Friday, November 28, 2014

Bach (1685-1750)


Johann Sebastian Bach (21 tháng 3, 1685 - 28 tháng 7, 1750) là nhà soạn nhạc, nghệ sĩ organ, vĩ cầm, đại hồ cầm, và đàn harpsichord người Đức thuộc thời kỳ Baroque (1600- 1750). Johann Sebastian Bach mồ côi mẹ lúc 8 tuổi; tám tháng sau cha của Bach cũng mất. Lúc nhỏ, Johann Sebastian Bach được cha; rồi sau đó, chú và một người anh dạy nhạc. Nhờ kỹ năng điêu luyện trong cấu tạo đối âm, hòa âm, và tiết tấu, cũng như khả năng điều tiết nhịp điệu, hình thái, và bố cục âm nhạc nước ngoài, nhất là từ Ý, và Pháp, Bach đã góp phần làm giàu nền âm nhạc Đức. Nhiều sáng tác của Bach vẫn còn được yêu thích cho đến ngày nay như Brandeburg Concertos, Mass cung Si thứ, The Well-Tempered Calvier, những bản cantata, những bài hợp xướng, những partita, passion, và những bản nhạc dành cho organ. Âm nhạc của Bach được xem là có chiều sâu trí tuệ, đáp ứng những yêu cầu chuyên môn, và thấm đẫm nét đẹp nghệ thuật.
Bach chào đời ở Eisenach, Saxe-Eisenach, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc; thân phụ ông, Johann Ambrosius Bach, phụ trách âm nhạc cho thị trấn, tất cả chú bác của ông đều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Cậu bé Bach được bố dạy chơi vĩ cầm, harpsichord, chú Johann Christoph Bach dạy chơi clavichord và giới thiệu về âm nhạc đương đại. Bach đến học ở Trường St Michael tại Lüneburg nhờ khả năng xướng âm của cậu. Sau khi tốt nghiệp, Bach giữ một vài vị trí chuyên trách âm nhạc trên nước Đức: giám đốc âm nhạc cho Leopold, Hoàng tử Anhalt- Köthen; nhạc trưởng ở nhà thờ St Thomas tại Leipzig; và nhà soạn nhạc cung đình cho August III. Từ năm 1749, sức khỏe và thị lực của Bach bị suy giảm, đến ngày 28 tháng 7, 1750, ông từ trần. Các sử gia đương đại tin rằng Bach chết do biến chứng của cơn đột quị và do bệnh phổi.
Sinh thời, dù được trọng vọng khắp Âu châu như là một nghệ sĩ organ tài năng, mãi đến nửa đầu thế kỷ 19 Bach mới được nhìn nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại khi người ta bắt đầu quan tâm đến tài năng âm nhạc của ông. Ngày nay, ông được xem là một trong những nhà soạn nhạc có nhiều ảnh hưởng nhất của thời kỳ Baroque, và là một trong số những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất từ trước đến nay.


Cuộc đời
Thời thơ ấu (1685 – 1703)
Johann Sebastian Bach sinh tại Eisenach, Saxe-Eisenach ngày 21 tháng 3, 1685, là con trai của Johann Ambrosius Bach, phụ trách âm nhạc cho thị trấn, và Maria Elisabeth Lämmerhirt. Cậu là con thứ tám của Johann Ambrosius, (con trai đầu của ông được 14 tuổi khi Bach ra đời), người đã dạy Bach chơi vĩ cầm cũng như lý thuyết âm nhạc căn bản. Các chú bác của Bach đều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp như nghệ sĩ organ cho nhà thờ, nhạc sĩ cung đình, và nhà soạn nhạc. Chú Johann Christoph Bach dạy Bach chơi organ, một người anh họ của Bach, Johann Ludwig Bach, là nhà soạn nhạc và nghệ sĩ organ nổi tiếng. Khoảng năm 1735, Bach soạn một quyển gia phả tựa đề "Nguồn gốc gia đình âm nhạc Bach".
Mẹ của Bach mất năm 1694, tám tháng sau cha cậu cũng qua đời. Bach, mới 10 tuổi, đến sống với người anh cả, Johann Christoph Bach, nghệ sĩ đàn organ tại Nhà thờ Michael ở Ohrdruf, Saxe-Gotha-Altenburg. Ở đây, người anh dạy cậu em chơi đàn clavichord, và giới thiệu các tác phẩm của những nhà soạn nhạc bậc thầy thời ấy như Johann Pachelbel (từng là thầy của Johann Christoph), Johann Jakob Froberger,[3] Jean-Bapiste Lully, Louis Marchand, Marin Marais, và Girolamo Frescobaldi. Cũng trong thời gian này, cậu đến trường để học thần học, tiếng La-tinh, Hi văn, tiếng Pháp, và tiếng Ý.
Lúc 14 tuổi, Bach nhận học bổng để theo học tại Trường St Michael danh giá ở Lüneburg. Cùng với việc học biết về nền văn hóa châu Âu, Bach hát trong ca đoàn, chơi đàn organ và harpsichord. Cậu cũng có cơ hội tiếp xúc với các con trai của những nhà quý tộc từ miền Bắc nước Đức đến học những môn học khác trong trường. Là một tài năng âm nhạc, Bach có dịp gặp gỡ những nghệ sĩ organ xuất sắc thời ấy ở Lüneburg, Böhm, và khu vực gầnHamburg như Johann Adam Reincken.


Weimar, Arnstadt, và Mühlhausen (1703–08)
Tháng 1, 1703, sau khi tốt nghiệp Bach nhận lời chơi đàn organ cho thị trấn Sangerhausen, rồi được bổ nhiệm làm nhạc sĩ cung đình tại nhà nguyện của Công tước Johann Ernst ở Weimar. Nhiệm vụ của ông không rõ ràng, nhưng chắc chắn phải làm những công việc không liên quan đến âm nhạc như hầu bàn. Tuy nhiên, trong bảy tháng ở Weimar, Bach trở thành nghệ sĩ organ nổi tiếng, ông được mời kiểm tra và biểu diễn với chiếc đàn organ mới ở Nhà thờ St Boniface tại Arnstadt, khoảng 40 km tây nam Weimar. Tháng 8, 1703, ông đến nhận việc tại St Boniface với nhiệm vụ nhẹ nhàng và khoản lương khá hậu hĩnh, và một chiếc đàn tốt còn mới.
Năm 1706, Bach đến chơi đàn organ cho Nhà thờ St Blasius ở Mühlhausen với thù lao, điều kiện làm việc, và ca đoàn đều tốt hơn. Bốn tháng sau, Bach kết hôn với Maria Barbara. Bốn trong số bảy người con của họ sống đến tuổi trưởng thành, trong đó có Wilhelm Friedemann Bach, và Carl Philipp Emanuel Bach, cả hai đều là những nhà soạn nhạc xuất sắc. Bach thuyết phục nhà thờ và hội đồng thành phố cấp một số tiền lớn để tân trang chiếc đàn organ của nhà thờ; đổi lại, Bach sáng tác một bản cantata lễ hội - Gott ist mein König, BWV 71- cho lễ nhậm chức của hội đồng trong năm 1708. Hội đồng cho phát hành, và tác phẩm là một thành công vang dội.


Trở lại Weimar (1708 – 17)
Năm 1708, Bach rời Mühlhausen trở lại Weimar, lần này ông vừa chơi đàn organ vừa giữ vị trí vĩ cầm chính cho dàn nhạc hòa tấu tại cung điện công tước; tại đây, ông có cơ hội làm việc với nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp. Năm sau, con đầu lòng của Bach ra đời, chị của Maria Barbara đến sống chung và giúp đỡ vợ chồng Bach cho đến khi bà qua đời năm 1729.
Tại Weimar, Bach khởi sự soạn những bản hòa tấu và nhạc dành cho bộ gõ, cũng như tiếp tục sáng tác và trình diễn đàn organ, và hòa tấu cho ban đồng diễn của công tước. Ông cũng viết những khúc nhạc dạo và tấu pháp về sau được đưa vào kiệt tác Das Wohltemperierte Clavier của ông. gồm hai quyển biên soạn năm 1722 và 1744.
Cũng tại Weimar, Bach soạn quyển "Organ cho Trẻ em" dành cho con trai đầu của ông, Wilhelm Friedmann, gồm những bản thánh ca Lutheran được soạn lại với cấu trúc phức tạp hơn được dùng để dạy đàn organ. Lúc ấy, những nhà âm nhạc học tranh luận xem bản cantata Giáng sinh Christen, ätzet diesen Tag, BWV 63, nên được trình diễn ở Halle năm 1713, hay nên đợi đến lễ kỷ niệm hai trăm năm cuộc Cải cách Kháng Cách tổ chức năm 1717.
Dần dà, Bach không còn được hâm mộ ở Weimar, theo bản tường trình của một thư ký tòa án, ông bị bắt giam khoảng một tháng trước khi bị đuổi việc.


Köthen (1717–23)
Năm 1717, Leopold, Hoàng tử xứ Anhalt-Köthen, thuê Bach làm giám đốc âm nhạc. Hoàng tử Leopold, cũng là một nhạc sĩ, trân trọng tài năng của Bach, trả lương hậu hĩnh, và để ông tự do trong sáng tác và trình diễn. Hoàng tử là người theo Thần học Calvin không cầu kỳ trong việc sử dụng âm nhạc trong thờ phượng, do đó, hầu hết sáng tác của Bach trong giai đoạn này không liên quan đến các chủ đề tôn giáo như Orchestra Suites, Six Suites for Unaccompanied Cello, Sonatas and Partitas for Solo Violin, và Brandenburg Concertos. Bach cũng soạn những bản cantata cho triều đình như Die Zeit, die Tag und Jahre macht, BWV 134a.
Mặc dù cùng tuổi, ngưỡng mộ nhau, và sống cách nhau chỉ 80 dặm, Bach và Handel chưa bao giờ gặp nhau. Năm 1719 Bach đi 20 dặm từ Köthen đến Halle để gặp Handel nhưng lại nhằm lúc Handel vừa rời khỏi thành phố. Năm 1730, con trai của Bach, Friedmann đi Halle để mời Handel đến thăm gia đình Bach ở Leizig, nhưng rồi chuyến viếng thăm chẳng bao giờ thực hiện được.
Ngày 7 tháng 7, 1720, khi Bach đang ở nước ngoài với Hoàng tử Leopold, vợ của Bach đột ngột qua đời. Năm sau, ông gặp Anna Magdalena Wilcke, một ca sĩ tài năng giọng nữ cao nhỏ hơn Bach 17 tuổi, lúc ấy đang trình diễn tại triều đình ở Köthen; ngày 3 tháng 12, 1721, hai người kết hôn. Tổng cộng họ có đến 13 người con, trong đó sáu người sống đến tuổi trưởng thành: Gottfried Heinrich, Johann Christoph Friedrich, Johann Christian, cả ba đều là những nhạc sĩ tài danh; Elisabeth Juliane Friederica (1726–81), kết hôn với học trò của Bach, Johann Christoph Altniko; Johanna Carolina (1737–81); và Regina Susanna (1742–1809).


Leipzig (1723–50)
Năm 1723, Bach được bổ nhiệm phụ trách âm nhạc cho Trường St Thomas thuộc Nhà thờ St Thomas tại Leipzig, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc Âm nhạc cho ba nhà thờ chính trong thành phố: Nhà thờ St Nikolai, Nhà thờ St Pauline, và Nhà thờ Đại học Leipzig. Đây là một vị trí được trọng vọng tại một trung tâm thương mại của Saxony, ông phục vụ ở đây suốt 27 năm cho đến khi qua đời.
Công việc của Bach là dạy hát cho học sinh Trường St Thomas và soạn nhạc cho các nhà thờ chính ở Leipzig. Bach cũng dạy tiếng La-tinh, và được phép sử dụng một phụ tá để thay thế ông trong nhiệm vụ này khi cần thiết. Người ta yêu cầu ông soạn một bản cantata cho mỗi lễ Chủ nhật, và cho những ngày lễ khác trong năm. Bach cũng thường trình diễn những bản cantata của riêng ông, hầu hết đều được sáng tác trong ba năm đầu ông đến sống ở Leipzig. Phần lớn những sáng tác hòa tấu dẫn ý từ những chương phúc âm đọc trong lễ thờ phượng mỗi Chủ nhật và những ngày lễ được ấn định trong lịch giáo nghi của Giáo hội Luther.
Bach tuyển các giọng nữ cao và giọng nữ trầm từ Trường St Thomas, giọng nam cao và nam trầm từ trong và ngoài trường. Ca đoàn thường hát cho lễ thành hôn và tang lễ để kiếm thêm thu nhập; có lẽ vì mục đích này cũng như cho chương trình đào tạo của nhà trường mà Bach viết ít nhất là sáu motet (đoản khúc), năm trong số đó được soạn cho ca đoàn. Trong nhà thờ, Bach thường trình bày các đoản khúc của những nhà soạn nhạc khác.
Không chỉ sáng tác và trình diễn trong các thánh lễ, tháng 3 năm 1729, Bach nhận lời làm giám đốc Collegium Musicum, chương trình trình diễn do nhà soạn nhạc Georg Philipp Telemann khởi xướng. Đây là một trong số hàng tá những tổ chức tư nhân hình thành tại các thành phố nói tiếng Đức do các sinh viên đại học yêu thích âm nhạc thành lập, ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên đời sống âm nhạc của các thành phố, và thường được đặt dưới sự lãnh đạo của những nhạc sĩ chuyên nghiệp có uy tín. Theo nhận xét của Christoph Wolff, vị trí giám đốc đã giúp "củng cố ảnh hưởng của Bach trên các định chế âm nhạc then chốt tại Leipzig". Quanh năm,Collegium Musicum của Leipzig tổ chức những buổi trình diễn tại những địa điểm như Zimmermannsches Caffeehaus, một quán cà phê trên đường Catherine bên ngoài quảng trường chính. Nhiều sáng tác của Bach trong hai thập niên 1730 và 1740 được trình diễn bởi Collegium Musicum; trong số đó có những bài Clavier-Übung (thực hành bộ gõ) và nhiều bài viết cho hòa tấu violin và harpsichord.


Năm 1733, Bach sáng tác Kyrie và Gloria trong Mass cung Mi thứ. Ông trình bản thảo cho Vua Ba Lan, Đại Công tước Lithuania và Tuyển đế hầu Saxony, August III; dần dà ông giành được sự tín nhiệm của nhà vua và được phong chức Nhà Soạn nhạc Hoàng cung. Về sau ông phát triển sáng tác ấy thành bài Mass bằng cách thêm vào một Credo, Sanctus và Agnus Dei.
Địa vị Bach đạt được tại hoàng triều là một phần trong cuộc đấu tranh lâu dài với Hội đồng Thành phố Leipzig. Mặc dù toàn bộ tác phẩm Mass chưa lần nào được trình diễn khi Bach còn sống, Mass được xem là một trong những bản hợp xướng vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Giữa năm 1737 và 1739, một học trò cũ của Bach, Carl Gotthelf Gerlach đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Collegium Musicum.
Năm 1747, Bach đến thăm triều đình Vua Friedrich II của Phổ (Friedrich Đại đế) tại Potsdam. Nhà vua chơi một đoạn nhạc và yêu cầu Bach sáng tác ngẫu hứng một khúc fugue dựa trên nền nhạc ấy. Bach soạn liền ba khúc fugue trên chiếc đàn piano của Friedrich, và từ sáng tác ngẫu hứng ấy, Bach trình nhà vua một tặng phẩm âm nhạc gồm những khúc fugue, canon và một trio dựa trên nền nhạc nhà vua đã chọn.
Cũng trong năm ấy, Bach gia nhập Correspondierende Societät der musicalischen Wissenschaften của Lorenz Christoph Mizler sau một thời gian dài chuẩn bị như là một thủ tục cần thiết để gia nhập hội. Mizler gọi người thầy cũ là một trong những "guten Freunde und Gönner" (người bạn và người đỡ đầu tốt) của ông". Việc gia nhập này là quan trọng bởi vì Mizler là một đại biểu nhiệt thành của trào lưu Khai sáng tại Đức và Ba Lan. Tư cách hội viên của Bach cũng có một số tác dụng. Vào dịp này, ông sáng tác Einige canonische Veraenderungen, / über das / Weynacht-Lied: / Vom Himmel hoch da / komm ich her (BWV 769). Năm 1746, trong giai đoạn chuẩn bị nhập hội, Elias Gottlob Hausmann vẽ bức chân dung nổi tiếng của Bach. Mỗi thành viên đều phải nộp một bức chân dung. The canon triplex á 6 voc. (BWV 1076) viết về bức chân dung được đề tặng cho hội.
Tác phẩm cuối cùng của Bach là phần dạo đầu bài thánh ca cho organ tựa đề Vor deinen Thron tret ich hiermit (Con về chầu trước bệ ngai Ngài, Bach-Werke-Verzeichnis|BWV 668a), sáng tác trước khi qua đời, được đề tặng cho con rể của ông, Johann Christoph Altnickol. Khi đếm những nốt trên ba khuông nhạc của đoạn kết và xếp chúng theo mẫu tự Roman sẽ xuất hiện ba chữ cái tên của ông "JSB".


Từ trần (1750)
Từ năm 1749, sức khỏe của Bach bắt đầu suy giảm; ngày 2 tháng 6, Heinrich von Brühl viết thư cho một trong những nhà lãnh đạo thành phố Leipzig yêu cầu để giám đốc âm nhạc của ông, Gottlob Harrer, thay thế các vị trí của Bach "trong trường hợp Ông Bach qua đời." Dần dà, Bach bị mù mắt, nhà phẫu thuật mắt người Anh, John Taylor, phẫu thuật cho Bach vào dịp Taylor ghé thăm Leipzig trong tháng 3 hoặc tháng 4, 1750.
Ngày 28 tháng 7, 1750, Bach từ trần, hưởng thọ 65 tuổi. Một tờ báo cho rằng "hậu quả tai hại của một cuộc phẫu thuật mắt không thành công" đã gây ra cái chết. Các sử gia đương đại suy đoán rằng nguyên nhân cái chết là một cơn đột quị do biến chứng từ bệnh lao. Con trai Emanuel, và học trò Johann Friedrich Agricola, viết điếu văn cho Bach.
Tài sản của Bach để lại gồm có năm đàn Clevecin, hai đàn lute-harpsichord, ba cây đàn vĩ cầm, hai đàn đại hồ cầm, hai cello, một viola da gamba, một đàn lute và một đàn spinet, cùng 52 quyển "sách thiêng", trong đó có các tác phẩm của Martin Luther và Josephus.
Bach được an táng tại Nghĩa trang Old St John ở Leipzig. Phần mộ của ông bị lãng quên trong gần 150 năm. Đến năm 1894, cuối cùng người ta cũng tìm thấy quan tài của Bach và được dời đến Nhà thờ St John. Trong thời kỳ Đệ nhị thế chiến, ngôi giáo đường này bị Đồng minh đánh bom, năm 1950, di hài của Bach được chôn cất tại Nhà thờ St Thomas ở Leipzig.


Di sản
Lúc còn sống, Johann Sebastian Bach nổi tiếng khắp Âu Châu về tài đánh đàn phong cầm. Bên cạnh việc trình diễn và dạy nhạc, Johann Sebastian Bach cũng sáng tác. Ông viết 1.126 tác phẩm, gần như đủ mọi thể loại âm nhạc cổ điển, ngoại trừ opera; tuy nhiên không mấy người cùng thời với Bach đánh giá cao tài năng sáng tác của ông. Trước hết, nhạc của Johann Sebastian Bach nhấn mạnh đến niềm tin nơi Đức Chúa Trời. Thứ hai, những người đương thời cho rằng nhạc của Johann Sebastian Bach thuộc trường phái xưa cũ, lỗi thời, không còn được yêu chuộng nữa.
Sau khi Johann Sebastian Bach qua đời, những bản cantatas của Bach được gói thành bó và bán chỉ khoảng 40 đô-la. Tấm bảng đồng về Nghệ Thuật Fugue bị đem nấu làm đồ phế thải. Những bản thảo viết tay của Bach được dùng làm giấy gói ở tiệm bán thịt và các tiệm bán hàng. Hai con trai của Johann Sebastian Bach là Karl Philipp Emanuel Bach và Johann Christian Bach, trong khi đó, lại nổi tiếng về khả năng soạn nhạc hơn cha.
Đến cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, một thế hệ nhạc sĩ xuất sắc xuất hiện tại Âu Châu. Các nhạc sĩ Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Fédéric Chopin, Robert Schumann và Felix Mendelssohn có dịp nghiên cứu nhạc của Bach và họ khám phá ra Johann Sebastian Bach là một bậc thầy trong nghệ thuật viết nhạc cho đàn phong cầm và đàn phím nói chung. Beethoven đã gọi Johann Sebastian Bach là “ông tổ của hòa âm.”
Dầu vậy, tài năng sáng tác của Johann Sebastian Bach vẫn chưa được công chúng biết đến cho tới khi Felix Mendelssohn cho trình bày tác phẩm The Passion According to St. Matthew vào năm 1829 tại Berlin. Năm 1833, tác phẩm The Passion According to St. John được giới thiệu trở lại với công chúng. Đây là những tác phẩm mà Johann Sebastian Bach viết về sự thống khổ của Chúa Giê-xu để trình bày vào dịp lễ Phục Sinh.
Sau khi hai tác phẩm trên được giới thiệu trở lại, công chúng hiểu rõ giá trị âm nhạc mà Johann Sebastian Bach đã sáng tác. Mặc dầu Bach không phát minh ra một thể loại nhạc hay phong cách mới nào, tuy nhiên điều độc đáo trong tác phẩm của Bach đó là người nghe có thể nhận thức được sự khoáng đạt của khái niệm, nhận biết sự vĩ đại của tác phẩm, khám phá những tư tưởng cao quý và cảm nhận tình cảm sâu lắng được thể hiện rất rõ ràng.
Đến năm 1850, Bach Society, hội những người yêu mến nhạc của Bach, được thành lập. Bach Society phải mất 46 năm để sưu tầm những tác phẩm của Johann Sebastian Bach. Mặc dầu nhiều tác phẩm bị thất lạc hoặc thiêu hủy, số tác phẩm còn lại của Bach được phát hành với 60 quyển. Từ đó, nhạc của Johann Sebastian Bach được trình diễn tại nhiều nơi trên thế giới.
Một bản tiểu sử chi tiết của Bach được Loren Christoph Mizler (một học trò cũ) ấn hành trên tạp chí âm nhạc Musikalische Bibliothek năm 1754, bốn năm sau khi Bach qua đời. Cho đến nay, bản tiểu sử này vẫn được xem là nguồn tư liệu ban đầu "phong phú nhất và khả tín nhất" về Bach.


Sau khi mất, danh tiếng của Bach như là một nhà soạn nhạc bị suy giảm; các sáng tác của ông bị xem là lỗi thời khi so sánh với thể loại nhạc cổ điển vừa mới xuất hiện. Lúc ấy, ông chỉ được nhớ đến như là một nhạc công và một thầy dạy nhạc.
Đến cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, tài năng của Bach được công nhận rộng rãi nhờ những sáng tác của ông cho bộ gõ. Mozart,Beethoven, Chopin, Robert Schumann, và Felix Mendelssohn là những tên tuổi được liệt kê trong danh sách những người ngưỡng mộ Bach; họ bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến kỹ năng đối âm sau khi tiếp xúc với âm nhạc của Bach. Beethoven miêu tả Bach là "Urvater der Harmonie", "cha đẻ của hòa âm". Thanh danh của Bach lan tỏa rộng một phần nhờ quyển tiểu sử Bach của Johann Nikolaus Forkel phát hành năm 1802. Felix Mendelssohn cũng đóng góp đáng kể cho nỗ lực phục hưng danh tiếng của Bach bằng cuộc trình diễn St Matthew Passion của Bach trong năm 1829 tại Berlin. Năm 1850, Bach Gesellschaft (Hội Bach) được thành lập để quảng bá các tác phẩm của ông; năm 1899 Hội đã phát hành một ấn bản toàn tập các sáng tác của nhà soạn nhạc với rất ít sửa đổi về biên tập.
Tiến trình nhìn nhận giá trị âm nhạc cũng như ảnh hưởng giáo dục một số tác phẩm của Bach tiếp diễn trong suốt thế kỷ 20, đáng kể nhất là nỗ lực của Pablo Casals quảng bá Cello Suites (tuyển tập sáu bài viết cho đàn cello) của Bach. Một đóng góp khác là phong trào "authentic" trình bày âm nhạc theo sát với chủ đích của nhà soạn nhạc, thí dụ như trình bày những bài viết cho bộ gõ với đàn harpsichord thay vì đàn piano lớn và sử dụng ca đoàn nhỏ hoặc giọng đơn ca thay vì những ca đoàn lớn và hùng hậu như thường thấy ở thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Âm nhạc của Bach thường được ví sánh với văn chương của William Shakespeare và thành quả khoa học của Isaac Newton. Trong thế kỷ 20 ở nước Đức, người ta đặt tên đường và dựng tượng để tôn vinh ông. Hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác, âm nhạc của Bach xuất hiện ba lần trong Đĩa ghi vàng Voyager, mang những hình ảnh, tư liệu, âm thanh, ngôn ngữ, và âm nhạc chọn lọc về Trái Đất, văn hoá nhân loại đi khắp vũ trụ, với hi vọng một ngày nào đó, một nền văn minh ngoài Trái Đất sẽ có thể nhận được nó. Nó được coi là một phần trong chương trình Voyager.


Phong cách âm nhạc
Johann Sebastian Bach là một tín hữu Tin Lành nhiệt thành. Trọng tâm của cuộc đời ông là viết nhạc và phục vụ Chúa. Khi Bach qua đời, tài sản của ông ngoài một số nhạc cụ, điều quý giá nhất mà ông đã gìn giữ là 52 cuốn sách về Cơ Đốc giáo và thần học; trong đó có những bộ giải nghĩa Kinh Thánh và thần học do Martin Luther biên soạn, và một cuốn Kinh Thánh tiếng Đức theo bản dịch của Martin Luther.
Johann Sebastian Bach là người rất yêu mến Chúa và kính sợ Chúa. Ngoài trách nhiệm làm nhạc trưởng, soạn nhạc và dạy nhạc cho học trò, ông cũng là người dạy giáo lý căn bản cho nhiều tín hữu tại nhà thờ St. Thomas. Johann Sebastian Bach là người thường xuyên đọc Kinh Thánh và hiểu biết Kinh Thánh tường tận. Trong rất nhiều tác phẩm của Bach, ông dùng nguyên văn Kinh Thánh trong tiếng Đức làm lời ca.
Johann Sebastian Bach thường viết trên các bản nhạc của mình những dòng chữ SDG, INJ và JJ, là chữ viết tắt của Soli Del Gloria (SDG) – vinh quang chỉ thuộc về Đức Chúa Trời, In Nomine Jesu (INJ) – trong danh Chúa Giê-xu, và Jesu Juva (JJ) – Chúa Giê-xu xin giúp con. Từ khi phong trào Cải Chánh diễn ra, người Tin Lành nhấn mạnh đến tư tưởng thần học: vinh quang chỉ thuộc về Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 13:16), là một tín hữu Tin Lành nhiệt thành Bach hiểu được điều đó. Bach cũng nhận biết vị trí của mình trên cõi đời và ông cầu xin Chúa giúp đỡ hướng dẫn mình trong cuộc sống (Ma-thi-ơ 15:25). Bach cũng biết mọi việc ông làm là vì danh Chúa (Cô-lô-se 3:17).
Khác với nhiều nhạc sĩ cổ điển, Johann Sebastian Bach dành trọn cuộc đời ông để viết nhạc thờ phượng Chúa. Phần lớn tác phẩm của Johann Sebastian Bach là thánh nhạc. Để dạy cho đứa con đầu lòng học đàn phong cầm, Johann Sebastian Bach đã viết một cuốn sách tựa đề Orgelbuchlein (Tiểu khúc cho đàn phong cầm) gồm 45 bài thánh ca ngắn của Giáo hội Lutheran, mà Bach viết phần hòa âm cho đàn phong cầm để con trai thực tập. Khi làm nhạc trưởng cho nhà thờ St. Thomas tại Leipzig, Johann Sebastian Bach đã viết hơn 300 cantatas, là những bài thánh ca để hát có cả phần hòa âm cho dàn nhạc phụ họa. Những cantatas này được sáng tác để trình bày trong giờ thờ phượng vào mỗi sáng Chúa Nhật. Johann Sebastian Bach lấy ý để viết các cantatas này từ Kinh Thánh và các sách giải nghĩa Kinh Thánh và thần học. Đến nay, các nhà nghiên cứu âm nhạc chỉ tìm lại được khoảng hơn 200 cantatas; số còn lại đã mất hoặc bi thiêu hủy. Một vài cantatas điển hình như Jesus Christ, the Son of God (Cantata No. 4), Christ Lay in the Bonds of Death (Cantata No. 104), Jesus, Joy of Man’s Desiring (Cantata No. 147). Bên cạnh đó, một số tác phẩm do Johann Sebastian Bach sáng tác được các nhà nghiên cứu đánh giá là những tác phẩm hay nhất từ trước cho tới nay trong nhạc cổ điển. Vài tác phẩm tiêu biểu gồm có The Passion According to St. John, The Passion According to St. Matthew, và Mass in B Minor.
Passion, giống như Oratorio, là một thể loại âm nhạc khá lớn bao gồm phần hòa tấu viết cho dàn nhạc, bài hát viết cho ban hợp xướng và bài hát cho các ca sĩ đơn ca. Trong Giáo hội Tin Lành, nội dung của Oratorio được trích từ các câu chuyện trong Kinh Thánh. Trong Giáo hội Công giáo, Oratorio được viết về đời sống các thánh. Nội dung của Passion khác với Oratorio là lời ca chỉ nói về sự hy sinh của Chúa Giê-xu mà thôi. Trong Passion, ca sĩ tenor đóng vai trò người dẫn chuyện. Khi thuật đến các nhân vật nào trong câu chuyện, ca sĩ giữ vai trò nhân vật đó, trình bày phần của mình qua các giai điệu dưới hình thức đơn ca (aria) hay điệp khúc (recitative). Ban hợp xướng, đóng vai trò của đám đông. Câu hát của ban hợp xướng như là lời bình phẩm về những điều đang diễn ra. Đôi khi, các tín hữu cùng phụ họa với ban hợp xướng làm tăng thêm cường độ của bản hòa tấu.


Phong cách âm nhạc của Bach lập nền trên kỹ năng của ông trong sáng tạo đối âm và kiểm soát nhạc tố, sự tinh tế của ông trong những đoạn ngẫu hứng, khả năng tiếp cận với âm nhạc Pháp, Ý, Bắc và Nam Đức, cũng như niềm đam mê tận hiến dành cho giáo nghi Lutheran. Từ khi còn bé, Bach đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhạc sĩ, sử dụng nhiều loại nhạc cụ, và khả năng sáng tác đã giúp ông phát triển một phong thái âm nhạc phóng khoáng và sung mãn. Từ giai đoạn 1713-14 trở về sau, ông học hỏi nhiều từ phong cách âm nhạc của người Ý.
Trong thời kỳ Baroque, nhiều nhà soạn nhạc chỉ viết phần khung rồi dành phần tôn tạo cho những người trình diễn. Phương pháp này được ứng dụng khác nhau trong các trường phái âm nhạc ở châu Âu; Bach ghi nốt cho hầu hết hoặc tất cả khung nhạc của ông, không còn chỗ cho trình diễn ngẫu hứng.
Bach được biết đến như một nhà soạn nhạc có khả năng kết hợp nhịp điệu của nhạc khiêu vũ Pháp, sự duyên dáng của ca khúc Ý, và sự tinh tế của kỹ thuật đối âm Đức – tất cả những đặc điểm này được thể hiện trong sáng tác của Bach. Song đối với Bach, âm nhạc không chỉ đơn thuần là âm nhạc; gần ba phần tư những sáng tác của ông tập chú vào các chủ đề tôn giáo. Nhiều người gọi Bach là "Người viết Phúc âm thứ năm"; ông còn được miêu tả như là "Nhà thần học viết bằng những phím đàn".
Bach có mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa của Cơ Đốc giáo theo truyền thống Lutheran; cùng lúc, chuẩn mực cao dành cho nền âm nhạc tôn giáo thời của ông đã giúp nhạc thánh chiếm vị trí trung tâm trong mục tiêu sáng tác của Bach. Ông là người mộ đạo chân thành và tận tụy, khi đang đảm trách vị trí nhạc trưởng tại Nhà thờ St Thomas ông cũng nhận lời dạy lớp giáo lý, và soạn nhạc dựa trên nội dung các bài giảng giáo lý; nhiều sáng tác của ông lập nền trên giai điệu hợp xướng thánh ca Lutheran. Cấu trúc qui mô lớn một số sáng tác của Bach cho nền thánh nhạc là chứng cứ thuyết phục về cung cách làm việc tinh tế, cần cù, và tỉ mỉ của ông. Lấy thí dụ, tác phẩm St Matthew Passion là câu chuyện kể cảm động và đầy kịch tích miêu tả sự thống khổ của Chúa Giê-xu - khởi đi từ bữa ăn cuối cùng với các môn đồ, bị phản bội, và bị bắt giữ trong vườn Gethsemane; rồi bị xét xử, bị đóng đinh trên thập tự giá, và được an táng - thông qua những đoạn rectative, aria, chorus, và chorale. Cấu trúc của Easter Oratori, BWV 249, cũng giống The Cruxifixion. Bach thường viết tắt SDG (Soli Deo Gloria – Vinh hiển chỉ thuộc về Thiên Chúa) vào cuối các bảng tổng phổ của ông.
Bach viết nhiều cho bộ gõ theo thang bậc từ continuo đến độc tấu với những harpsichord concerto và obbligato bộ gõ. Những đoạn độc tấu điêu luyện là yếu tố then chốt trong những tác phẩm khác của Bach như Prelude và Fugue cung Mi thứ, BWV 548 cho phong cầm.


Trình diễn âm nhạc Bach
Những sáng tác cho đàn organ
Ngày nay, những người trình diễn nhạc Bach thường theo một trong hai khuynh hướng: "trình diễn chân phương", áp dụng kỹ thuật truyền thống; hoặc sử dụng nhạc cụ và kỹ thuật hiện đại. Trong thời của Bach, dàn nhạc giao hưởng và ca đoàn thường có quy mô nhỏ, ngay cả với những tác phẩm đầy tâm huyết như Mass cung Si thứ và những Passion, ông cũng viết cho những cuộc trình diễn có qui mô tương đối khiêm tốn.
Do được phổ biến trên các phương tiện truyền thông và được sử dụng trong quảng cáo, âm nhạc của Bach được quảng bá rộng rãi trong hạ bán thế kỷ 20. Nhạc Bach theo phiên bản của nhóm nhạc a cappella Swingle Singers trở nên nổi tiếng (Air on the G string, hoạc Wachet Auf), cũng như Switched-On Bach của Wendy Carlos. Các nhạc sĩ nhạc Jazz cũng trình diễn nhạc Bach như Jacques Loussier, Ian Anderson, Uri Caine và Modern Jazz Quartet.
Tác phẩm
Năm 1950, Wolfgang Schimeider thực hiện Bach Werke Verzeichnis (Tuyển tập các tác phẩm của Bach). Schmieder dựa trên Bach Gesellschaft Ausgabe, ấn hành toàn bộ các sáng tác của Bach từ năm 1850 đến 1905: BWV 1 – 224 là những bản cantata; BWV 225 -249, những bản hợp xướng qui mô lớn trong đó có những bài Passion (Thương khó); BWV 250 – 524, những bài thánh ca; BWV 525 – 748, viết cho đàn organ; BWV 772–994, viết cho bộ gõ; BWV 995–1000, viết cho đàn lute; BWV 1001–40, nhạc thính phòng; BWV 1041–71, nhạc giao hưởng; và BWV 1072–1126, canons và fugue.
Suốt cuộc đời mình, Bach được biết đến nhiều nhất như là nghệ sĩ đàn organ, thầy dạy đàn organ, và là nhà soạn nhạc cho đàn organ cả trong hai thể loại truyền thống Đức – như prelude, fantasia, và toccata – cũng như trong các hình thái nghiêm nhặt hơn như chorale prelude và fugue. Từ khi còn trẻ tuổi, Bach đã làm nên tên tuổi nhờ tính sáng tạo và ý tưởng đem các loại hình âm nhạc nước ngoài vào các tác phẩm viết cho organ của ông. Ảnh hưởng từ miền Bắc nước Đức đến từ Georg Böhm, hai người từng gặp nhau ở Lüneburg, và Dieterich Buxtehude mà ông từng tiếp xúc khi đến thăm Lübeck năm 1704. Cũng trong giai đoạn này, Bach chép lại nhiều tác phẩm của những nhà soạn nhạc người Ý và người Pháp để có thể thấu suốt ngôn ngữ sáng tác.


Trong giai đoạn sáng tác đỉnh cao của mình (1708-14), Bach sáng tác những đôi prelude và fugue cũng như toccata và fugue, rồi Orgelbüchlein (Sách nhỏ cho đàn organ), một tuyển tập chưa hoàn tất gồm 46 khúc dạo đầu ngắn thể hiện kỹ thuật sáng tác trên nền hòa âm hợp xướng. Sau khi rời Weimar, Bach bớt viết cho organ mặc dù những sáng tác nổi tiếng nhất của ông (sáu trio sonata, "German Organ Mass" trong Clavier-Übung III từ năm 1739, và hợp xướng Great Eighteen) đều được viết sau khi ông rời Weimar. Về sau, Bach dành nhiều thời gian cho việc tư vấn các đề án về organ, thử những chiếc đàn organ mới, và trình diễn đàn organ trong những buổi độc tấu.

Những sáng tác khác cho bộ gõ
Bach có nhiều sáng tác cho đàn harpsichord, trong đó có một số có thể trình bày với đàn clavichord. Phần nhiều những sáng tác cho bộ gõ của ông là những hợp tuyển bao gồm toàn bộ hệ thống lý thuyết theo phong cách bách khoa toàn thư.
· The Well-Tempered Clavier, Quyển 1 và 2 (BWV 864 – 893).
· 15 Invention và 15 Sinfonia (BWV 772-801).
· Ba tuyển tập dance suites: English Suites (BWV 806-811), French Suites (BWV 812-817), và Partiatas cho bộ gõ (BWV 825-830).
· Những khúc biến tấu Goldberg (BWV 988) là một aria với 30 biến tấu.
· Những sáng tác đa dạng khác như Overture in the French Style (French Overture, BWV 831), Chromatic Fantasia and Fugue (BWV 903), và Italian Concerto (BWV 971).
Trong số những sáng tác cho bộ gõ ít nổi tiếng hơn của Bach có bảy toccata (BWV 910-916), bốn duet (BWV 802-805), những sonata cho bộ gõ (BWV 963-967), Six Little Preludes (BWV 933-938), và Aria variata alla maniera italiana (BWV 989).
Nhạc Giao hưởng và Thính phòng
Bach cũng sáng tác cho các loại nhạc cụ độc tấu, song tấu, và tạp kỹ nhỏ. Trong nhiều sáng tác độc tấu của ông có sáu sonata và parita cho violin (BWV 1001-1006), sáu cello suite (BWV 1007-1012), và Partia cho độc tấu sáo (BWV 1013) ở trong số những tác phẩm sâu lắng nhất của Bach. Ông cũng viết trio sonata; solo sonata cho sáo và cho viola da gamba; và một số lượng lớn canon và ricercare, tiêu biểu là The Art of Fugue và The Musical Offering.
Tác phẩm giao hưởng nổi tiếng nhất của Bach là Brandenburg Concertos, được đặt tên như thế là do trong năm 1721 Bach muốn được Bá tước Christian Ludwig của Brandenburg-Schewedt tuyển dụng, nhưng nỗ lực này của ông đã không thành công. Những concerto khác của Bach còn lưu giữ đến ngày nay có hai concerto violin (BWV 1041 và BWV 1042), một Concerto cho hai Violin Rê thứ (BWV 1043) thường được gọi là concerto "đôi" của Bach; và những concerto cho từ một đến bốn đàn harpsichord.


Đơn ca và Hợp xướng
Cantata
Những bài Thương khó (Passions)
Mass cung Si thứ
Từ giữa năm 1723, khi còn là nhạc trưởng ở Nhà thờ St Thomas, mỗi Chủ nhật và ngày lễ Bach trình bày một bản cantata phù hợp với nội dung của phần đọc Kinh Thánh. Dù có sử dụng những sáng tác của những nhà soạn nhạc khác, Bach viết những bản cantata đủ dùng cho ít nhất ba năm. Tổng cộng, ông viết hơn 300 cantata cho những ngày lễ tôn giáo, trong số đó còn khoảng 200 bản được lưu giữ.
Những bản cantata của Bach rất khác nhau từ hình thức cho đến nhạc cụ, một số cho đơn ca, đồng ca, nhóm hòa tấu nhỏ, hoặc cho những ban giao hưởng. Nội dung tương ứng với nghi lễ đọc Kinh Thánh hằng tuần, còn bản aria trình bày những chiêm nghiệm về đoạn Kinh Thánh ấy. Trong số những bản cantata hay nhất của Bach có:
· Christ lag in Todes Banden, BWV 4
· Ich hatte viel Bekümmernis, BWV 21
· Ein feste Burg ist unser Gott, BWV 80
· Gottes Zeit ist die allerbeste Zeit, BWV 106 (Actus Tragicus)
· Wachet auf, ruft uns die Stimme, BWV 140
· Herz und Mund und Tat und Leben, BWV 147
Bach còn viết một số cantata thế tục, thường là cho những sự kiện dân sự như lễ nhậm chức của hội đồng thành phố, hoặc cho hôn lễ.
Những sáng tác của Bach cho hợp xướng có St Matthew Passion và St John Passion, viết cho Lễ Thương Khó cử hành tại Nhà thờ St Thomas và Nhà thờ St Nicholas, và Christmas Oratorio (một chuỗi sáu bản cantata viết cho Lễ Giáng sinh). Hai phiên bản của tác phẩm Magnificat (một phiên bản cung Mi thứ, phiên bản kia cung Rê thứ), Easter Oratorio, và Ascension Oratorio.
Một tác phẩm lớn được hình thành vào cuối đời của Bach, Mass cung Si thứ, là một tập hợp gồm những sáng tác trước đó (như các bản cantata Gloria in excelsis Deo, BWV 191và Weinen, Klagen, Sorgen, Zagen, BWV 120). Mass cung Si thứ chưa bao giờ được trình diễn trọn vẹn khi Bach còn sống.


Một số Thánh nhạc nỗi tiếng
The Passion According to St. John được Johann Sebastian Bach sáng tác vào năm 1724. Tựa đề của tác phẩm tạm dịch sang tiếng Việt là Sự Thương Khó của Chúa Giê-xu theo Phúc Âm Giăng. The Passion According to St. John được chia làm 2 phần, gồm 5 cảnh với 40 tiểu khúc. Phần một gồm cảnh tại khe Kết-rôn và cảnh tại dinh Cai-phe. Phần hai gồm cảnh gặp Phi-lát, cảnh tại đồi Gô-gô-tha và cảnh tại phần mộ. Nội dung của tác phẩm dựa trên Phúc Âm Giăng đoạn 18 và 19. Khi viết lời ca cho các bài hát trong tác phẩm này, Bach đã trích chính xác từng chữ từ bản dịch Kinh Thánh tiếng Đức vào năm 1539 của Martin Luther. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là Bach thêm vào cảnh Phi-e-rơ chối Chúa và cảnh bức màn trong đền thờ bị xé đôi; do Phúc Âm Giăng không ký thuật lại những phần này nên Bach phải mượn lời ca từ Phúc Âm Ma-thi-ơ. Toàn bộ tác phẩm được trình bày trong vài tiếng đồng hồ.
The Passion According to St. Matthew, Sự Thương Khó của Chúa Giê-xu theo Phúc Âm Ma-thi-ơ, được ra mắt vào năm 1727. Nội dung tác phẩm dựa theo Phúc Âm Ma-thi-ơ chương 26 và 27. Trong The Passion According to St. Matthew, ngoài số ca sĩ đơn ca bình thường, Bach dùng đến hai ban nhạc giao hưởng và hai ban đồng ca. Tác phẩm gồm hai phần tương phản nhau. Phần đầu dịu dàng hướng về nội tâm. Phần thứ hai mang nhiều kịch tính. Trong tác phẩm này, Bach trình bày sự đau thương của Chúa với lòng xúc cảm, với sự tôn kính và nỗi buồn sâu xa. Toàn bộ tác phẩm chia làm 68 tiểu khúc. Lời của Chúa Giê-xu được trình bày thật trang trọng với sự phụ họa của toàn bộ đàn dây. Trong The Passion According to St. Matthew, Bach trình bày sự hy sinh của Chúa thật sống động, đầy xúc cảm, đầy nội tâm, và đầy lòng kính yêu và trìu mến. Vài bài hát đáng lưu ý trong tác phẩm này là My Savior Now is Dying from Love Unbound (Cứu Chúa Của Con Đang Hy Sinh Bằng Tình Yêu Vô Biên), In Deepest Grief We Sit Here Weeping (Chúng Con Ngồi Đây Khóc Trong Nỗi Đau Sâu Xa).
Là một nhạc sĩ Tin Lành, nhưng Johann Sebastian Bach không ngại viết Mass, một thể loại âm nhạc theo phong cách Công giáo, để tôn vinh Đức Chúa Trời. Trong Passion, Johann Sebastian Bach bày tỏ xúc cảm nội tâm của một tín hữu dành cho Cứu Chúa; trong Mass in B Minor, Bach dùng các cấu trúc âm nhạc để trình bày vinh quang vĩ đại của Đức Chúa Trời. Toàn bộ tác phẩm Mass in B Minor gồm 27 phần bao gồm 18 bài hợp xướng, 6 bài đơn ca và 3 bài song ca. Những ca khúc nổi tiếng trong tác phẩm này là Gloria, Crucifixus, Credo, Beneditus, và Agnus Dei. Hans Georg Nageli, một nhà nghiên cứu âm nhạc trong thế kỷ 19 đã gọi Mass in B Minor là “tác phẩm âm nhạc vĩ đại nhất của mọi người trong mọi thời đại.”


Johann Sebastian Bach về với Chúa vào ngày 28/7/1750. Thi thể của ông được an táng tại sân nhà thờ St. Thomas, Leipzig, như một người vô danh không có mộ bia. Năm 1894, sau khi uy tín của Johann Sebastian Bach được ghi nhận, di hài của ông được mang về lưu giữ tại nhà thờ St. John. Vào Đệ Nhị Thế Chiến, ngôi nhà thờ này bị trúng bom. Năm 1950, di hài của Johann Sebastian Bach lại được đem trở về an táng tại nhà thờ St. Thomas.
Lúc còn sống, khi nhận định về âm nhạc, Johann Sebastian Bach cho rằng âm nhạc là một món quà từ Đức Chúa Trời và âm nhạc phải được dùng cho mục đích phục vụ Chúa và tôn vinh Ngài. Bach viết nhạc rất nhiều và ông sáng tác với mục đích tôn kính Chúa chứ không phải để được người đời khen chê. Người đương thời của Bach không hiểu ông nhưng Đức Chúa Trời không để Bach thiệt thòi. Gần 100 năm sau khi Bach qua đời, công chúng hiểu được nhạc của Johann Sebastian Bach. Các tác phẩm của ông được trình bày tại nhiều nơi trên thế giới và được cải soạn cho nhiều nhạc cụ khác nhau và trở thành các tác phẩm tiêu biểu của nhạc cổ điển.
Ngày nay, Johann Sebastian Bach được xem là một trong những nhạc sĩ sáng tác xuất sắc nhất trong thế kỷ 18 thuộc trường phái Baroque. Vị trí của Johann Sebastian Bach trong âm nhạc cổ điển được so sánh với William Shakespeare trong văn học và Isaac Newton trong lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy.
Mặc dầu Johann Sebastian Bach là một nhạc sĩ Tin Lành và ông đã tận hiến trọn cả cuộc đời để viết thánh nhạc, nhạc của Johann Sebastian Bach chưa được phổ biến nhiều tại Việt Nam. Thánh ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chỉ có một bài Thánh Thủ (O Sacred Head Now Wounded) lược trích từ The Passion According to St. Matthew; được dịch từ năm 1924, tuy nhiên bài thánh ca này cũng ít khi được hát.
Phúc Âm, hay Tin Lành, là tình yêu và sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời dành cho loài người được thể hiện qua sự hy sinh của Chúa Giê-xu. Johann Sebastian Bach được các nhà nghiên cứu tặng cho biệt danh: The Fifth Evangelist, người viết Phúc Âm thứ năm. Tuy nhiên, khác với Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng, Johann Sebastian Bach không dùng sách vở, nhưng dùng âm nhạc, để trình bày tình yêu của Chúa.
Với phương tiện Internet ngày nay, chúng ta có dịp nghe các tác phẩm của những nhạc sĩ bậc thầy trong làng nhạc cổ điển. Nhân mùa Phục Sinh, mời bạn lắng nghe một số thánh nhạc mà Johann Sebastian Bach đã viết về sự hy sinh của Cứu Chúa Giê-xu.


Tại sao âm nhạc của Johann Sebastian Bach là âm nhạc trên thiên đàng
Cả cuộc đời, Bach phải trải qua nhiều bi kịch nhưng sau tất cả, nhìn lại, ông vẫn cảm thấy hài lòng. Ông chỉ có một mục tiêu quan trọng nhất, đó là “soạn ra những bản nhạc tuyệt vời kính dâng lên Chúa”. Cho đến nay, những gì người ta biết về cuộc sống riêng tư của Bach khá ít ỏi. Cả cuộc đời, ông phải trải qua nhiều bi kịch gia đình. Bach trở thành trẻ mồ côi năm 9 tuổi. Ông mất đi người vợ đầu tiên sau 13 năm chung sống. Trong số 7 người con có được với người vợ đầu, 4 người con sớm qua đời. Kết hôn với người vợ thứ hai, ông có 13 người con nhưng 7 người chết yểu. Trong sự nghiệp, Bach cũng gặp nhiều khó khăn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc, Bach tìm được việc khá dễ dàng. Tuy vậy, cơ hội việc làm khi đó không có nhiều đất cho ông sáng tạo, ông phải lựa chọn giữa việc làm một nhân viên trong tòa án, một người chơi đàn organ trong nhà thờ, hoặc một thầy giáo dạy nhạc. Những công việc này thực tế đều không thỏa mãn những kỳ vọng của Bach. Ban đầu, ông đồng ý làm việc trong tòa án, nhưng rồi quyết định “nhảy việc”. Về sau, ông trở thành nhạc công kiêm người điều khiển đoàn ca trong nhà thờ St. Thomas ở thành phố Leipzig, Đức. Ông đã gắn bó với công việc này cho tới tận khi qua đời năm 1750.
Trong suốt sự nghiệp, Bach phải đối mặt với nhiều sự thất vọng. Trước tiên, công việc không đem lại cho ông đồng lương hậu hĩnh. Điều kiện làm việc cũng không lý tưởng do nhà thờ không có đủ tiền để mời cho ông những giọng ca đẹp, những nhạc công giỏi hay mua về những nhạc cụ tốt để tương xứng với những bản nhạc tinh tế do ông sáng tác ra. Bach đương thời cũng rất tạo bạo trong âm nhạc, ông hy vọng sẽ làm được nhiều điều mới mẻ, cách tân, nhưng mỗi khi ông muốn giới thiệu một sự phá cách nào đó trong âm nhạc, người ta lại chặn đứng ông, bởi ở thời đó, âm nhạc cũng được coi như một “mặt trận chính trị”. Sự táo bạo trong âm nhạc vì vậy bị coi là một mầm mống nguy hiểm cần loại trừ. Tuy vậy, làm việc trong nhà thờ vẫn là một nơi phù hợp với Bach hơn cả, bởi một trong những mục tiêu quan trọng nhất đối với ông chính là “soạn ra những bản nhạc tuyệt vời kính dâng lên Chúa”.
Là một người có niềm tin tôn giáo sâu sắc, sau tất cả, Bach cảm thấy hài lòng về những gì mình đã làm được cho nhà thờ St. Thomas nói riêng và dòng nhạc Thiên Chúa giáo nói chung. Khi làm việc trong nhà thờ, ông mải mê sáng tác những bản nhạc hay để đem phục vụ giáo dân trong các nghi lễ tôn giáo. Có giai đoạn sung sức, cứ mỗi tuần, Bach lại sáng tác xong một bản nhạc mới dài khoảng 20 phút để phục vụ trong những buổi lễ ngày Chủ Nhật, những dịp lễ các Thánh, lễ Tạ ơn… Bach là một người làm việc “điên cuồng”. Khi được hỏi về bí quyết để thành công trong sự nghiệp, ông từng trả lời rằng: “Tôi bắt mình phải làm việc chăm chỉ, bất cứ ai làm việc chăm chỉ rồi sẽ thành công”. Thực tế, sự thành công của Bach khi sáng tác dòng nhạc tôn giáo còn đến từ việc ông là một con chiên ngoan đạo, kính Chúa và có đức tin sâu sắc. Đối với nhiều nhà soạn nhạc lừng danh khác, họ thành công theo những cách khác nhau, vì những lý do khác nhau, nhưng với Bach, ông thành công vì luôn nghĩ tới Chúa và luôn trăn trở làm sao để có thể đưa Chúa đến gần với các con chiên. Đối với Bach, cách duy nhất để ông có thể làm được điều đó, chính là sáng tác âm nhạc.


“Cha đẻ của âm nhạc”, “Chúa cứu thế của âm nhạc” không còn ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết công lao cũng như phác họa hết địa vị và cá tính độc đáo trong âm nhạc của Johann Sebastian Bach.
Thời bấy giờ thế lực tôn giáo bao trùm khắp Châu Âu. Âm nhạc từ thời trung cổ truyền lại gần như hoàn toàn là âm nhạc tôn giáo. Đúng ra có một thứ thanh nhạc được lưu hành, đó là “thánh ca’. Về sau, một tín đồ tên là Hucbald đã sáng tạo ra “Âm nhạc phức điệu” và loại âm nhạc này được truyền bá rộng rãi. Nhưng ngoài việc ca ngợi thánh thần và tạo không khí cho tôn giáo, nó hoàn toàn không có sự thể hiện về mặt tình cảm và hứng khởi trong cuộc sống, thế nhưng nó lại chiếm địa vị thống trị trong đời sống âm nhac. Đó cũng là nguyên nhân làm cho đời sống âm nhạc bấy giờ khô cứng và đơn điệu, hầu như không có thành tựu nào về mặt nghệ thuât, trong khi mỹ thuật và văn học đang tiến những bước dài trên con đường phát triển.
Johann Sebastian bach sinh 1685 tại Đức. Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, Bach gánh vác trọng trách của người thiết lập một thời kỳ mới cho âm nhạc. Trước đó đã có Chultz, Scheidt… nhưng những tác phẩm trong giai đoạn thứ hai của âm nhạc cổ điển Đức, nói cho cùng vẫn còn là sự mô phỏng của thánh ca. Người nổi bật nhất trong số họ là Handel, nhưng ông sống xa quê hương, lại quá yêu phong cách nước Ý, nên ngay đến người Anh cũng không hoan nghênh. Tác phẩm của Handel đã có nhiều sáng tạo và trở thành nguồn cảm hứng cho những thành tựu vĩ đại của Bach sau này. Không phải ngẫu nhiên mà Bach gọi ông là “biển cả”.
Trong lịch sư âm nhạc phương tây, Bach là một hình tượng hoàn mỹ, là một bậc thầy lớn. Sáng tác của ông có vài trăm bài đại hợp xướng về tôn giáo và thế tục, được lưu hành rộng rãi thời bấy giờ (có những bài đại hợp xướng dài đến mấy giờ đồng hồ) và ba bài nhạc thọ nạn. ngoài ra còn có những vở kịch thanh nhạc, những bài há dùng trong lễ Mi-sa, những bài tán ca dùng cho đám đông và một số lớn những tổ khúc dùng cho loại phong cầm phát âm bằng ông đồng (Orgue), hoặc dùng cho loại dương cầm cổ. Đặc biệt có những bản hòa tấu dùng cho violon, độc tấu dùng cho đàn Violoncelle, những bản hòa tấu dùng cho loại sáo dài (clarinette)… trong đó không ít tác phẩm có ảnh hưởng rộng rãi đến sáng tác của nhà soạn nhạc sau này như bản Tháng Mathew thọ nạn, bản Hợp tấu Brandenburg, nghệ thuật Fugu… có người coi sự xuất hiện của Bach là để tổng kết âm nhạc phương tây. “bậc thầy về phức điệu” – chỉ là lời khen tặng ông xét về mặt kỹ thuật âm nhạc, còn thực tiễn sáng tác của ông mới là sự đóng góp nổi bật trong lịch sử. Ông là người đã giải phóng âm nhạc thoát khỏi địa vị nô bộc, bị tôn giáo ràng buộc, làm cho âm nhạc dung hòa với tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cổ điển và thể hiện qua một “âm cách” độc lập. Do vậy, xem Bach là “người khai sáng một nghệ thuật âm nhạc độc lập và thuần túy” thì đúng hơn. Bach chắc chắn khôn giống như cái tên của ông theo tiếng Đức nghĩa là “con suối nhỏ “ mà đó là “biển cả” trong việc sáng lập kỷ nghuyên của nền âm nhạc mới. Bach được sinh ra trong một gia đình âm nhạc tại thành phố Eisenach nước Đức – “thủ đô của âm nhạc thuộc vùng tiểu bang Turinggian vào ngày 21.3.1685. Trên cửa vào thành phố Eisenach có khắc một dòng chữ “Âm nhạc luôn luôn soi rọi lên thành phố của chúng ta”. Do gia tộc của bach đã có truyền thống âm nhạc từ đời này qua đời khác, cho nên vào thế kỷ 17 ở thành phố Turingian, “dòng họ Bach” là một dòng họ nổi tiếng và hằng năm gia đình Bach lại có một cuộc hội họp với các nhạc sỹ biểu diễn tại Thành phố Turingian. Cuộc hội họp là một sự kiện lớn của dòng họ, tập hợp những thành viên trong gia đình vào những nhạc sỹ ưu tú thời bấy giờ, nó còn được gọi là “cuộc họp âm nhạc hằng năm”. Tương truyền bach rất yêu thích âm nhạc “tạp khúc” là loại hình hợp xướng mang tính chất châm biếm răn đời. Những ca khúc từ nhiều điệu nhạc là tập hợp những lời ca mang tính chất khôi hài châm biếm được lưu truyền trong thành phố. Nó là sản phẩm riêng biệt của tầng lớp bình dân trong xã hội, mang đặc điẻm sinh haotj văn hóa, dân tộc hóa, và quần chúng hóa của âm nhạc dân gian Đức có thể nói chính âm nhạc dân gian đã nuôi dưỡng bach và qua những chaan dung âm nhạc của thế hệ trước, Bach đã ước mơ trở thành một nhạc soạn nhạc.


Năm 7 tuổi Bach và học tại một trường Latinh. Do cha mẹ lần lượt qua đời nên vào năm 10 tuổi, ông đến ở nhà người anh là Ohrdruf. Tại đây, ông thường cùng một số bạn bè cùng tuổi con các gia đình nghèo tập hợp nhau đi hát dạo ở đường phố để kiếm thêm tiền nộp học phí. Trong thời gian này, ông đã lén chép tay một số lượng lớn các bản nhạc của nhà soạn nhạc nổi tiếng thời đó là Froberger trong một tập nhạc mà không hiểu sao người anh của Bach hết sức giữ gìn đến nỗi không cho em mượn. Sau khi con trai thứ năm của ông anh ra đời, lúc đó mới 15 nhưng Bach đã phải ra đi. Bach một thân côi cút đến học tại trường nhạc tôn giáo của nhà thờ thánh Michaelskirche vùng Lumeburg.
Bach làm quen được với nhà soạn nhạc George Bohm và được nhà soạn nhạc này giúp đỡ rất nhiều. Khi thấy Bach là một cậu bé thông minh, chuyên cần, Bohm đã giới thiệu Bach với với người thầy của mình là Johann Reinken để học đàn dương cầm. Nhưng chừng đó vẫn chưa làm Bach hài lòng. Bach tiếp xúc với Jean Lully là một nhạc sư giỏi để học đàn dây và violon. Với lòng quyết tâm, Bach đã học rất giỏi và trở thành một nhạc sỹ đầy triển vọng.
Có người xem Bach là “nhà âm nhạc tôn giáo”. Thật ra khi đi sâu tìm hiểu sự từng trải trong cuộc sống cũng như sự từng trải về mặt nghệ thuật của Bach ta thấy ông mặc dù từng mất nhiều thời gian mưu sinh khi làm việc cho giáo hội, cũng như từng soạn mấy trăm bản nhạc về tôn giáo, nhưng ở đâu cũng thấy được sự trong sáng và tính chất nổi loạn của ông, chứng tỏ ông là một nhà soạn nhạc kiểu mới, mang phong cách tiến bộ của thời đại.
Năm 18 tuổi, Bach vì cuộc sống, thậm chí chưa từng tốt nghiệp xong bậc trung học đã phải đi tìm việc làm để mưu sinh. Giáo hội Arnstadt bằng lòng bỏ ra một số tiền lớn để mời ông về giữ chức vụ thầy dạy phong cầm – một chứ vụ mà nhiều người ao ước. Sau khi nhận nhiệm vụ này Bach đã bộc lộ cá tính của mình khá rõ rệt bằng sức sống dồi dào và sự sáng tạo không ngừng qua những buổi diễn tấu phong cầm ở giáo đường. Điều đó hoàn toàn không phù hợp với quy phạm đã quen trong âm nhạc tôn giáo. Ông còn phấn khởi sáng tác một bài bài hợp xướng cho ngày lễ Phục sinh nhan đề Ngài đừng bỏ rơi linh hồn của chúng con trong địa ngục. Trong bài hợp xướng này, ông đã đưa vào âm nhạc tôn giáo sự kịch tính với hình tượng khổ nạn trong bản nhạc tạo ra một sức truyền cảm mạnh mẽ đối với người nghe. Trong nhạc khcú đó ông cũng sử dụng thủ pháp hiện thực, miêu rả trong bài thánh ca những tính cách thú vị của con người. ngoài ra với tư cách là một nhà soạn nhạc tôn giáo được nhà thờ mời bach thường vào cung đình để sáng tác nhiều nhạc phẩm thuộc âm nhạc thế tục. Từ những tác phẩm đầu tay, có thể thấy bach là người giỏi thể hiện đời sống và những tình cảm của những con người bình thường qua âm nhạc.
Đối với bản thân bach thì việc diễn tấu và sáng tác tái Arnstadt mới chỉ là những bước chập chững vào nghề. Thật ra, việc diễn tấu bằng cây phong cầm phát âm bằng ống đồng, do kỹ thuật của nó đã được cải tiến nên nó trở thành “thủ lĩnh” trong các loại nhạc khí. Âm sắc của nó phong phú, lại khá đa dạng khi so sánh vứoi các nhạc cụ khác, đồng thời âm lượng của nó đặc biệt lớn khiến nó có thể thay thế tất cả các loại nhạc khí khác trong một đội nhạc. Sau đó rất lâu Mozart còn nói: “theo tôi thì phong cầm phát âm bằng ống đồng vẫn là ông vua trong các loại nhạc khí”. Do vậy địa vị cảu người diễn tấu loại phong cầm phát âm bằng ống đồng của Bach trong thời đó là rất cao. Đứng về mặt soạn nhạc thì âm nhạc của loại đàn phong cầmd phát âm bằng ống có một lịch sử phát triển liên quan đến loại âm nhạc chuyên nghiệp phức điệu. Khi bach làm việc tại Arnstadt và được vang danh nổi tiếng là một nhà diễn tấu tài ba, thì đồng thừoi ông cũng chơi loại nhạc phức điệu một cách thành thục.


Sau đó ông đến Muhlhausen làm thầy dạy phong cầm cho nhà thờ. Trong vòng một năm sống tại đó, niềm vui lớn nhất của ông là tiến hành làm lễ thành hôn với Maria Barbara. Sau đó họ đã có bảy người con, người con lớn và người con trai thứ đều trở thành những nhà âm nhạc xuất sắc. Nhưng không lâu sau vì giáo hội không hề quan tâm tới âm nhạc, không đoái hoài gì đến những đề nghị vụn vặt, nên ông lại bực tức xin thôi việc. Tháng 7.17088, ông đến Weimar, tại đó ông trở thành một người diễn tấu phong cầm phát âm bằng ống đồng có tên tuổi và cũng trở thành nhạc sư phong cầm phát âm bằng ống đồng trong nhà thờ của cung đình. Mặc dù sống tại Weimar rất thoải mái và sau này chính vì sự có mặt của Bach mà Weimar trở thành một nơi được nhiều nghệ sĩ tìm đến, nhưng mấy năm sau, một mặt vì muốn bảo vệ lòng tự trọng, đồng thời vì muốn phát triển nghệ thuật biểu diễn mà Bach lại xin từ chức. Đơn xin từ chức được trình nhiều lần nhưng vẫn không được chấp nhận. Ông bèn dứt khoát lén trốn đi vào giữa đêm bằng cỗ xe ngựa của công tước Kothen. Tuy nhiên, ông bị binh sĩ của Weimar đuổi theo bắt trở về, giam hơn một tháng. Nhưng cuôi cùng thì công tước Weimar vẫn không thể giữ chân Bach ở lại.
Bach đã phát triển cá tính sáng tác của mình trong quá trình bảo vệ lòng tự trọng nghệ thuật. Có nhiều tác phẩm của ông mặc dù được phổ biến rộng rãi trong tôn giáo nhưng tất cả những tác phẩm đó đều được tác giả trình diễn bằng cảm xúc và suy tư của bản thân mình, không chỉ dành cho tôn giáo mà còn cho những người bình dân. Đối với bach, dù ở đâu, Thượng đế cũng chỉ là thượng đế, còn bản thân người nghệ sĩ mới là chủ thể của sáng tạo.
Cả cuộc đời Bach, mặc dù một phần lớn thời gian phục vụ ở các nhà thờ nhưng thiên tài của ông bắt rễ từ dân gian, từ phong tục của tầng lớp bình dân, và nó luôn luôn thửo chung bầu khôn gkhí của nền văn hóa đại chúng. Lúc bây giờ, mặc dù đã rất nổi tiếng, nhưng trước sau ông cũng vẫn là một kẻ “tôi tớ” của nhà thừo. lúc sống ở Weimar, trong buổi cầu nguyện, Bach luôn luôn ngồi trước cây đàn phong cầm được đặt tận đỉnh nahf thờ. Chỉ có cửa sổ là được mở rộng để cho âm thanh lọt ra ngoài. Khi vị công tước làm lễ thì cánh cửa phải đóng lại, để cho người diễn tấu phong cầm không nhìn tấy được cảnh công tước cầu nguyện. Tên của Bach xếp chung với tên của những người náu bếp. Với địa vị thấp kém chẳng khác gì thân phận của kẻ làm thuê cúi mình tuân phục chủ, Bach thấu hiểu nỗi lòng của những người không phải tầng lớp trên, ông thấy thương cho mình cũng như thương cho những số phận đồng cảnh. Bach khẳng định mình là “nhạc sỹ của nhân dân”, chứ không phải “nhạc sỹ của tôn giáo”. Âm nhạc của ông tuyệt đối không phải là “do có kỹ thuật cao siêu” mà trở thành “đồ vật trong tháp ngà” hoàn thoàn cách ly những người bình thường. Trong nhiều “nhạc khúc tôn giáo lớn” của ông như Tiểu khúc Misa và bản Tháng John thọ nạn ông vẫn dựa vào tư tưởng và tinh thần khoáng rộng của mình “thoát ra khỏi sự gò bó của tôn giáo” để “nói chuyện với toàn thể nhân loại”.
Nghe những bản nhạc Peasant Catata và Coffee Catana sẽ hiểu được Bach đã bước vào lãnh địa âm nhạc tế tục một cách mạnh dạn không hề đắn đo.

 

Sau khi rời Weimar, bach lại đến Cung đình Kothen làm việc liên tục sáu năm. Đến năm 1723, ông lại đến Leipzig tại đây ông từng làm nhạc trưởng, nhà soạn nhạc của cung đình mãi cho tới khi qua đời (27 năm). Với chức vụ mới, nghĩa vụ và trách nhiệm đã ràng buộc khả năng sáng tác của ông. Ông cảm thấy nghẹt thở khi vấp phải những luồng dư luận xung quanh những tác phẩm mà ông làm việc cực nhọc mới có được.

Để được giải thoát một cách triệt để, khi 54 tuổi, Bach đã có một sự lựa chọn quan trọng nhất trong cuộc đời mình: Ông từ bỏ mọi chức vụ công khai, chỉ giữ một công việc ở trường Thomaskirche. Ông cơ bản trao hết công việc cho trợ thủ của mình, còn riêng ông thì tập trung vào việc sáng tác mà không cần phải để ý đến nhà thờ. Với phong cách sáng tác của “người nghệ sĩ tự do”, trong hai bản nhạc Peasant Canatata và Coffee Cantata, Bach đã thể hiện tài năng một cách toàn diện. Vào thời điểm đó, người nông dân Đức là một danh từ quá nhỏ bé, Bach trái lại đã ca ngợi họ. Trong tác phẩm này hoàn toàn dùng những vũ khúc dân gian và những loại dân ca thịnh hành thời bấy giờ, gồm chung tất cả đến 23 nhạc khúc khác nhau. Tất cả những ý ngụ trong ca từ đều bộc lộ rõ tư tưởng mới và tính nhân dân trong âm nhạc của Bach.
Có một chuyện ít người biết, đó là Bach từng so tài với Louis Marchand, một nahf diễn tấu đàn phong cầm nổi tiếng của nước Pháp, diễn tấu trong cung đình Dresden. Vào thời bấy giờ, những nhà âm nhạc trong cung đfinh Pháp rất được trọng vọng, cho nên Marchand thường tỏ ra kiêu ngạo, thậm chí làm cho nhiều nhà âm nhạc Đức bất mãn. Năm 1717, Bach được mời đến cung đình Dresden để tham dự nhạc hội của Marchand. Tất cả quý tộc, những nhân vật có tiếng tăm, những gia đfinh giàu có trong thành phố đều đến dự buổi diễn tấu này. Khi nhạc hội bắt đầu. Marchand biểu diễn một ca khúc của nước Pháp với đều sự nhiệt tình và biến tấu chặt vhẽ, giành được sự tán thưởng của nhiều quan khách. Ngay lúc đó, có người mời Bach ra biẻu diễn. Bach không từ chối và diễn lại bản nhạc mà Marchand vừa biểu diễn xong, nhưng ông biểu diễn với 12 lần biến tấu làm cho tất cả người nghe hôm đó đều ngạc nhiên. Có người đề nghị Bach so tài cùng Marchand với tinh tần hữu nghị nhưng Marchand không dám chấp nhận, lần đầu tiên trong đời ông tỏ ra khâm phục và chịu thua đối thủ.
Bản tó với nhân Bach suốt cuộc đời ông gắn bó với nước Đức, không như một số nhà âm nhạc lớn thường ra nước ngoài tìm kiếm thành công cho mình. Ông dường như không có ý định đi chơi xa, nhưng với khả năng thiên phú của mình, bach luôn tự tin và hoàn toàn hiểu được vai trò không thể thiếu của mình trong đời sống âm nhạc. Khi ông 35 tuổi, lần đầu tiên giữ chức nhạc trưởng tại cung đình Kothen, ông đã sáng tác nhạc khúc cho dàn kèn và đàn dây là Hợp tấu Brandenbury (1720) mang ý nghĩa kỷ niệm.

 

Mùa hè năm đó, Bach đi cùng với công tước Kothen đến một khi nghỉ mát riêng. Nhưng trong thời kỳ đó, người vợ yêu quý của ông không may mắc bệnh qua đời. Ông quen được với hầu tước Brandenbury và đã soạn cho ông ta sáu bản hoàn tấu. trong những bản hòa tấu đó ông đã dung hòa phong cách của Lully, Corelly và Vivaldi lại với nhau và tạo ra một phong cách mới rất độc đáo. Những nhạc khúc chứa đựng hơi thở của cuộc sống cũng như chứa đựng sự kiêu sa đã được người đời sau cho là “có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển giao hưởng cổ điển, là một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của âm nhạc kèn và đàn dây”.

Trong “thời kỳ Kothen”, Bach còn sáng tác nhiều bản nhạc như Tổ khúc nước Pháp và Tổ khúc kèn và đàn dây theo điệu C trưởng và B thứ, Khúc Ảo tưởng nửa âm giai Fugu… được các nhà âm nhạc gọi là “Những nhạc khúc khiến cho hình thức Tổ khúc càng mới mẻ và càng phong phú”. Riêng Khúc ảo tưởng nửa âm giai Fugu, thậm chí sự sáng tạo và tính sâu sắc về nội dung của nó có thể so sáng được với bản Nhiệt tình của Beethoven soạn riêng cho đàn dương cầm. Đó là tác phẩm đứng hàng đầu trong những nhạc phẩm soạn riêng hco dương cầm hồi thế kỷ 18. Qua nhạc phẩm, người ta có thể nghe được các hình tượng âm nhạc mang tính chất tôn giáo, tính chất anh hùng, thể hiện sự u uất, sự hùng vĩ, tâm tình qua tâm trạng đau buồn, sự châm biếm cũng như phong cách điền viên và tính kịch… chứa đựng trong một thứ âm nhạc tràn ngập ý thơ.

Đứng và thời của Bach để nhận xét thì rõ ràng ông là một con người có tinh thần lãng mạn và can đảm trong sáng tạo vì nếu là một người thiếu đi những tố chất đó thì rất khó để tiến hành cải cách âm nhạc. Hơn nữa, ông lại là nhà soạn nhạc có tư duy triết học của người Đức – một nhà “hệ thống luận”, là “người tiên phong” tiếp xúc với tính năng ưu việt của dương cầm, ông đã xem dương cầm là phòng thí nghiệm chân chính cho việc sáng tác. Người đặt nền tảng đối với âm nhạc dành riêng ch đàn duương cầm này tỏ ra tương đối hài lòng khi đưa thành quả cách tân của mình vào một trong những tác phẩm của ông, như Bản hòa tấu theo phong cách Ý, một kiệt tác sáng tác vào năm ông 50 tuổi. Bản hòa tấu dương cầm này đã dùng cách kết cáu qua ba chương nhạc “nhanh, chậm, nhanh” trở thành mô thức mới sau này nhà soạn nhạc Haydn tiếp tục tìm tòi.


Bach là một nhà âm nhạc tiên phong. Sáng tác của ông bao giờ cũng đi tìm một sự cách tân nào đó. Như trong Bản độc tấu g thứ cho đàn Violon là sự hòa hợp tính linh hoạt, tính ca xướng cũng như âm lượng lớn của đàn phong cầm với nhau, để từ đó xúc tiến sự phát triển nghệ thuật cho đàn Violon. Cho đến thời gian trước kh qua đời, ông đã viết bản Hiến dâng cho âm nhạc và bản Nghệ thuật Fugu được người đời sau gọi là “âm nhạc phức điệu chân chính và hoàn chỉnh”.

Tác phẩm Hiến dâng cho âm nhạc của Bach xuất phát từ một vị quốc vương. Đó là việc xảy ra ba năm trước khi Bach qua đời. Bach được vua Federick II của Prussia mời đến cung đình của ông tại Potsdam. Đó cũng là lần cuối cùng ông tới cung đfinh của nhà vua nước Phổ để thăm người con trai là Phillip Emanuel Bach đang giữ nhiệm vụ nhạc sư thời đó. Trong dịp này Bach đã nhiều lần diễn tấu cũng như biểu diễn ngẫu hứng và thu được thành công lớn. Bach mời quốc vương đưa ra một chủ đề để ông diễn tấu theo lối ngẫu hứng. Nhà vua đã nghĩ ra một chủ đề khó, gần như không thích hợp cho việc trình diễn ngẫu ứng. Thế nhưng, Bach đã biểu diễn chủ đề này với một số thay đổi thích hợp một cách hoàn hảo. Đó là tập tiểu khúc mang tên Hiến dâng cho âm nhạc. Tiếp đó, Bach đã sáng tác. Nghệ thuật Fugu nhưng thực ra nó chưa được hoàn thành. Nhạc khúc Fugu này được cấu thành từ bốn chủ đề, trong đó có hai chủ đề đã được viết xong. Đến chủ đề thứ ba bao gồm bốn mẫu tự mang tên của Bach là B.A.C.H (trong mẫu tự Đức thì H = B) thì ông qua đời.
Năm 1750, Bach đã phải mổ mắt sau nhiều năm bị bệnh. Từ đó sức khỏe của ông ngày càng một xấu đi và không lâu sau ông qua ddời tại Leipzig vào ngày 28 tháng 7. Bach từng nhiều lần thể hiện “bản chất tinh cảm và triết lý” trong âm nhạc để ca ngợi “nhân tính sâu sắc” và “tình thương nhân loại”. Ông đã để lại cho hậu thế một lượng di sản quý báu, nhưng thời bấy giờ mọi người đều tỏ ra lạnh nhạt với sự ra đi của ông. Sau đó, bà vợ của ông phải sống bằng những đồng tiền bố thí và cũng chết trong viện tế bần. Người con gái của ông thì mồ côi từ năm 8 tuổi, sống trong hoàn cảnh nghèo khó, mãi tới lúc già mới nhận được sự tài trợ của Beethoven.
Thế giới ghi nhận sự cống hiến có tính chất lịch sử của Bach sau 79 năm. Năm 1829, côn ghúcng như bừng tỉnh trước giai điệu của bản Thánh Mathew thọ nạn qua hai nhóm hợp xướng chi thành tám bè dưới sự chỉ huy của Flix Mendelssohn. Từ đó, những tác phẩm của Bach chỉ được biểu diễn tại địa phương đề lần lượt được trình diễn trên sân khấu. Dẫu muộn, nhưng những tìm tòi trong âm nhạc, cũng như những cách tân và đóng gó cho nền âm nhạc dân tộc Đức của Bach đều được đánh giá lại. Tác phẩm của ông không những được phổ biến rộng rãi trên sân khấu trình diễn mà còn là tài liệu quý được dùng trong nhà trường.
Danh sách các tác phẩm của Bach (BWV)
BWV xxxx : Là ký hiệu chỉ mục tác phẩm của J.S.Bach. Phần ký tự là viết tắt của Bach-Werke-Verzeichnis (chỉ mục các tác phẩm của Bach), sau đó là số thứ tự tác phẩm nhằm xác định các bản nhạc do Bachbiên soạn. Các tác phẩm được chia nhóm theo chủ đề, không phải theo trình tự sáng tác.


Nhạc có lời
- Bản catat
- Bản Motet
- Bộ lễ Ngợi ca
- Các bài Thương khó và Thanh xướng kịch
- Hát đuổi
- Hát đuổi và Đối âm Muộn
- Hợp xướng
- Hợp xướng Hôn lễ
- Lĩnh xướng
- Nhạc chúc tụng
- Nhạc Phụng tự và Đơn ca
- Tuyển tập nhạc Chúc tụng của Schemelli
Nhạc không lời
- Bản đệm đàn cho hợp xướng
- Bản đệm đàn phím cho hoà tấu của tác giả khác
- Bản Hoà tấu
- Bản hoà tấu Vĩ cầm
- Bản phối của tác giả khác
- Bản Tocata
- Bản Tocata và Tẩu pháp
- Bản xônát
- Biến tấu, Khúc tùy hứng, và thể loại hỗn hợp
- Các bài tập viết cho Anna Magdalena Bach
- Các bản Tam tấu
- Các bản Tẩu pháp
- Các bản Xônát
- Các Dị bản
- Các Dị bản Khúc dạo đầu Hợp xướng
- Các khúc dạo cho hợp xướng
- Các khúc dạo cho hợp xướng khác
- Các Khúc dạo đầu
- Các Tiểu đoạn
- Chuyển hành / Chương nhạc
- Độc tấu
- Giao hưởng
- Hành khúc
- Hoà tấu viết cho 3 đàn thụ cầm
- Hoà tấu viết cho 4 đàn thụ cầm
- Hoà tấu viết cho 2 đàn thụ cầm
- Khúc dạo cho hợp xướng
- Khúc dạo đầu
- Khúc dạo đầu (Bản Tocata/Khúc Phóng túng) và Tẩu pháp
- Khúc dạo đầu và Tẩu pháp
- Khúc dạo đầu và Tẩu pháp/Tiểu tẩu pháp
- Khúc kỹ năng / kỹ xảo cá nhân
- Khúc mở màn (Tổ khúc)
- Khúc mở màn Pháp quốc, Hoà tấu Ý quốc
- Khúc Muset
- Khúc Phóng túng
- Khúc Phóng túng và Tẩu pháp
- Khúc Phóng túng và Tẩu pháp/Tiểu Tẩu pháp
- Luân khúc
- Năm bản Dạo đầu
- Phân đoạn và Biến tấu
- Sáng tác và Giao hưởng
- Sáu Tiểu Khúc dạo đầu
- Song tấu
- Tam tấu
- Tam tấu Xônát
- Tẩu pháp của Bach
- Tẩu pháp và Tiểu Tẩu pháp
- Tiểu đoạn
- Tiểu Khúc dạo đầu và Tẩu pháp
- Tiểu khúc dạo đầu
- Tổ khúc
- Tổ khúc phong cách Anh quốc
- Tổ khúc Dàn nhạc (bản nguỵ thư)
- Tổ khúc Hoà tấu và Dàn nhạc
- Tổ khúc phong cách Pháp quốc
- Tổ khúc và các Chuyển hành Tổ khúc
- Tổng phổ hợp xướng
- Tuyển tập Bình quân cho đàn Clavier
- Vũ điệu Minuet
- Vũ khúc Ba lan
- Xô nát và các Chuyển hành Xônát


Danh ngôn của Bach

- Tôi buộc phải cần cù. Ai cần cù như tôi rồi cũng sẽ thành công như tôi. I was obliged to be industrious. Whoever is equally industrious will succeed equally well.
- Nếu tôi định làm thằng ngu thì tôi sẽ làm thằng ngu vì chính tôi tự nguyện. If I decide to be an idiot, then I'll be an idiot on my own accord.
- Chơi loại nhạc cụ nào cũng dễ dàng: tất cả những gì bạn phải làm là chạm vào đúng dây đúng phím vào đúng lúc và rồi nhạc cụ sẽ tự chơi. It’s easy to play any musical instrument: all you have to do is touch the right key at the right time and the instrument will play itself.
- Mục tiêu tối thượng của âm nhạc không nên là gì hơn ngoài việc vinh danh Chúa và làm khỏe khoắn tâm hồn. The aim and final end of all music should be none other than the glory of God and the refreshment of the soul.


Toccata and Fugue

Johann Sebastian Bach (1685 - 1750) hấp thụ ảnh hưởng từ phong cách Ý nhờ việc chuyển soạn một lượng lớn tác phẩm của Vivaldi. Qua các đại lý tại Đức của NXB âm nhạc Le Cène (trụ sở chính ở Amsterdam), Bach có thể xem catalog và đặt mua tổng phổ các tác phẩm đã xuất bản mà ông quan tâm. Bên cạnh cách tiếp cận với các phong cách, trường phái âm nhạc trên thế giới qua tổng phổ có được, Bach cũng rất ý thức với việc “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Đi không nhiều và xa như Handel, song đến nay người ta vẫn lưu truyền câu chuyện về một chuyến bộ hành nổi tiếng của Bach. Ông đã cuốc bộ hàng trăm dặm để được nghe Dietrich Buxtehude (1637 – 1707), một nghệ sĩ organ lớn thời đó, chơi đàn. Năm 1703, ở tuổi 18, Bach bắt đầu sự nghiệp âm nhạc độc lập của mình với vị trí nhạc công organ và nhạc sĩ tại thị trấn nhỏ Arnstadt. Vào tháng 10/1705, hội đồng nhà thờ tại đây đồng ý cho Bach nghỉ phép một tháng để tới thăm TP Lübeck ở miền Bắc Đức, nơi Dietrich Buxtehude đang làm nhạc công organ chính tại Nhà thờ Đức Mẹ. Bach quá nghèo nên không thể thuê xe ngựa cho một chuyến đi xa. Ông phải cuốc bộ 200 dặm từ Arnstadt tới Lübeck. Tại Lübeck, Bach tận dụng mọi cơ hội để nghe Buxtehude chơi đàn. Ông cũng tham dự các tối hòa nhạc nổi tiếng tại Nhà thờ Đức Mẹ khi các tác phẩm cantata nhà thờ của Buxtehude được biểu diễn. Các buổi hòa nhạc này cùng các buổi thảo luận về nghệ thuật với nghệ sĩ bậc thầy Buxtehude đã cuốn hút Bach tới mức ông lưu lại Lübeck qua cả lễ Giáng Sinh cho tới tận tháng Hai năm sau. Bach trở lại Arnstadt muộn mất ba tháng. Bầu nhiệt huyết cùng những ý tưởng mới mẻ sau chuyến đi tới Lübeck ngay lập tức được Bach đưa vào thực hành trên cây đàn organ. Tuy nhiên cả giáo đoàn Arnstadt đã ngơ ngác hoang mang trước “những biến tấu gây sửng sốt và những nét hoa mỹ không thích hợp làm hủy hoại giai điệu và làm ca đoàn hỗn loạn”. Hội đồng nhà thờ tại Arnstadt quyết định khiển trách Bach vì “những âm thanh lạ” và cũng đòi Bach giải trình lý do trả phép muộn. Sau nhiều xung đột tiếp theo, Bach quyết định tìm một vị trí mới. Tháng 6 năm 1707, ông trả lại chìa khóa văn phòng mình cho hội đồng nhà thờ tại Arnstadt rồi nhanh chóng tới thị trấn Mühlhausen, nơi ông được nhận làm nhạc công organ. Dấu ấn chuyến đi tới Lübeck hiện diện trong nhiều tác phẩm cho đàn organ Bach sáng tác về sau. Trong số đó không thể không nhắc đến bản Toccata và Fugue, giọng Rê thứ mang ký hiệu BWV 565. Là một trong các kiệt tác thời kỳ sáng tác đầu tiên của Bach, Toccata và Fugue nổi bật vì xu thế nhịp nhàng cũng như motif mở đầu đầy lôi cuốn của nó. Nhiều người còn coi tác phẩm này là mẫu mực của thứ âm nhạc rùng rợn cho đàn organ vì họ liên hệ nó với những cảnh phim câm cường điệu kịch tính. Toccata và Fugue đã được chuyển soạn lại theo nhiều cách. Trong thế kỉ 20, thính giả thường được nghe nó qua bản chuyển soạn cho dàn nhạc của nhạc trưởng Leopold Stokowski. Những âm thanh ầm ì, được lãng mạn hóa của nó ngay trên cây đàn organ cũng khá hiệu quả, mặc dù những nghệ sĩ theo xu hướng chuẩn xác lịch sử lại tạo cho tác phẩm một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Sự luân phiên giữa các đoạn “gần như ngẫu hứng” và đối âm trong Toccata và Fugue cũng chính là đặc trưng trong các tác phẩm của Dietrich Buxtehude - người mà Bach không quản ngại cuốc bộ 200 dặm để gặp gỡ và học hỏi.


Concerto “Brandenburg”

Gần một nửa trong số tác phẩm của Bach tưởng rằng đã bị thất lạc và nhiều concerto của ông chỉ tồn tại ở dạng chuyển soạn về sau hay ở những bản sao chép sai sót. Nhưng các bản Concerto “Brandenburg” đã may mắn tồn tại ở dạng bản thảo gốc mà Bach gửi cho Christian Ludwig, bá tước vùng Brandenburg vào tháng 3 năm 1721. Nhan đề tiếng Pháp mà chính Bach đặt cho bộ tác phẩm này là Six Concerts Avec plusieurs Instruments (Sáu concerto với một số nhạc cụ). Trong lời đề tặng viết bằng thứ tiếng Pháp hết sức dài dòng và hoa mĩ, Bach tỏ vẻ nhún nhường và ngỏ ý muốn xin ngài bá tước một vị trí làm việc tốt hơn. Biệt danh “Brandenburg” quen thuộc chỉ gắn chặt với bộ tác phẩm kể từ sau khi nhà âm nhạc học Philipp Spitta sử dụng nó lần đầu trong một cuốn tiểu sử Bach năm 1880. Vào thời điểm viết các concerto này, Bach đang giữ chức Kapellmeister (Giám đốc âm nhạc) tại thành phố nhỏ Köthen nơi ông soạn nhạc cho triều đình Hoàng thân Leopold. Mỗi một bản trong số sáu concerto này đòi hỏi một cách kết hợp nhạc cụ khác nhau cũng như các nghệ sĩ độc tấu trình độ cao. Mọi bằng chứng gợi ra rằng các Concerto “Brandenburg” hoàn toàn phù hợp với trình độ các nhạc công tại Köthen lúc ấy. Ngược lại, bá tước vùng Brandenburg chỉ có trong tay một dàn nhạc triều đình nhỏ ở Berlin nhưng đó là một nhóm các nhạc công mà đa số trình độ xoàng xĩnh. Sở dĩ nhạc công tại Berlin có trình độ kém nhạc công thành phố tỉnh lẻ Köthen là do Vua Friedrich Wilhelm I mới thừa kế ngai vàng nước Phổ là người quan tâm đến sức mạnh quân sự hơn là nghệ thuật âm nhạc. Sau khi lên ngôi, nhà vua giải thể luôn dàn nhạc triều đình Berlin uy tín. Điều đó khiến nhiều nhạc công Berlin mất việc, và may mắn thay Hoàng thân Leopold yêu âm nhạc tại Köthen đã trọng dụng được bảy trong số những nhạc công giỏi nhất đó. Món quà âm nhạc, hay cũng có thể coi là đơn xin việc mà Bach gửi tới bá tước vùng Brandenburg, đã bị đối xử hờ hững. Bá tước không sử dụng, chẳng cảm ơn cũng như không trả tiền cho sáu concerto này. Chúng nằm im lìm trong thư viện của bá tước cho đến khi thư viện bị phát tán sau khi bá tước qua đời vào năm 1734. Sáu Concerto “Brandenburg” được bán với giá rẻ mạt là 24 đồng groschen và mãi đến thế kỉ 19 người ta mới phát hiện ra chúng. Concerto không chỉ là hình thức phổ biến nhất của khí nhạc cuối thời Baroque mà còn là phương tiện hàng đầu để thể hiện những cảm xúc lớn lao, hùng vĩ, một vai trò mà về sau được thể loại giao hưởng đảm đương.
Ngoại trừ Concerto “Brandenburg” No. 1, năm Concerto “Brandenburg” còn lại đều được viết theo thể thức concerto grosso, trong đó hai hay nhiều nhạc cụ solo (concertino) tương phản với một nhóm hòa tấu lớn hơn (ripieno). Điều ấn tượng nhất mà người nghe sẽ ngay lập tức nhận ra là cách sáu bản concerto này thay đổi trong lối kết hợp nhạc cụ của chúng. Bach không hề sử dụng cùng một lối kết hợp nhạc cụ nào đến hai lần. Concerto “Brandenburg” No. 1 giọng Fa trưởng BWV 1046 là concerto có nhiều chương nhạc nhất trong bộ (bốn chương).

Concerto “Brandenburg” No. 1

Concerto “Brandenburg” No. 1 Nó cũng mang tính dàn nhạc hơn với các đàn dây, oboe, piccolo và kèn cor mạnh mẽ. Ở Concerto “Brandenburg” No. 2 giọng Fa trưởng BWV 1047, concertino là một nhóm bốn nhạc cụ (trumpet, recorder, oboe và violin) chơi solo tương phản với ripieno gồm dàn dây và bè continuo.

Concerto “Brandenburg” No. 2

Concerto “Brandenburg” No. 2 Concertino của Concerto “Brandenburg” No. 3 giọng Sol trưởng BWV 1048 gồm ba violin, ba viola và ba cello.

Concerto “Brandenburg” No. 3

Concerto “Brandenburg” No. 3 Concerto “Brandenburg” No. 4 giọng Sol trưởng, BWV 1049 gồm violin và hai recorder chơi tương phản với dàn dây và bè continuo.

Concerto “Brandenburg” No. 4

Concerto “Brandenburg” No. 4 Cây đàn harpsichord thường chơi ở bè continuo làm nền trong các concerto khác nhưng ở Concerto “Brandenburg” No. 5 giọng Rê trưởng BWV 1050 thì lại giữ vai trò nổi bật.

Concerto “Brandenburg” No. 5

Concerto “Brandenburg” No. 5 Trong khi concertino của Concerto “Brandenburg” No. 6 giọng Si giáng trưởng BWV 1051 chỉ là hai viola.


Ngày nay, trong di sản âm nhạc đồ sộ mà Bach để lại, không có nhiều tác phẩm được yêu thích và biểu diễn thường xuyên bằng sáu bản Concerto “Brandenburg”. Nghe sáu concerto này, nơi bộc lộ khía cạnh thanh thoát hơn của thiên tài bất diệt, là một cách tiếp cận lý tưởng tới nghệ thuật đầy sức sống và đa dạng của Bach.

Concerto I cung Rê thứ, BWV 1052

Bản Concerto I cung Rê thứ, BWV 1052 vốn được viết cho độc tấu Harpsichord và bộ dây (gồm violin thứ nhất và thứ hai, viola, phần continuo (bè trầm) được đảm nhiệm bởi cello và violone) vốn được viết cho độc tấu Harpsichord và bộ dây (gồm violin thứ nhất và thứ hai, viola, phần continuo (bè trầm) được đảm nhiệm bởi cello và violone)
Sự ra đời của Concerto I cung Rê thứ, BWV 1052, tác phẩm này được cho là chuyển soạn dựa trên bản concerto cung Rê thứ cho violin của Bach. Bản concerto cho violin sau đó được soạn thành concerto cho đàn organ vào năm 1728 để sử dụng cho các bản cantata (tức bản nhạc soạn cho giọng hát có nhạc cụ chơi kèm) của Bach; chương đầu tiên của bản nhạc dành cho phần mở đầu và chương hợp xướng đầu tiên của bản cantata nhà thờ Wir müssen durch viel Trübsal (Chúng ta phải vượt qua nỗi buồn lớn lao) BWV 146 và chương cuối cho bản catata Ich habe meine Zuversicht auf den getreuen Gott gericht (Con đã đặt niềm tin nơi Chúa chân chính) BWV 188. Bản concerto gốc rất có thể là một trong những bản concerto đầu tiên của Bach và chứng tỏ tài năng bậc thầy của ông, rất giống với phong cách của bản concerto cho violin Grosso Mogul RV208 của Antonio Vivaldi mà Bach đã biết và chuyển soạn thành tác phẩm cho độc tấu organ BWV 594.
Bản chuyển soạn cho đàn harpsichord được thực hiện bằng cách chuyển soạn các phần ripieno cho bộ vỹ (một phần trong một tác phẩm concerto lớn dành cho một nhóm các nhạc cụ độc tấu và ripiento tức toàn bộ dàn nhạc giao hưởng) mà không cần thay thế và tăng cường tương đối phần độc tấu cho harpsichord khiến nó trở lên điêu luyện như bản concerto gốc, đồng thời cho thêm phần hợp xướng để làm tròn hoà âm và khiến cho phát triển phía bên trái bóng bảy hơn. Bản concerto này đáng chú ý nhất ở chương đầu và chương cuối, ở chương giữa, phần bên trái dường như bắt chước giống hệt phần ripieno continuo, và phía bên phải chơi một giai điệu có vẻ là lấy lại y nguyên từ phần dành cho violin.
Chương đầu và chương ba có chung một cấu trúc hoà âm mà dựa vào nó chúng ta có thể có thể phân chia các chương này thành bốn phân đoạn. Đoạn mở đầu của cả hai chương có chủ để là hoà âm chủ (Rê thứ) theo sau bởi sự lên tiếng của âm chủ tương đương (Fa trưởng). Phần thứ hai biến âm sang âm át (La thứ) và sau đó là âm trưởng của nó (Son trưởng). Cuối cùng, phần thứ tư tóm tắt lại chủ để ở âm chủ mà không có sự nối tiếp của âm trưởng.
Tác phẩm này được coi là một trong những bản concerto nổi tiếng nhất trong bộ sưu tập concerto từ thế kỷ 19; Felix Mendelssohn đã biểu diễn nó và Johannes Brahms viết một cadenza cho nó trong bản nhạc phổ xuất bản lần đầu năm 1838 bỏi Nhà xuất bản Kistner. Vào thế kỷ 20, người ta thường biểu diễn và thu âm tác phẩm này với phần độc tấu Piano, mặc dù sau đó, sự phát triển của trào lưu Historically informed performance xuất hiện từ đầu những năm 1960 (một trào lưu biểu diễn trong đó các tác phẩm bám chặt vào những tiêu chuẩn thẩm mỹ của giai đoạn mà nó được thai nghén) khiến cho việc chơi bản concerto này với harpsichord được ưa chuộng trở lại.

Ngoài ra còn có một phiên bản concerto harpsichord chuyển soạn bởi Carl Philipp Emanuel Bach (con thứ tư và là người con thứ hai sống sót của J.S. Bach) vào khoảng năm 1733 hoặc 1734 được lên chỉ mục như tác phẩm BMV 1052a; nó không được thực hiện đặc biệt tốt nhưng lại cho thấy tác phẩm này được gia đình Bach lưu giữ và nghiên cứu ra sao.


Prelude No1 in C major

Piano by Glenn Gould

Guitar by Nikos Katsarakit

Jesus, joy of man's desiring

by Orchestra

Guitar by Kaori Muraji

Gavotte En Rondeau

by Master Guitar : Andres Segovia

Prelude for Lute in C minor


Chaconne BWV 1004


Andres Segovia (3 pieces by Bach)


The Best of Bach




No comments: