc dựa viết các khúc biến tấu, trong số đó có Franz Liszt, Johannes Brahms, Sergei Rachmaninoff, Boris Blacher, Andrew Lloyd Webber, George Rochberg và Witold Lutosławski và nhiều người khác nữa.


Cuộc đời và sự nghiệp của Nicolo Paganini bị bao phủ bởi rất nhiều những chuyện đồn đại, thêu dệt đầy hoang đường và bí hiểm. Tất cả đều bắt nguồn từ tài năng siêu phàm và phong cách biểu diễn lập dị của ông. Paganini đã sống trong một xã hội có cả sự khâm phục, ngưỡng mộ lẫn những thói tò mò, mê tín, ganh ghét và đố kị. Người ta đã gắn cho Paganini tất cả những danh hiệu, như “quỷ satan”, “con trai của phù thủy”, “kẻ bán linh hồn cho quỷ”…, để nhằm giải thích cho khả năng chơi đàn có một không hai của ông, đó là khả năng chơi đàn mà dường như một con người không thể đạt tới được. Lúc đầu, chính Paganini lại cảm thấy thích thú với những lời đồn đại đó và thậm chí ông còn tận dụng chúng để lôi cuốn những khán giả tò mò bằng cách tự thể hiện một phong cách tà ma và bí hiểm. Ông thường đến các buổi hòa nhạc bằng những cỗ xe ngựa đen với những con ngựa đen, và chính mình cũng mặc đồ đen. Ông đã từng xuất hiện trên sân khấu với mái tóc đen dài, khuôn mặt xanh tái, hàm răng bị gẫy một chiếc, phong thái mờ ảo và đáng sợ. Trong lúc chơi đàn, đôi mắt của ông trợn ngược lại phía sau, đung đưa vóc người gầy guộc với mái tóc xõa rối bời.


Tài năng siêu phàm của Paganini thực tế là nhờ vào năng khiếu thiên bẩm và quá trình tập luyện gian khổ mà có được. Sau này có một số người đã đưa ra những giải thích trên phương diện sinh lý học về những năng lực bất thường của Paganini, họ cho rằng đó là kết quả của hội chứng Marfan hoặc hội chứng Ehler-Danlos, những hội chứng liên quan đến sự làm tăng thêm tính ưu việt trong một số kỹ năng của con người. Trong những năm cuối đời, Paganini cảm thấy quá mệt mỏi về những lời đồn đại ngớ ngẩn và hoang đường, ông tìm cách để xua tan chúng nhưng đã quá muộn. Vào lúc từ biệt cõi đời, Paganini đã từ chối việc làm lễ rửa tội ở nhà thờ. Điều đó đã làm tăng thêm những lời đồn đại cay nghiệt về ông. Paganini đã không thể được an táng một cách thông thường, thi hài ông được cất giữ trong một tầng hầm trong suốt 5 năm mãi cho đến khi gia đình ông tìm được cách để chôn cất. Nicolo Paganini là một con người bất tử trong lịch sử âm nhạc cũng như lịch văn hóa thế giới. Tài năng của ông đã chứng minh cho năng lực dường như bất tận của con người trên con đường vươn tới những đỉnh cao của nghệ thuật và trình độ văn minh.


Các sáng tác chính của Paganini bao gồm 24 caprices (xuất bản năm 1820) cho violin độc tấu, 12 sonata cho violin và guitar, 6 concerto cho violin, 6 tứ tấu cho violin, viola, cello và guitar. Đồng thời là một nghệ sĩ guitar bậc thầy, Paganini cũng đã sáng tác hơn 200 tác phẩm cho nhạc cụ này, và chính ông đã từng nói rằng: “Tôi là vua của đàn violin, song đàn guitar lại là hoàng hậu của tôi”. Các phần dàn nhạc trong các tác phẩm của Paganini là khá tao nhã, trau chuốt, có lề luật. Paganini đã mang lại những kỹ thuật mới vượt trội cho cho các nghệ sĩ và các nhà soạn nhạc. Chính ông đã thực hiện những đột phá táo bạo trong lĩnh vực trình diễn violon, tạo nên ảnh hưởng mạnh mẽ đến những nghệ sĩ vĩ cầm danh tiếng sau này như Ernst, Biriot, Vieuxtemps.


Cuộc đời và sự nghiệp của Niccolo Paganini bị bao phủ bởi rất nhiều những chuyện đồn đại, thêu dệt đầy hoang đường và bí hiểm. Tất cả đều bắt nguồn từ tài năng siêu phàm và phong cách biểu diễn lập dị của ông. Paganini đã sống trong một xã hội có cả sự khâm phục, ngưỡng mộ lẫn những thói tò mò, mê tín, ganh ghét và đố kỵ . Người ta đã gắn cho Paganini tất cả những danh hiệu, như “quỷ satan”, “con trai của phù thủy”, “kẻ bán linh hồn cho quỷ”…, để nhằm giải thích cho khả năng chơi đàn có một không hai của ông, đó là khả năng chơi đàn mà dường như một con người không thể đạt tới được. Tài năng siêu phàm của Paganini thực tế là nhờ vào năng khiếu thiên bẩm và quá trình tập luyện gian khổ mà có được Tài năng của ông đã chứng minh cho năng lực dường như bất tận của con người trên con đường vươn tới những đỉnh cao của nghệ thuật.




Mặc dù sáng tác nhiều, song nhắc tới Nicolo Paganini là người ta nhắc tới trước nhất một trong những nghệ sĩ violin vĩ đại trong lịch sử. Có người xếp Paganini ở vị trí số 1, dù rằng hậu thế không ai có thể kiểm chứng được điều này khi mà ở thời Paganini "làm mưa làm gió", nhân loại chưa phát minh ra máy ghi âm để ghi lại các tác phẩm ông trình diễn. Chỉ có điều, một con người nổi tiếng khó tính và sành nghệ thuật như đại thi hào Đức Goethe, khi được chứng kiến một chương trình biểu diễn của Paganini đã phải thốt lên: "Tôi thậm chí đã không có đủ căn cứ để gọi đó là một áng mây hay những tia nắng mặt trời. Bởi vì, tôi đã cảm nhận được một điều gì đó vụt qua, kỳ diệu như sao băng và không có đủ thời gian để hiểu được nó".
Suốt 58 năm trên cõi đời, Paganini chưa một lần chính thức lập gia đình. Song trong một chuyến lưu diễn cùng nữ danh ca Antonia Bianchi, ông đã nảy sinh tình cảm với nàng và vào ngày 23/7/1825, Bianchi đã sinh hạ cho nhà danh cầm một cậu con trai (sau này là hầu tước Arsilino Paganini).


Những ngày cuối đời, sống trong cảnh ốm o tật bệnh, Paganini nhiều lúc cũng muốn lên tiếng cải chính những điều thiên hạ từng đồn thổi về mình, cũng như những điều huyễn tưởng do chính bản thân ông góp phần gây dựng nên. Tuy nhiên, mọi sự đã muộn. Trước khi giã biệt cõi đời, Paganini còn từ chối việc làm lễ rửa tội ở nhà thờ. Điều này vô tình càng làm cho Giáo hội vốn sẵn ác cảm càng thêm có cái nhìn cay nghiệt đối với ông. Thi hài Paganini vì thế đã không thể được an táng một cách bình thường mà phải cất giữ trong một tầng hầm nhiều năm. Mãi sau này, nhờ nỗ lực của người con hiếu thảo của ông, thi hài nhà danh cầm mới được đưa về mai táng tại quê hương.


Con quỷ với chiếc vĩ cầm Khúc biến tấu trên dây Sol
Người ta kể lại rằng, trong một buổi biểu diễn độc tấu, 3 trong số 4 dây đàn trên cây violon của Paganini bỗng lần lượt bị đứt. Đầu tiên là dây Mi, rồi đến dây La và cuối cùng là dây Rê. Không chịu bỏ cuộc hay thậm chí là tạm ngừng để thay dây đàn, Paganini đã chơi ngẫu hứng ngay trên dây đàn duy nhất còn lại dây Sol. Đây có thể là sự thật hoặc chỉ là một trong những câu chuyện tưởng tượng kỳ khôi về nhà soạn nhạc và danh cầm huyền thoại người Ý Niccolò Paganini (1782 – 1840). Tuy nhiên, đúng là Paganini có sáng tác một bản nhạc chỉ dành cho dây Sol với những thách thức lớn trong kỹ thuật chơi khiến các nghệ sĩ violon e ngại để đảm bảo rằng tác phẩm sẽ hiếm khi được biểu diễn. Tên đầy đủ của Biến tấu trên dây Sol là Introduction and Variations on ‘Dal tuo stellato soglio" from Rossini"s "Mosè in Egitto". Nó có nghĩa là: Khúc mở đầu và các biến tấu trên aria "Lời nguyện cầu” rút từ vở opera Mosè ở Ai Cập của Rossini. Vở opera 3 màn Mosè in Egitto (Mosè ở Ai Cập) của Gioacchino Rossini được công diễn lần đầu vào năm 1818 và đã gây tiếng vang trên toàn châu Âu. Nó còn có phiên bản tiếng Pháp với tên gọi Moïse et Pharaon, ou Le passage de la Mer Rouge (Mosè và Pharaon, hay Cuộc băng qua biển Đỏ) và phiên bản tiếng Do Thái.


Biến tấu tiếp theo nữa là một vũ khúc nhỏ, sôi động và đòi hỏi các nốt cao nhất có thể chơi được trên dây Sol. Sau đó là một đoạn lặp lại ở tốc độ nhanh hơn với cách thức xử lý kỹ thuật tương tự. Ngoài phiên bản cho violon và dàn nhạc, Biến tấu trên dây Sol còn có phiên bản cho violon và guitar. Cây đàn guitar cũng là một nhạc cụ cực kỳ yêu thích của Paganini và ông dành cho nó khá nhiều sáng tác. Paganini viết: "Người ta gọi tôi là "vua của violon" nhưng guitar lại là hoàng hậu của tôi. Khi tôi soạn nhạc, tôi luôn dẹp cây violon ra bên cạnh vì đàn guitar gợi lên nhiều tưởng tượng hơn." Bởi thế, lời phàn nàn rằng phần đệm dàn nhạc hoặc piano trong các tác phẩm của Paganini "quá mang tính guitar" mà thiếu mất đặc trưng phức điệu không phải là không có lý.

Variations on G string


Concerto No.1


Concerto No.2


Concerto No.3


Concerto No.4


Concerto No.5


Concerto No.6


La Campanella


Violin Sonata No.6


Capriccio No.24 en La menor


The Best of Paganini




No comments: